Chương sáu: Cách mạng khoa học - công nghệ và xu thế toàn cầu hoá
Nguồn gốc và đặc điểm của cách mạng khoa học - công nghệ
- Từ những năm 40 của thế kỉ XX, loài người đã bước sang cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật lần thứ hai. Cũng như cuộc cách mạng công nghiệp thế kỉ XVIII - XIX, nguồn gốc của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật lần này bắt nguồn từ yêu cầu sản xuất và nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống con người, đặc biệt là trong tình hình gia tăng dân số, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên buộc con người phải tìm phương hướng giải quyết.
- Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật lần này là khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra của cải vật chất. Cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật lần này có sự gắn bó trực tiếp giữa khoa học và kĩ thuật. Mọi phát minh kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học đi trước, mở đường cho kĩ thuật phát triển. Đến lượt mình, kĩ thuật lại thúc đẩy sản xuất phát triển. Khoa học đã tham gia trực tiếp vào sản xuất, trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kĩ thuật và nâng cao năng suất lao động. Đầu tư vào khoa học là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao nhất.
Những thành tựu tiêu biểu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ
- Cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật lần thứ hai trải qua hai giai đoạn: Từ 1945 đến 1973 và từ 1973 đến nay, trong đó công nghệ được đưa lên vị trí hàng đầu nên được gọi là cuộc cách mạng khoa học công nghệ với những thành tựu tiêu biểu:
Thứ nhất, về khoa học cơ bản, con người đạt được những thành tựu to lớn, với những bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử ở các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,... Năm 1997 cả thế giới chấn động khi các nhà khoa học tạo ra được con cừu Đôli bằng phương pháp sinh sản vô tính từ một tế bào lấy từ tuyến vú của một con cừu đang mang thai. Năm 2000, nhân loại lại bất ngờ khi các nhà khoa học Anh, Pháp, Mĩ, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc công cố “Bản đồ gen người”,... Việc giải mã thành công “Bản đồ gen người” sẽ giúp chúng ta tìm ra phương thức chữa trị được những căn bệnh ung thư nguy hiểm, kéo dài tuổi thọ cho con người,...
Thứ hai, trong lĩnh vực công nghệ xuất hiện những phát minh quan trọng về công cụ sản xuất mới như máy tính điện tử, máy tự động, người máy rô bốt,...
Thứ ba, con người đã tìm được nhiều nguồn năng lượng mới phong phú, vô tận như năng lượng nguyên tử, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng gió, thủy triều,... thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới đang cạn kiệt dần.
Thứ tư, tìm ra những vật liệu mới thay thế cho vật liệu trong thiên nhiên ngày càng vơi cạn, quan trọng nhất là việc chế tạo ra chất dẻo pôlime với nhiều loại hình khác nhau: siêu sạch, siêu cứng, siêu bền,...
Thứ năm, trong công nghệ sinh học đã đạt được những thành công kì diệu với cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, góp phần giải quyết nạn đói và thiếu lương thực, tăng năng suất vật nuôi và cây trồng,...
Thứ sáu, những phát minh trong lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc: máy bay siêu âm khổng lồ, tàu hỏa chạy tốc độ cao với hàng trăm km/giờ, hệ thống phát sóng truyền hình hiện đại qua vệ tinh,...
Thứ bảy, những thành tựu chinh phục vũ trụ của con người. Năm 1957, Liên Xô trở thành nước đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh nhân tạo của Trái Đất. Năm 1961, Liên Xô phóng tàu vũ trụ, đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin bay vòng quang Trái Đất, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Năm 1969, lần đầu tiên trong lịch sử, Mĩ đưa người đổ bộ lên Mặt Trăng,...
- Ý nghĩa
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ như một cột mốc chói lọi trong lịch sử tiến hóa văn minh của loài người, mang lại những tiến bộ phi thường, làm thay đổi cuộc sống của con người. Cách mạng khoa học - công nghệ đưa loài người bước sang một nền văn minh mới mà người ta gọi đó là “văn minh hậu công nghiệp”, có người gọi là “văn minh tin học, trí tuệ". Cách mạng khoa học - công nghệ cho phép con người thực hiện những bước nhảy vọt chưa từng thấy về sản xuất và lao động. Nhờ nó mà nhiều giống cây trồng, vật nuôi được nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao. Con người được lựa chọn và sử dụng nhiều loại hàng hóa mới, với các tiện nghi sinh hoạt mới (ti vi, máy điều hòa, điện thoại di động, máy vi tính,...).
+ Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cũng làm thay đổi cơ cấu dân cư lao động: xu hướng tỉ lệ cư dân lao động trong nông nghiệp giảm dần, tỉ lệ dân cư trong các ngành dịch vụ tăng lên, nhất là ở những nước phát triển.
+ Tuy vậy, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cũng mang lại những hậu quả tiêu cực nếu như con người không biết sử dụng đúng mục đích. Đó là việc chế tạo ra các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hủy diệt (bom nguyên tử). Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các nước, dịch bệnh, tai nạn lao động, hiện tượng hiệu ứng nhà kính,... luôn là mối đe dọa lớn cho mọi quốc gia trên thế giới.
Xu thế toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó
Từ những năm 80 của thế kỉ XX, thế giới đã diễn ra xu thế toàn cầu hóa. Đây là hệ quả quan trọng của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, là kết quả của quá trình tăng tiến mạnh mẽ của lực lượng sản xuất. Xét về bản chất, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối quan hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.
Những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa là: Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế: Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay tăng 12 lần;
Sự phát triển và những tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia. Hiện nay có 500 công ty xuyên quốc gia, chiếm 25% tổng sản phẩm thế giới và 3/4 giá trị thương mại toàn cầu;
Sự sáp nhập, hợp nhất các công ty thành tập đoàn kinh tế đa ngành nhằm tạo ra khả năng cạnh tranh mà trước hết trong lĩnh vực khoa học - kĩ thuật;
Sự thành lập và phát triển các tổ chức tiền tệ tài chính quốc tế và khu vực như Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN),...
Như vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, toàn cầu hoá là một xu thế khách quan, là một thực tế không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa vừa có mặt tích cực vừa có mặt hạn chế. Toàn cầu hóa là cơ hội to lớn giúp các nước phát triển lực lượng sản xuất và hội nhập quốc tế. Song, toàn cầu hoá cũng bộc lộ mặt trái, đó là sự phân hoá giàu nghèo, sự mất ổn định về chính trị - xã hội, nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc.
Như vậy, toàn cầu hoá vừa tạo ra thời cơ, vừa có cả nguy cơ. Việt Nam cần phải chủ trương hội nhập, nắm bắt thời cơ, khắc phục nguy cơ đưa đất nước đi lên.