Chương hai: Liên Xô và các nước đông Âu (1945 - 1991). Liên bang Nga (1991 - 2000)

Liên Xô khôi phục kinh tế và xây dựng CNXH từ năm 1945 đến giữa những năm 70

- Hoàn cảnh: Liên Xô bước ra khỏi Chiến tranh Thế giới thứ hai với những tổn thất nặng nề về người và của: khoảng 27 triệu người chết, 1710 thành phố, hơn 7 vạn làng mạc, gần 32.000 nhà máy, xí nghiệp bị tàn phá,... Sau chiến tranh, Mĩ và các nước phương Tây tiến hành “chiến tranh lạnh” chống phá Liên Xô.

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và với tinh thần tự lực tự cường, nhân dân Liên Xô đã đạt được những thành tựu kì diệu:

Liên Xô đã hoàn thành trước thời hạn 9 tháng kế hoạch 5 năm (1946 - 1950). Tới năm 1950, sản lượng công nghiệp tăng 73%, sản lượng nông nghiệp đạt mức trước chiến tranh. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mĩ.

Từ năm 1950 đến năm 1970, Liên Xô thực hiện các kế hoạch dài hạn xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của CNXH. Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ), chiếm 20% sản lượng công nghiệp của thế giới; đi tiên phong trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ, khí đốt, than đá, sắt thép,...

Về khoa học - kĩ thuật, Liên Xô đạt được nhiều thành tựu to lớn, là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất (1957). Năm 1961, phóng tàu vũ trụ đưa nhà du hành Gagarin bay vòng quanh Trái Đất, mở ra kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

Về chính trị, xã hội, giáo dục: Tỉ lệ giai cấp công nhân chiếm 55% số người lao động, trình độ dân trí được nâng cao, y tế, giáo dục miễn phí. Liên Xô đã hoàn thành phổ cập giáo dục cấp THCS trên cả nước.

An ninh quốc phòng, trật tự xã hội được giữ vững.

Trong chính sách đối ngoại, Đảng và Nhà nước Liên Xô thi hành chính sách hòa bình, kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu gây chiến của các nước đế quốc. Chính vì vậy, Liên Xô là thành trì của hoà bình, chỗ dựa vững chắc của cách mạng thế giới, ủng hộ các nước XHCN, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

- Những thành tựu trên đã thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho người dân lao động, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Liên Xô.

Liên Xô từ giữa những năm 70 đến năm 1991: Công cuộc cải tổ của Liên Xô và sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.

- Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã tác động toàn diện đến các nước trên thế giới, đòi hỏi mọi quốc gia phải nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Trong bối cảnh ấy, ban lãnh đạo Liên Xô đã không nhận thức được đầy đủ tình hình, chậm trễ trong việc đề ra đường lối cải cách. Chính vì vậy, nền kinh tế Liên Xô dần dần bộc lộ dấu hiệu suy thoái, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Mô hình tập trung quan liêu bao cấp của Liên Xô vốn đã có nhiều khuyết điểm, nay vẫn chưa được khắc phục; một số nhóm đối lập công khai ra mặt chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết,...

Tháng 3 - 1985, Goocbachốp lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đề ra đường lối cải tổ. Công cuộc cải tổ được tuyên bố như một quá trình cách mạng nhằm đổi mới mọi mặt đời sống xã hội Xô viết, sửa chữa những sai lầm thiếu sót trước đây, đưa đất nước thoát khỏi trì trệ và xây dựng CNXH đúng như bản chất của nó.

Nhưng sau gần 6 năm tiến hành, do nhiều nguyên nhân mà công cuộc cải tổ ngày càng bế tắc và xa rời nguyên tắc của CNXH. Đến tháng 12 - 1990, công cuộc cải tổ về kinh tế thực sự thất bại, xã hội ngày càng rối loạn với những xung đột gay gắt giữa các dân tộc và các phe phái. Đất nước Xô viết đứng trước thảm họa tan vỡ.

Bước sang năm 1991, tình hình Liên Xô càng lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhân dân bất bình, xuống đường mít tinh, biểu tình phản đối Đảng và chính quyền; nhiều nước cộng hòa đòi tách khỏi Liên bang Xô viết,...Đỉnh cao của khủng hoảng là cuộc đảo chính ngày 19 - 8 - 1991, nhưng bị thất bại. Sau sự kiện này, Goocbachốp từ chức Tổng bí thư, tuyên bố giải tán ủy ban Trung ương Đảng. Đảng Cộng sản bị đình chỉ hoạt động, các nước cộng hoà tuyên bố ra khỏi Liên Xô.

Ngày 21 - 12 - 1991, 11 nước cộng hoà kí Hiệp ước thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG. Ngày 25 - 12 - 1991, Goocbachốp từ chức Tổng thống, lá cờ đỏ búa liềm trên điện Cremli hạ xuống, đánh dấu sự tan rã của CNXH ở Liên Xô, sau 74 năm tồn tại (1917 - 1991).

