A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. TÁC GIẢ

(Xem bài Nguyễn Tuân, trong tài liệu này).

II. TÁC PHẨM NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

1. Hoàn cảnh ra đời

Người lái đò sông Đà in trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960). Tập tùy bút gồm có 15 bài tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Người lái đò sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc của tác giả vào những năm 1958-1960 vừa để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa để khám phá vẻ đẹp tâm hồn của người lao động vùng Tây Bắc mà tác giả trân trọng gọi đó là “thử vàng mười đã được thử lửa”.

2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Nội dung

* Hình ảnh sông Đà

Sông Đà hiện lên qua điểm nhìn nghệ thuật của Nguyễn Tuân với hai nét tiêu biểu nhất là hung bạo và trữ tình.

- Tính chất hung bạo và trữ tình của con sông được tác giả khắc hoạ bằng nghệ thuật nhân hoá. Đá trên thác sông Đà mai phục, hung dữ bày thạch trận để tiêu diệt bất cứ con thuyền nào dám vượt thác. Nước cũng dữ tợn, nước cũng hùa vào, “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghe” để đánh những miếng đòn “hiểm độc nhất”.

- Hình tượng sông Đà còn được tác giả miêu tả bằng một loạt các thủ pháp so sánh, tưởng tượng, huy động vốn hiểu biết phong phú về địa lí, lịch sử, quân sự, điện ảnh, văn hoá...

* Hình ảnh người lái đò sông Đà

Người lái đò sông Đà là một người lao động cũng là một nghệ sĩ, đồng thời còn là một dũng tướng trong cuộc thuỷ chiến thường xuyên với thác nước sông Đà.

- Khi chưa bắt tay vào cuộc chiến và khi kết thúc công việc, con người ấy mang những nét bình thường, chất phác với “cái đầu bạc... cái đầu quắc thước ấy đặt trên một thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng chất mun” và “tay ông lêu nghêu như một cái sào, chân ông lúc nào cũng khuynh khuỳnh gó lại...”.

- Khi chở đó, ông lái đò bộc lộ là một con người dũng cảm, say mê sông nước, say mê những cảm giác mạnh. Đối đầu với những khó khăn, ông luôn bình tĩnh, khôn ngoan và chiến thắng mọi hiểm nguy trận mạc mà con sông bày ra khiến cho tên tướng đá “tiu nghỉu cái mặt xanh là thất vọng...”.

- Qua lăng kính nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, người lái đò còn rất “tài tử”, sau một ngày dài đấu trí đọ sức với con thuỷ quái, ông lái đò ung dung đốt lửa trong hang đá, nướng óng cơm lam, nói về cá anh vũ, ... chẳng hề bận tâm về chuyện vượt thác, chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng hung quân bạo.

Với Nguyễn Tuân, vẻ đẹp và chủ nghĩa anh hùng được thể hiện trong những con người bình thường, làm công việc bình thường.

b. Nghệ thuật

- Lối viết tài hoa uyên bác; sử dụng phối hợp kiến thức nhiều ngành khoa học như: lịch sử, địa lí, hội họa, điện ảnh,...

- Người lái đò sông Đà thể hiện một nguồn cảm hứng đặc biệt của tác giả trước những hiện tượng phi thường, gây cảm giác mạnh. Đó là nhờ cái nhìn cảnh vật và con người thiên về phương diện mĩ thuật và tài hoa của Nguyễn Tuân.

- Kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật một cách có hiệu quả: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, liên tưởng...

- Cách xây dựng các hình ảnh giàu chất gợi hình, gợi cảm, giọng văn linh hoạt, phong phú, giàu tính nhạc góp phần hấp dẫn người đọc.

3. Chủ đề

Xây dựng hình tượng con sông hung bạo và thơ mộng trữ tình, người lái đò bình dị mà tài hoa, tác giả ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc.

B. BÀI TẬP VẬN DỤNG

I. ĐỀ BÀI

1. Đề số 1: Về hình tượng con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

2. Đề số 2: Hình tượng người lái đò Sông Đà trong Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân).

3. Đề số 3: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

4. Đề số 4:

Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã tự thừa nhận mình “đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc và nhất là cái thứ càng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và vững bền”.

