II - NGUYÊN PHÂN

1. Quá trình nguyên phân

Quá trình này bao gồm 2 giai đoạn: phân chia nhân và phân chia tế bào chất.

a) Phân chia nhân

Phân chia nhân (vật chất di truyền) thực chất là một quá trình liên tục, nhưng dựa vào một số đặc điểm người ta có thể chia thành 4 kì là kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối (hình 11).

Kì đầu: Các NST kép sau khi nhân đôi ở kì trung gian dần được co xoắn. Màng nhân dần tiêu biến, thoi phân bào dần xuất hiện. Đây có thể xem như giai đoạn “bao gói” vật liệu di truyền và chuẩn bị phương tiện chuyên chở (thoi vô sắc).

Kì giữa: Các NST kép co xoắn cực đại và tập trung thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo. Thoi phân bào được đính vào hai phía của NST tại tâm động.

Kì sau: Các nhiễm sắc tử dần tách nhau ra và di chuyển trên thoi phân bào về 2 cực của tế bào.

Kì cuối: NST dần dãn xoắn, màng nhân dần xuất hiện.

b) Phân chia tế bào chất

Sau kì cuối, vật chất di truyền được phân chia xong, tế bào chất bắt đầu phân chia tách thành 2 tế bào con. Các tế bào động vật phân chia tế bào bằng cách thắt màng tế bào ở vị trí mặt phẳng xích đạo, còn tế bào thực vật lại hình thành vách ngăn ở mặt phẳng xích đạo.

3. Ý nghĩa của nguyên phân

Đối với các sinh vật nhân thực đơn bào, nguyên phân là cơ chế sinh sản. Từ 1 tế bào mẹ qua nguyên phân tạo ra 2 tế bào con giống y hệt nhau.

Đối với các cơ thể sinh vật nhân thực đa bào, nguyên nhân làm tăng số lượng tế bào giúp cơ thể sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, nguyên phân cũng đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể tái sinh những mô hoặc các cơ quan bị tổn thương. Ở các sinh vật sinh sản sinh dưỡng, nguyên phân là hình thức sinh sản tạo ra các cá thể con có kiểu gen giống kiểu gen của cá thể mẹ.

Những kiến thức về nguyên phân được ứng dụng rộng rãi trong kĩ thuật nuôi cấy mô, giâm, chiết, ghép để nhân giống.