Các nước Đông Âu (1945 - 1991)

* Giai đoạn 1945 - 1949: Thành lập các nhà nước dân chủ nhân dân

Trong những năm 1944 - 1945, lợi dụng thời cơ Hồng quân Liên Xô tiến quân truy quét quân đội phát xít Đức qua lãnh thổ Đông Âu, nhân dân và các lực lượng vũ trang Đông Âu đã nổi dậy phối hợp với Hồng quân Liên Xô tiêu diệt bọn phát xít, giành chính quyền và thành lập các nước dân chủ nhân dân: Cộng hoà nhân dân Ba Lan (22 - 7 - 1944), Cộng hoà nhân dân Hunggari (4 - 4 - 1945), Cộng hoà Tiệp Khắc (9 - 5 - 1945), Cộng hoà liên bang nhân dân Nam Tư (29 - 11 - 1945), ...

- Ngay sau khi thành lập nhà nước dân chủ nhân dân, các nước Đông Âu tiến hành nhiều nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân như xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ cho người dân,... Được sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Đông Âu cũng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của bọn nội phản và thù địch bên ngoài. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định.

- Từ năm 1950 đến những năm 70, các nước Đông Âu đã thực hiện nhiều kế hoạch 5 năm xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ những nước nghèo nàn, các nước Đông Âu đã trở thành quốc gia có nền kinh tế công - nông nghiệp, tiêu biểu là Ba Lan, Tiệp Khắc,...

- Từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng (1973), nền kinh tế các nước Đông Âu rơi vào tình trạng trì trệ. Khủng hoảng bao trùm các nước, ban lãnh đạo các nước này lần lượt từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chấp nhận chế độ đa đảng, tiến hành Tổng tuyển cử tự do. Kết quả là, qua Tổng tuyển cử ở hầu hết các nước Đông Âu, những thế lực chống CNXH thắng cử, giành được chính quyền nhà nước, các Đảng Cộng sản thất bại. Như vậy, từ cuối năm 1989, chế độ XHCN bị tan rã ở hầu hết các nước Đông Âu. Riêng ở Đức, sau khi “bức tường Béclin” bị phá bỏ, ngày 3 - 10 - 1990, nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức.

Nguyên nhân dẫn tới sự tan rã của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu

Sự tan rã của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 1989 - 1991 đã gây nên hậu quả hết sức nặng nề. Có thể nêu lên 4 nguyên nhân cơ bản sau:

- Nguyên nhân sâu xa là sự thiếu tôn trọng đầy đủ các quy luật phát triển khách quan về kinh tế - xã hội, chủ quan duy ý chí, thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thay cho cơ chế thị trường làm cho nền kinh tế đất nước thiếu tính năng động và mềm dẻo trong phát triển. Chính cơ chế đó đã dẫn tới tình trạng thụ động xã hội, thiếu dân chủ và công bằng, vi phạm nghiêm trọng pháp chế XHCN và những biểu hiện sai lầm, tha hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức của một số người lãnh đạo Đảng và nhà nước.

- Những khuyết tật, thiếu sót được duy trì quá lâu càng làm cho Liên Xô và các nước Đông Âu không bắt kịp sự phát triển của khoa học - kĩ thuật hiện đại.

- Khi tiến hành cải tổ lại phạm sai lầm về nhiều mặt làm cho khủng hoảng càng thêm nặng nề.

- Những hoạt động chống phá của các thế lực chống CNXH trong và ngoài nước. Hậu quả của sự tan rã chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là sự tổn thất chưa từng có của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hệ thống XHCN không còn nữa.

Liên bang Nga từ năm 1991 đến năm 2000

- Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Liên bang Nga ra đời (1991), là “quốc gia kế tục Liên Xô” về địa vị pháp lí ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan ngoại giao của Liên Xô ở nước ngoài.

- Về kinh tế: Từ năm 1992, chính phủ Nga đề ra cương lĩnh tư nhân hóa nền kinh tế, thực hiện nền kinh tế thị trường, nhưng làm ồ ạt nên nền kinh tế rối loạn hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 1990 đến năm 1995 là âm, từ năm 1997 bắt đầu phục hồi, đến năm 2000 tốc độ tăng 9%.

- Về chính trị - xã hội, đối ngoại: Tháng 12 - 1993, Liên bang Nga ban hành Hiến pháp, quy định thể chế Tổng thống liên bang. Nước Nga phải đối mặt với hai thử thách lớn: tình trạng đất nước không ổn định, do tranh chấp giữa các tổ chức đảng phái và các cuộc xung đột sắc tộc, tiêu biểu là phong trào li khai ở vùng Trécxnia.

Trong chính sách đối ngoại: Thời gian đầu, nước Nga tích cực xây dựng một đường lối đối ngoại mang bản sắc riêng của mình, theo đuổi đường lối ngả về phương Tây, hi vọng nhận được sự ủng hộ về chính trị và kinh tế, nhưng cuối cùng không đạt kết quả như mong muốn vì Mĩ và các nước phương Tây luôn gây nhiều khó khăn. Vì vậy, từ năm 1994, Liên bang Nga chuyển sang chính sách đối ngoại “định hướng Âu - Á” vừa duy trì quan hệ với phương Tây, vừa khôi phục và củng cố lại quan hệ với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước SNG.

Hiện nay, vị thế của Nga trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, nhưng nhìn chung vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.