Anh (chị) hãy phân tích “chất vàng” quý giá của thiên nhiên và con người Tây Bắc thể hiện qua Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

II. GỢI Ý BÀI LÀM

1. Đề số 1

Bài viết cần nêu được những nội dung sau:

- Con sông Đà hiện ra dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân không phải như một cảnh trí thiên nhiên thông thường mà là một sinh thể sống động, có cá tính, có tâm trạng với hai nét tính cách cơ bản.

- Hình ảnh con sông Đà hung bạo, có tâm địa của một thứ kẻ thù số một của con người: thác, đá, gió, sóng đều dữ ác và đối nghịch với cuộc mưu sinh của con người trên sông nước.

- Hình ảnh con sông Đà trữ tình, thơ mộng, gần gũi, thân thiết với con người. Sông Đà được nhìn như một cố nhân...

Hai nét tính cách tương phản này đan xen hài hoà tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho hình tượng sông Đà.

- Nghệ thuật: hình ảnh sống và được khai thác từ phương diện thẩm mĩ – văn hoá qua cách miêu tả sinh động, sử dụng ngôn ngữ điêu luyện.

2. Đề số 2

- Bài viết cần nêu được những nội dung sau:

- Bên cạnh hình ảnh con sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình thì hình ảnh người lái đò sông Đà cũng thấp thoáng hiện lên qua vài nét phác hoạ của thiên tuỳ bút. Đó là một con người bình thường, người đưa đò vô danh nơi sông nước khuất nẻo, hoang vu. Đồng thời, qua cái nhìn của Nguyễn Tuân, đó còn là một nghệ nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh.

- Không những thế, trong trận chiến với sông nước hung bạo, người lái đò sông Đà còn là một dũng tướng đầy quả cảm.

- Người lái đò sông Đà mang vẻ đẹp của người anh hùng lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới của đất nước.

- Nghệ thuật: khắc hoạ vẻ đẹp của người lao động trên phương diện tài hoa nghệ sĩ.

3. Đề số 3

Bài viết cần nêu được những nội dung sau:

- Vài nét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân và tuỳ bút Người lái đò sông Đà.

- Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện qua đề tài Người lái đò sông Đà, hai nhân vật con sông Đà và ông lái đò sông Đà.

- Phong cách của Nguyễn Tuân thể hiện ở sự quan sát, khám phá sự vật ở phương diện mĩ thuật và con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.

- Phong cách của Nguyễn Tuân thể hiện ở nét tài hoa, lịch lãm. Đó là sự vận dụng những hiểu biết về nghệ thuật với những hiểu biết về các môn kĩ thuật khác như hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, vũ đạo, điện ảnh.

- Phong cách của Nguyễn Tuân thể hiện ở sự vận dụng những nghệ thuật, kĩ thuật hiếm thấy được vận dụng trong văn chương như nghệ thuật quân sự, võ thuật,...

- Phong cách của Nguyễn Tuân thể hiện ở việc vận dụng những tri thức của nhiều bộ môn khoa học trong sáng tác của mình như văn hoá, lịch sử, địa lí, văn chương.

- Phong cách của Nguyễn Tuân thể hiện qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

4. Đề số 4

Bài viết cần nêu được những nội dung sau:

- Nguyễn Tuân dùng chữ “chất vàng” không với nghĩa đen. Nhà văn mượn của vàng vẻ đẹp và sự quý giá để chỉ sự quý giá và vẻ đẹp của sông núi và con người mà nhà văn muốn đi tìm.

- Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã phát hiện “chất vàng” quý báu của một dòng sông. Đó là một con sông “hung bạo”, dòng sông với một sức sống mãnh liệt.

- “Chất vàng” của sông nước Tây Bắc không chỉ ở sự quý giá mà còn ở vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của một dòng sông.

- Cùng với thiên nhiên là con người. “Chất vàng mười” quý giá của người lao động trong Người lái đò sông Đà chính là hình ảnh ông lái đò sông Đà. Đó là một con người lao động bình thường, một người vô danh làm nghề lái đò dọc trên sông Đà. Nhưng con người vô danh ấy nhờ lao động, nhờ chinh phục tự nhiên vừa hung bạo vừa thơ mộng trữ tình như con sông Đà lại trở nên lớn lao, kì vĩ.