II – SỰ NHÂN LÊN CỦA VIRUT TRONG TẾ BÀO CHỦ
Virut không có cấu tạo tế bào nên người thường dùng thuật ngữ nhân lên thay cho từ sinh sản.
1. Chu trình nhân lên của virut
Chu trình nhân lên của virut bao gồm 5 giai đoạn (hình 16):
a) Sự hấp phụ
Virut bám một cách đặc hiệu lên thụ thể bề mặt tế bào (nếu không đặc hiệu thì virut không bám được vào).
b) Xâm nhập
* Đối với phago:
Enzim lizôzim phá hủy thành tế bào để bơm axit nuclêic vào tế bào chất, còn vỏ nằm bên ngoài.
* Đối với virut động vật: đưa cả nuclêôcapsit vào tế bào chất, sau đó “cởi vỏ” để giải phóng axit nuclêic.
c) Sinh tổng hợp
Virut sử dụng enzim và nguyên liệu của tế bào để tổng hợp axit nuclêic và prôtêin cho riêng mình. Một số trường hợp virut có enzim riêng tham gia vào quá trình tổng hợp.
d) Lắp ráp
Vỏ capsit bao lấy lõi ADN, các bộ phận như đĩa gốc, đuôi gắn lại là với nhau tạo thành phago mới.
e) Phóng thích
Các phago mới được tạo thành phá vỡ vỏ tế bào chủ chui ồ ạt ra ngoài hoặc tạo thành một lỗ thủng trên vỏ tế bào chủ và chui từ từ ra ngoài.
g) Virut ôn hoà và virut độc
Trong một quần thể vi khuẩn bị nhiễm virut ta có thể thấy hai chiều hướng phát triển:
Ở nhiều tế bào, các virut phát triển làm tan tế bào, đây là virut độc. Ở một số tế bào khác, bộ gen của virut gắn vào nhiễm sắc thể của tế bào, tế bào vẫn sinh trưởng bình thường, virut này gọi là virut ôn hoà và tế bào này gọi là tế bào tiềm tan. Chỉ khi có một số tác động bên ngoài như tia tử ngoại có thể chuyển virut ôn hoà thành virut độc làm tan tế bào.
2. HIV/ AIDS
a) Khái niệm
HIV là virut gây suy giảm miễn dịch ở người: gây nhiễm và phá hủy một số tế bào của hệ thống miễn dịch (tế bào limphô $T_{4}$ và đại thực bào). Từ đó, làm mất khả năng miễn dịch của cơ thể.
Các vi sinh vật lợi dụng lúc cơ thể bị suy giảm miễn dịch để tấn công, gọi là vi sinh vật cơ hội. Các bệnh do chúng gây ra gọi là bệnh cơ hội.
b) Ba con đường lây truyền HIV
+ Qua đường máu: truyền máu, tiêm chích, xăm mình, ghép tạng... (đã bị nhiễm HIV).
+ Qua đường tình dục.
+ Từ mẹ (bị nhiễm HIV) truyền cho con qua bào thai hoặc qua sữa mẹ.
c) Ba giai đoạn phát triển của bệnh
+ Sơ nhiễm hay giai đoạn “cửa sổ” kéo dài 2 tuần đến 3 tháng. Thường không biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ.
+ Thời kì không triệu chứng: kéo dài 1 - 10 năm. Lúc này số lượng tế bào limphô T - $CD_{4}$ giảm dần.
+ Thời kì biểu hiện triệu chứng AIDS: Các bệnh cơ hội xuất hiện (sốt kéo dài, sút cân, tiêu chảy, viêm da, sưng hạch, lao, ung thư Kaposi, mất trí...) cuối cùng dẫn đến cái chết không sao tránh khỏi.
d) Biện pháp phòng ngừa
Các thuốc chữa trị bệnh HIV hiện có chỉ có thể làm chậm tiến trình dẫn đến bệnh AIDS. Do vậy, lối sống lạnh mạnh, loại trừ tệ nạn xã hội và vệ sinh y tế là biện pháp tốt nhất để phòng HIV/AIDS.