BÀI LÀM
Tôi nhớ hồi mới học lớp 5 thầy giáo bảo tôi: Tiếng Việt ta giàu và đẹp lắm em ạ, nên phải biết yêu quý, trân trọng và giữ gìn nó (sở dĩ thầy nhắc khéo tôi là vì lúc ấy, tôi mới học lỏm được của anh trai mình mấy từ tiếng Pháp, lại học lỏm của chị con nhà bác hàng xóm mới đi Nga về mấy từ tiếng Nga. Thế là trong bài tập làm văn, tôi chêm vào đó cả tiếng Pháp lẫn tiếng Nga). Lúc bấy giờ, tôi thầm nghĩ Thầy có muốn biết như mình cũng chả được, vì thấy có biết ngoại ngữ đâu. Mà tiếng Việt có gì là ghê gớm lắm chứ! Nhưng rồi học lên lớp 6, rồi lớp 7, tôi được tiếp xúc với bao áng thơ văn trữ tình đằm thắm, tôi mới thấy thấm thía câu nói đó của thầy tôi. Nghĩ lại những ý nghĩ ngây thơ và ngu ngốc hồi trước, tôi lại càng giận mình.
Tiếng Việt ta giàu đẹp như thế nào là vấn đề đã được không ít các nhà nghiên cứu quan tâm. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng có bài viết Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhà phê bình Đặng Thai Mai có Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc ... Các nhà văn, nhà thơ không cần bàn luận gì, họ chỉ lặng lẽ mài giũa cho tiếng Việt ngày càng “trong” và “sáng” hơn, ngày càng “giàu” và “đẹp” hơn.
Quả thực, tiếng Việt ta rất giàu và đẹp. Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, hình tượng. Với một hệ thống các từ láy, từ ghép, từ tượng hình, tượng thanh, tiếng Việt có khả năng gợi ra được những hình ảnh rất rõ nét trong trí óc của người nghe.
Chắc chúng ta ai chẳng nhớ hai câu thơ với cách dùng từ gợi hình ảnh, trạng thái đầy ấn tượng của nữ sĩ Thanh Quan:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhờ những từ láy lom khom, lác đác mà sức biểu hiện của câu thơ đã tăng gấp bội. Cảnh hoang vu, quạnh vắng của Đèo Ngang trong buổi chiều tà càng thêm hiu hắt, ảm đạm.
Một điều lí thú hơn là ngay cả những từ đơn âm của tiếng Việt cũng có giá trị gợi hình. Chẳng hạn như:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Hồ Xuân Hương)
Và đây nữa, hình ảnh con hổ uy nghi, dũng mãnh, đẹp một vẻ đẹp hùng tráng:
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai cỏ sắc.
Trong đêm tối mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơ
(Thế Lữ)
Cùng với khả năng tạo hình, tiếng Việt còn là thứ tiếng giàu âm thanh, nhạc điệu. Với một hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú, thêm vào đó là hệ thống có các thanh điệu với những âm độ, âm vực, tiếng Việt có khả năng tạo ra nhiều giai điệu khác nhau: lúc du dương trầm bổng, lúc réo rắt, có lúc lại sâu lắng, thiết tha...
Ta hãy nghe những giai điệu êm đềm, đằm thắm của câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ
Hãy cảm nhận âm điệu của những dấu huyền ngọt ngào (Xuân Diệu) trong câu thơ Chinh phụ ngâm:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Và những giai điệu vừa sôi nổi rạo rực, vừa thiết tha đằm thắm, du dương của câu thơ Tố Hữu:
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca.
Chỉ riêng với hai khả năng: tạo hình và tạo nhạc, tiếng Việt đã đủ xứng đáng là một thứ ngôn ngữ vừa giàu vừa đẹp. Tuy nhiên, sự giàu và đẹp của tiếng Việt không chỉ dừng lại ở đó. Một đặc điểm không thể bỏ qua của tiếng Việt là sắc thái gợi cảm, sắc thái biểu hiện cảm xúc. Nó có khả năng diễn tả tinh tế những trạng thái khác nhau trong đời sống nội tâm phong phú của tâm hồn Việt.
Chỉ lấy ví dụ riêng về mặt diễn tả tâm trạng nhớ nhung của con người cũng đủ làm ta ngạc nhiên.
Một trạng thái nhớ nhung bâng khuâng:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
(Trần Tuấn Khải)
Một trạng thái nhớ nhung cồn cào, da diết:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
(Ca dao)
Một nỗi sầu mênh mang, sâu thẳm:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh.
(Chinh phụ ngâm)
Vốn từ của tiếng Việt cũng rất phong phú và độc đáo. Chỉ xét riêng vốn từ ngữ xưng hô cũng đã đủ làm nên sự đặc sắc đó. Trong từ ngữ xưng hô của tiếng Việt, ngoài những đại từ nhân xưng được ghi trong từ điển, người Việt ta còn dùng các danh từ chỉ quan hệ họ hàng làm từ xưng hô, khiến cho cách nói năng hàm chứa nhiều sắc thái tình cảm hơn.
Ngay cách dùng từ ngữ xưng hô cũng rất đặc biệt. Đã có ai lại thêm ta, rồi lại mình. Những từ này có khi là chủ thể phát ngôn, có khi là đối thể tiếp nhận, có khi lại bao hàm cả hai.
Chỉ riêng từ mình trong hai ví dụ sau đã thấy bao điều lí thú:
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu
(Tố Hữu)
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình lấm đất cùng tro
Ta đi gánh nước rửa cho con mình
(Ca dao)
Càng tìm hiểu kĩ hơn về tiếng Việt, ta càng ngỡ ngàng trước sự giàu đẹp của nó. Và càng thêm yêu tiếng Việt hơn.