Chương III. VIRUT VÀ BỆNH TRUYỀN NHIỄM
A - Lí thuyết
I- CẤU TRÚC CÁC LOẠI VIRUT
1. Khái niệm
Virut là một thực thể sống chưa có cấu tạo tế bào, kích thước của chúng rất nhỏ trung bình 10 – 100nm. Chúng chỉ gồm 2 phần chính: vỏ là prôtêin (capsit) và lõi của axit nuclêic. Do chưa có cấu tạo tế bào nên virut sống kí sinh bắt buộc trong tế bào chủ (vi sinh vật, động vật hoặc thực vật), được gọi là hạt virut hay virion.
2. Hình thái và cấu tạo
a) Cấu tạo
Cấu tạo của virut gồm hai thành phần cơ bản: lõi là axit nucleic (tức bộ gen) và vỏ là prôtêin (gọi là capsit) bao bọc bên ngoài để bảo vệ axit nuclêic. Phức hợp gồm axit nuclêic và vỏ capsit gọi là nuclêôcapsit.
Bộ gen của virut có thể là ADN hoặc ARN, chuỗi đơn hoặc chuỗi kép, trong khi bộ gen của tế bào luôn luôn là ADN chuỗi kép.
Vỏ capsit được cấu tạo từ các đơn vị prôtêin gọi là capsome. Virut càng lớn thì số lượng capsome càng nhiều.
Một số virut còn có thêm vỏ ngoài bao bọc vỏ capsit. Vỏ này được cấu tạo từ lớp lipit kép và prôtêin. Trên mặt vỏ ngoài có các gai glicoprotein làm nhiệm vụ kháng nguyên và giúp virut bám lên bề mặt tế bào. Virut không có vỏ ngoài gọi là virut trần (hình 15).
Một virut hoàn chỉnh còn được gọi là virion.
b) Hình thái
Virut chưa có cấu tạo tế bào và được cấu trúc theo 3 loại sau:
* Cấu trúc xoắn: Capsome sắp xếp theo chiều xoắn của axit nuclêic. Cấu trúc xoắn thường cho virut có hình que hay sợi (virut khảm thuốc lá, virut bệnh dại) nhưng cũng có loại hình cầu (ví dụ virut cúm, sởi).
* Cấu trúc khối: Capsome sắp xếp theo hình khối đa diện với 20 mặt tam giác đều (ví dụ virut bại liệt).
* Cấu trúc hỗn hợp: Ví dụ, phago (kí sinh ở vi khuẩn còn gọi là thể thực khuẩn) có cấu tạo giống con nòng nọc. Đầu có cấu trúc khối chứa axit nuclêic gắn với đuôi có cấu trúc xoắn.
Kích thước trung bình của virut khoảng từ 10 đến 100nm (so với vi khuẩn E.coli, virut lớn nhất bằng 1/10).
2. Phân loại
Dựa vào loại axit nuclêic, cấu trúc vỏ capsit, có hay không có vỏ ngoài, người ta chia thành hai nhóm virut: virut ADN và virut ARN.
Tùy theo mục đích nghiên cứu, người ta phân loại virut dựa trên vật chủ mà chúng nhiễm thành ba nhóm lớn: virut ở động vật, virut ở vi sinh vật (phago) và virut ở thực vật.
a) Virut ở người và động vật
Loại virut này thường chứa ADN hoặc có thể là ARN. Dựa vào cấu trúc của axit nuclêic hoặc dựa vào tính chất và mức độ gây bệnh của virut mà người ta có thể chia làm nhiều nhóm khác nhau.
b) Virut ở vi sinh vật (phago)
Nhiều loại virut ở vi sinh vật mang ADN, ADN có thể là xoắn đơn vòng hoặc xoắn kép. Một số loại khác lại chứa ARN xoắn đơn. Các phagơ ở E.coli được nghiên cứu kĩ thuật vì khả năng ứng dụng to lớn của nó trong kĩ thuật di truyền.
c) Virut ở thực vật
Hầu hết các virut ở thực vật mang ARN. Ví dụ như virut gây bệnh ở nhiều loài cây trồng: bệnh khảm thuốc lá, khảm dưa chuột, vàng cây lúa mạch, đậu đỏ...