Chương mười một: Việt Nam từ năm 1975 - 2000
Tình hình hai miền Nam - Bắc sau năm 1975
- Miền Bắc: Đã xây dựng được cơ sở vật chất - kĩ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội, nhưng do cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ hết sức ác liệt đã tàn phá nặng nề, gây hậu quả lâu dài đối với miền Bắc.
- Miền Nam: Cơ sở của chính quyền cũ ở địa phương cùng các di hại xã hội vẫn còn tồn tại. Cuộc chiến tranh của Mĩ gây hậu quả nặng nề, nhiều làng mạc, đồng ruộng bị tàn phá. Chất độc hoá học, bom mìn vẫn còn trên đồng ruộng, nơi cư trú của nhân dân. Đội ngũ thất nghiệp lên đến hàng triệu người; số người mù chữ chiếm tỉ lệ lớn trong dân cư.
Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở hai miền đất nước
- Miền Bắc: Nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa, thực hiện nhiệm vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia trong giai đoạn cách mạng mới.
- Miền Nam: Nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa, kết hợp với nhiệm vụ ổn định tình hình ở những vùng mới giải phóng:
+ Thực hiện công tác tiếp quản vùng mới giải phóng.
+ Thành lập chính quyền cách mạng và đoàn thể quần chúng các cấp.
+ Tổ chức cho nhân dân trước đây chạy vào các thành thị và bị dồn vào các “ấp chiến lược” được hồi hương, chuyển về nông thôn tham gia sản xuất.
+ Tuyên bố xóa bỏ bóc lột phong kiến, bước đầu thực hiện chính sách ruộng đất, đem lại quyền lợi cho nông dân, quốc hữu hoá ngân hàng, thay đồng tiền cũ bằng đồng tiền mới của cách mạng.
+ Khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp.
+ Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế... được tiến hành khẩn trương từ những ngày đầu mới giải phóng.
Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (1975 - 1976)
- Chủ trương của Đảng và Chính phủ: Để hoàn thành thống nhất đất nước toàn diện, một nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện là phải nhanh chóng thống nhất về mặt Nhà nước. Đây là một yêu cầu tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí và nguyện vọng thiêng liêng của toàn dân Việt Nam.
- Quá trình thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước:
+ Hai miền Nam - Bắc họp Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước từ ngày 24 - 6 đến 3 - 7 - 1976 đã thông qua và quyết định nhiều vấn đề về một nước Việt Nam thống nhất.
+ Thông qua chính sách đối nội, đối ngoại của nước Việt Nam thống nhất.
+ Quyết định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Quyết định Quốc huy, Quốc kì, Quốc ca.
+ Quyết định thủ đô là Hà Nội, thành phố Sài Gòn đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Bầu các cơ quan, chức vụ cao nhất của Nhà nước, bầu ủy ban dự thảo Hiến pháp.
+ Quyết định tổ chức thành lập 3 cấp chính quyền ở địa phương là tỉnh, huyện, xã, hoặc thành phố, quận, phường.
- Ý nghĩa:
+ Tạo nên những điều kiện thuận lợi mới để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ quốc tế.
+ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mới thành lập đã có 94 nước chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Ngày 20 - 9 - 1977, nước ta trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.
Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 - 1980)
Từ sau thắng lợi Xuân 1975, đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới - đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Độc lập và thống nhất không những gắn với nhau mà còn gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường phát triển hợp quy luật của cách mạng nước ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tháng 12 - 1976 đã:
- Quyết định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và đường lối xây dựng kinh tế trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
- Quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976 - 1980 là xây dựng CNXH và cải tạo quan hệ sản xuất XHCN, nhằm hai mục tiêu cơ bản là xây dựng một bước cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước mà bộ phận chủ yếu là cơ cấu công - nông nghiệp và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động.
Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1981 - 1985)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp tháng 3 - 1982 đã quyết định:
- Tiếp tục đường lối xây dựng kinh tế do Đại hội IV năm 1976 đề ra, nhưng bắt đầu có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển, cụ thể hóa cho từng giai đoạn phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể.
- Quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm 1981 - 1985: Phát triển thêm một bước, sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo XHCN nền kinh tế quốc dân, nhằm cơ bản ổn định nền kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu cấp bách và thiết yếu nhất của đời sống nhân dân, giảm nhẹ sự mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế.
Sau khi thực hiện 2 kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) và (1981 - 1985), nước ta đã đạt được kết quả:
- Chặn được đà giảm sút trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp những năm 1976 - 1980.
- Nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 4,9% (1976 - 1980 tăng 1,9%).
- Công nghiệp tăng bình quân hằng năm 9,5% (1976 - 1980 tăng 0,6%).
- Thu nhập quốc dân tăng bình quân hằng năm 6,4% (1976 - 1980 tăng 0,4%).
- Hoàn thành xây dựng hàng trăm công trình tương đối lớn, hàng nghìn công trình vừa và nhỏ. Dầu mỏ bắt đầu được khai thác, các công trình Thủy điện Hòa Bình, Trị An đang được xây dựng.
- Đại bộ phận nông dân miền Nam đi vào con đường làm ăn tập thể.
Tuy nhiên, đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn, những yếu kém của thời kì trước vẫn không được hạn chế, khắc phục.
Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1979)
Ở biên giới Tây Nam, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari - Khiêu Xamphon đã tập trung lực lượng hòng đánh chiếm một số đảo (Phú Quốc, Thổ Chu), quấy rối, lấn chiếm rồi tiến hành một cuộc chiến tranh lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, quân và dân ta đã phản công và tiến công mạnh mẽ, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt và tạo thời cơ cùng với các lực lượng cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng thủ đô Phnômpênh, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia.
