Chương II. CẤU TRÚC CỦA TẾ BÀO

A - Lí thuyết

I - TẾ BÀO NHÂN SƠ

1. Khái quát về tế bào

a) Học thuyết tế bào

Nhà Thực vật học Slayden (Schleiden) (1838) và nhà Động vật học Svan (Shwann) (1839) đã đề xuất học thuyết tế bào: Tất cả cơ thể sống từ vi khuẩn, thực vật, động vật đều có cấu tạo tế bào.

Học thuyết tế bào còn cho thấy: Tế bào là đơn vị tổ chức cơ bản của cơ thể sống cả về cấu trúc, chức năng và di truyền (Ở mức độ tổ chức tế bào, sự sống được biểu hiện một cách đầy đủ).

b) Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

Dựa vào cấu trúc, người ta phân biệt hai dạng tế bào: tế bào nhân sơ (Prokaryota) cấu tạo nên cơ thể vi khuẩn và tế bào nhân thực (Eukaryota) cấu tạo nên cơ thể động vật đơn bào, tảo, nấm, thực vật và động vật.

2. Cấu tạo tế bào nhân sơ (tế bào vi khuẩn)

Tế bào vi khuẩn gồm thành phần chính: thành tế bào, màng sinh chất, tế bào chất và nuclêôtit (hình 4).

a) Thành tế bào:

Thành tế bào vi khuẩn được cấu tạo bởi chất peptidoglican (bao gồm cacbohiđrat liên kết với nhau bằng liên kết peptit). Tùy theo cấu tạo của lớp peptidoglican mà thành có tính chất nhuộm màu phân biệt với thuốc nhuộm Gram, người ta phân biệt hai loại vi khuẩn Gram dương (G+) và vi khuẩn Gram âm (G-). Sự khác biệt này có tầm quan trọng trong việc sử dụng các loại kháng sinh đặc hiệu để chống từng nhóm vi khuẩn gây bệnh. Ở một số loài vi khuẩn bao bọc thành tế bào còn có lớp vỏ bọc nhày dày mỏng khác nhau, có chức năng khác nhau.

Ngoài ra, ở một số vi khuẩn còn có lông và roi. Lông có chức năng như những thụ thể tiếp nhận các virut, hoặc có thể giúp vi khuẩn trong quá trình tiếp hợp; một số vi khuẩn gây bệnh ở người thì lông giúp chúng bám được vào bề mặt tế bào người. Roi có chức năng giúp vi khuẩn di chuyển.

b) Tế bào chất của tế bào vi khuẩn

Tế bào chất chứa tới 65 - 90% nước, các chất vô cơ và hữu cơ khác nhau. Phân bố trong tế bào chất có nhiều ribôxôm (từ 10.000 - 100.000) là nơi tổng hợp prôtêin của vi khuẩn. Nhiều chỗ màng sinh chất gấp nếp lồi lõm vào tế bào chất tạo nên các mêzôxôm được xem như một loại bào quan có vai trò trong sự phân bào, hoặc hô hấp hiếu khí (khi trong mêzôxôm có chứa các enzim cần cho hô hấp hiếu khí ở vi khuẩn hiếu khí).

c) Vùng nhân

Nhiễm sắc thể của vi khuẩn là phân tử ADN trần (không liên kết với prôtêin), là chuỗi xoắn kép dạng vòng khu trú ở vùng tế bào chất gọi là nuclêôtit.

Trong tế bào chết, ngoài ADN trong nuclêôtit, còn có một số phân tử ADN khác được gọi là plasmit chứa thông tin di truyền quy định một số đặc tính của vi khuẩn như tính kháng thuốc. Plasmit của một vi khuẩn này có khả năng tải nạp sang các vi khuẩn khác, vì vậy có thể sử dụng plasmit như một vectơ để chuyển tải gen tái tổ hợp từ tế bào này sang tế bào khác.