LỊCH SỬ THẾ GIỚI (1945 - 2000)

Chương một: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (1945 - 1949)

Hội nghị Ianta (2 - 1945)

- Hoàn cảnh triệu tập hội nghị: Đầu năm 1945, cục diện của Chiến tranh Thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn kết thúc. Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ phe Đồng minh chống phát xít nổi lên, trong đó nổi bật là 3 vấn đề bức xúc cần phải giải quyết: Cần phải nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở châu Á - Thái Bình Dương; Cần phải tổ chức lại một trật tự thế giới mới sau chiến tranh; Phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị quốc tế được triệu tập từ ngày 4 đến ngày 12 - 2 - 1945 tại Ianta (Liên Xô). Tham dự hội nghị là đại diện của ba nguyên thủ quốc gia: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (I. Xtalin), Tổng thống Mĩ (Ph. Rudơven) và Thủ tướng Anh (U. Sớcsin).

- Hội nghị đã đưa ra ba quyết định quan trọng: Thứ nhất, về việc kết thúc chiến tranh ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, ba cường quốc thống nhất phải “tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản”, nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở châu Âu. Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương sau khi hoàn thành kết thúc chiến tranh ở châu Âu; Thứ hai, sẽ thành lập một tổ chức Liên hợp quốc trên nền tảng và nguyên tắc cơ bản là sự nhất trí giữa 5 cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc, nhằm giữ gìn nền hòa bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh; Thứ ba, ba cường quốc thỏa thuận việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á:

- Những quyết định của Hội nghị cấp cao Ianta (tháng 2 - 1945) và những thỏa thuận sau này (tại Hội nghị Pốtxđam ở Đức từ ngày 17 - 7 đến ngày 2 - 8 - 1945) đã trở thành khuôn khổ của một trật tự thế giới mới, từng bước được thiết lập trong những năm 1945 - 1947 sau khi chiến tranh kết thúc, thường được gọi là “Trật tự hai cực Ianta”: một cực do Liên Xô đứng đầu - đại diện cho các nước XHCN, cực còn lại do Mĩ đứng đầu - đại diện cho các nước TBCN. Trật tự hai cực Ianta đã kéo dài trong suốt thời kì “chiến tranh lạnh”, từ năm 1947 đến năm 1989 mới chấm dứt.

Sự thành lập và hoạt động của Liên hợp quốc

- Sau một thời gian chuẩn bị, từ 25 - 4 đến 26 - 6 - 1945, đại diện của 50 nước lớn đã họp tại Xan Phranxicô (Mỹ) để thảo luận Hiến chương và thành lập Liên hợp quốc. Đến ngày 24 - 10 - 1945, sau khi được Quốc hội các nước phê chuẩn, Hiến chương chính thức có hiệu lực, và ngày này về sau trở thành “Ngày Liên hợp quốc”.

- Hiến chương là văn kiện quan trọng nhất của Liên hợp quốc nêu rõ mục đích của tổ chức này, nhằm: Duy trì hòa bình và an ninh thế giới; phát triển các quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; tiến hành hợp tác giữa quốc tế giữa các nước trên thế giới, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

- Hiến chương quy định 5 nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc:

+ Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết dân tộc;

+ Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước;

+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;

+ Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình;

+ Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).

- Tổ chức Liên hợp quốc có các cơ quan chủ yếu sau:

+ Đại hội đồng, gồm tất cả các nước thành viên, họp mỗi năm một lần. Mọi vấn đề quan trọng phải được thông qua với 2 - 3 số nước thành viên trở lên, những vấn đề khác được thông qua đa số phiếu.

+ Hội đồng bảo an là cơ quan quan trọng nhất có chức năng bảo vệ hoà bình, an ninh thế giới, gồm 15 nước thành viên. Trong đó có 5 uỷ viên thường trực không thay đổi là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và 10 nước uỷ viên không thường trực nhiệm kì 2 năm. Mọi quyết định của Hội đồng bảo an phải được 9/15 nước thông qua, trong đó có 5 nước uỷ viên thường trực.

+ Ban thư kí là cơ quan hành chính, đứng đầu là Tổng thư kí nhiệm kì 5 năm.

+ Hội đồng kinh tế - xã hội gồm 54 nước thành viên có nhiệm vụ giải quyết đề xuất các vấn đề về kinh tế - xã hội.

+ Hội đồng quản thác là cơ quan được Liên hợp quốc uỷ thác quản lí điều hành một bộ phận lãnh thổ có tranh chấp.

+ Toà án quốc tế đặt tại La Hay là cơ quan tư pháp của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, Liên hợp quốc còn có hàng trăm tổ chức chuyên môn khác như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)... Trụ sở Liên hợp quốc đặt tại Niu Oóc (Mỹ).

Vai trò của tổ chức Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam

- Liên hợp quốc là diễn đàn quốc tế vừa có nhiệm vụ phát triển sự hợp tác quốc tế giữa các nước, vừa có vai trò to lớn trong việc đấu tranh giữ vững nền hoà bình, giải quyết các cuộc xung đột quốc tế; tăng cường hữu nghị, hợp tác giữa các nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống thiên tai, bệnh tật, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Đây là tổ chức quốc tế quan trọng và lớn nhất hành tinh. Lúc mới thành lập, Liên hợp quốc chỉ có 50 nước thành viên, đến năm 2006 lên 192 nước. Trong hơn nửa thế kỉ qua, Liên hợp quốc đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp, xung đột và chiến tranh ở nhiều khu vực, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế,...

- Việt Nam là thành viên chính thức thứ 149 của Liên hợp quốc kể từ ngày 20 - 9 - 1977. Ngày 16 - 7 - 2007, với đa số phiếu tán thành lần đầu tiên Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kì 2008 - 2009.

Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ba sự kiện quan trọng ở châu Âu diễn ra đã dẫn tới sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập nhau gay gắt - hệ thống tư bản chủ nghĩa (TBCN) và xã hội chủ nghĩa (XHCN):

- Nước Đức bại trận và bị các nước Đồng minh chiếm đóng: Do sự bất đồng sâu sắc, chủ yếu giữa Liên Xô và Mĩ, trên lãnh thổ nước Đức đã ra đời hai nhà nước: Cộng hòa Liên bang Đức (9 - 1949) và Cộng hòa Dân chủ Đức (10 - 1949). Hai nhà nước này theo hai chế độ chính trị khác nhau: Cộng hòa Dân chủ Đức đi theo con đường XHCN, còn Cộng hòa Liên bang Đức đi theo con đường TBCN.

- Trong khi Liên Xô truy kích quân phát xít qua lãnh thổ Đông Âu, nhân dân các nước này đã nổi dậy giành chính quyền, xây dựng chế độ quân chủ nhân dân và thiết lập quan hệ liên minh chặt chẽ với Liên Xô. Tháng 1 - 1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV).

- Kế hoạch Phục hưng châu Âu (Kế hoạch Macsan) do Mĩ đề ra năm 1947, nhằm viện trợ các nước Tây Âu (17 tỉ USD) để khôi phục kinh tế sau chiến tranh và tăng cường ảnh hưởng, sự khống chế của Mĩ đối với các nước này. Nhờ đó, kinh tế các nước Tây Âu được phục hồi và phát triển nhanh chóng, đối chọi trực tiếp với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.

Như vậy, sự ra đời của hai khối địa - chính trị và kinh tế ở châu Âu đã hình thành hai hệ thống xã hội đối lập nhau: Tây Âu TBCN và Đông Âu XHCN, dưới ảnh hưởng của Mĩ và Liên Xô ở mỗi bên.