Ở biên giới phía Bắc, chúng ta cũng phải đương đầu với lực lượng quân đội Trung Quốc tiến công ta dọc theo biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) ngày 17 - 2 - 1979. Quân dân ta đã chống trả quyết liệt, buộc Trung Quốc phải tuyên bố rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có ý nghĩa lịch sử to lớn. Quân và dân ta đã làm thất bại âm mưu chống phá, xâm lấn Việt Nam của các lực lượng thù địch chống Việt Nam; đã bảo vệ được độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, thủy chung của quân và dân Việt Nam với hai nước bạn láng giềng Lào và Campuchia.
Đường lối đổi mới của Đảng
Sau khi thực hiện 2 kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 - 1985), cách mạng nước ta vẫn còn không ít khó khăn. Đất nước lâm vào khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng về kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân là do các sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.
Để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên, Đảng và Nhà nước ta phải tiến hành đổi mới. Cuộc khủng hoảng toàn diện và trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tiến hành đổi mới. Như vậy, đổi mới là cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với CNXH ở nước ta, đồng thời là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12 - 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế, chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hoá, nhưng trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về thời kì quá độ lên CNXH, đổi mới về kinh tế phải gắn liền với đổi mới về chính trị, song trọng tâm là đổi mới kinh tế.
a) Đổi mới kinh tế
- Xoá bỏ cơ chế quản lí kinh tế tập trung, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường.
- Xây dựng nền kinh tế quốc dân với cơ cấu nhiều ngành, nghề, nhiều quy mô và trình độ công nghệ.
- Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN.
- Thực hiện chính sách mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế, tích cực khai thác nguồn vốn, công nghệ, thị trường.
b) Đổi mới chính trị
- Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, lấy liên minh công nông và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
- Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
- Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác.
- Thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc.
Quá trình đất nước thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2000)
- Đại hội Đảng VI (6 - 1986) đề ra kế hoạch 5 năm (1986 - 1990), mở đầu công cuộc đổi mới. Trước mắt trong 5 năm (1986 - 1990) cần tập trung sức người, sức của thực hiện bằng được nhiệm vụ, mục tiêu của ba chương trình kinh tế: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
- Đại hội Đảng VII (6 - 1991) đề ra kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) - tiếp tục sự nghiệp đổi mới. Đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát; ổn định, phát triển và nâng cao hiệu quả nền sản xuất xã hội; ổn định và cải thiện từng bước đời sống nhân dân, bắt đầu có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế.
- Đại hội Đảng VIII (6 - 1996) đề ra kế hoạch 5 năm (1996 - 2000), đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với việc giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế.
Kết quả: Sau kế hoạch nhà nước 5 năm (1996 - 2000):
- GDP tăng bình quân hằng năm là 7%; công nghiệp tăng bình quân 13,5%, nông nghiệp tăng 5,70%.
- Lương thực bình quân đầu người tăng từ 360 kg năm 1995 lên 444 kg năm 2000.
- Kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển: Xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 21%. Nhập khẩu tăng bình quân hằng năm 13,3%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đưa vào tăng gấp 1,5 lần.
- Các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng đầu tư ra ngước ngoài. Đến năm 2000 đã có trên 40 dự án đầu tư vào 12 nước và vùng lãnh thổ.
- Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất. 100% tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xoá nạn mù chữ.
- Đến năm 2000, nước ta có quan hệ thương mại với hơn 140 nước, quan hệ đầu tư với gần 70 nước và vùng lãnh thổ.
Trong 15 năm thực hiện đổi mới (1986 - 2000) đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt của đất nước và cuộc sống của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ XHCN, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hạn chế:
- Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc; năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao.
Kinh tế Nhà nước chưa được củng cố tương xứng với vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể chưa mạnh.
- Các hoạt động khoa học và công nghệ chứa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao. Mức sống của nhân dân ở một số vùng còn thấp.
Những nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000
Thời kì 1919 - 1930
Phong trào yêu nước cùng với phong trào công nhân chuyển sang tự giác, đòi hỏi có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ngày 3 - 2 - 1930, Đảng Cộng sản ra đời, đã đáp ứng yêu cầu đó.
Thời kì 1930 - 1945
Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo đã phát triển không ngừng, qua ba phong trào cách mạng: 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, phong trào dân chủ 1936 - 1939 và phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945 dẫn đến Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Thời kì 1945 - 1954
Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, và từ năm 1950 chống cả sự can thiệp của Mĩ, trải qua hai giai đoạn phòng ngự (từ đầu đến trước Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950) và tiến công (từ Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950). Điện Biên Phủ là trận thắng quyết định đi đến việc kí kết Hiệp định Giơnevơ 1954, kết thúc chiến tranh.
Thời kì 1954 - 1975
Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền.
Quân dân miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, lần lượt đánh bại 4 chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt", “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” và đã “đánh cho ngụy nhào”.
Nhân dân miền Bắc, thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng trong thời kì quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, và khi Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân thì kết hợp chiến đấu với sản xuất, đồng thời làm nhiệm vụ của hậu phương chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Thời kì 1975 - 2000
Cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kì cách mạng xã hội chủ nghĩa từ sau khi đất nước độc lập, thống nhất. Chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển hợp quy luật của cách mạng Việt Nam.
Từ Đại hội VI (12 - 1986) của Đảng, nước ta chính thức bước vào thời kì đổi mới, nhằm khắc phục khó khăn, sửa chữa sai lầm, vượt qua khủng hoảng, đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên.
Công cuộc đổi mới đất nước đã và đang giành được thắng lợi, đã từng bước đưa đất nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng, bước đi của công cuộc đổi mới là phù hợp.
Năm bài học kinh nghiệm chủ yếu của cách mạng Việt Nam
- Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, một bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta.
- Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử.
- Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế.
- Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.