LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 2000

Chương bảy: Việt Nam từ năm 1919 - 1930

VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 - 1925

Bối cảnh quốc tế ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tình hình chính trị thế giới có nhiều thay đổi quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới cách mạng Việt Nam. Đó là:

Thứ nhất, các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã cùng nhau họp hội nghị Vecxai (Pháp) phân chia lại thuộc địa và các vùng ảnh hưởng trên thế giới, thiết lập một trật tự hòa bình an ninh mới.

Thứ hai, Cách mạng tháng Mười Nga (1917) thành công, lập nên nhà nước Xô viết. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, trên một nước chiếm 1/6 diện tích thế giới, công nhân và nông dân đã nắm chính quyền và bắt tay xây dựng chế độ mới có ảnh hưởng to lớn tới cách mạng thế giới.

Thứ ba, hậu quả của chiến tranh, khủng hoảng kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa và ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông và phong trào công nhân lao động ở các nước tư bản phát triển...

Thứ tư, tháng 3 năm 1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ ba) tuyên bố thành lập ở Mátxcơva. Quốc tế cộng sản đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin trên toàn thế giới và trở thành cơ quan lãnh đạo tối cao của phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Dưới sự lãnh đạo của Lênin, Quốc tế thứ ba đã kết hợp vấn đề dân tộc với vấn đề thuộc địa, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thuộc địa.

Thứ năm, sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp (12 - 1920), Đảng Cộng sản Trung Quốc (7 - 1921).

Những chuyển biến mới của tình hình thế giới có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Pháp tuy là nước thắng trận, nhưng bị thiệt hại nặng nề... Để bù đắp vào những thiệt hại do chiến tranh gây ra, nhà cầm quyền Pháp vừa tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước, vừa ráo riết đẩy mạnh việc đầu tư khai thác thuộc địa, trong đó có thuộc địa Đông Dương.

Chương trình khai thác thuộc địa lần này được gọi là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, chính thức triển khai từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933. So với cuộc khai thác lần thứ nhất, đầu tư khai thác lần này có quy mô lớn, tốc độ nhanh nhằm mở rộng thêm một số ngành kinh tế để bóc lột lợi nhuận nhiều nhất cho chính quốc. Chỉ tính từ 1924 - 1929, tổng số vốn đầu tư vào Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) lên đến khoảng 4 tỉ phrăng.

Trọng tâm đầu tư khai thác lần này của thực dân Pháp là công nghiệp và nông nghiệp. Về nông nghiệp, thực dân Pháp đầu tư lớn nhất vào mở rộng đồn điền trồng cao su. Để lập các đồn điền chúng ra sức cướp đất đai của nông dân. Về công nghiệp, tư bản Pháp chú trọng đầu tư khai thác mỏ, chủ yếu là các mỏ than. Ngoài than, Pháp còn bổ sung thêm vốn, nhân công vào khai thác mỏ thiếc, kẽm, sắt... Đồng thời Pháp cũng mở một số ngành công nghiệp như dệt, muối, xay xát...Về thương nghiệp, ngoại thương có sự tăng trưởng hơn trước. Quan hệ giao lưu buôn bán trong nước được đẩy mạnh. Giao thông vận tải được phát triển để phục vụ công cuộc khai thác và vận chuyển nguyên vật liệu. Các đô thị được mở rộng và dân cư đông hơn. Về tài chính, Ngân hàng Đông Dương nắm quyền chỉ huy kinh tế Đông Dương, phát hành tiền giấy và cho vay lãi. Song song với đầu tư, thực dân Pháp còn ra sức vơ vét bóc lột nhân dân ta bằng cách tăng các thứ thuế, đặc biệt là thuế thân, thuế rượu và thuế thuốc phiện.

Chính sách chính trị, văn hóa, giáo dục

Sau chiến tranh, thực dân Pháp tăng cường chính sách cai trị để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Về chính trị, thực dân Pháp tiếp tục thi hành các chính sách chuyên chế, tập trung quyền hành trong tay người Pháp. Pháp thi hành một số cải cách chính trị - hành chính như tăng thêm số người Việt trong các công sở, lập viện dân biểu Trung Kì, Bắc Kì... Về văn hóa - giáo dục, có những chuyển biến nhất định, như hệ thống giáo dục được mở rộng hơn, gồm các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Song về cơ bản thực dân Pháp vẫn hạn chế mở trường học và thi hành chính sách giáo dục ngu dân. Trong khi đó, lượng sách báo được xuất bản ngày càng nhiều. Các trào lưu tư tưởng khoa học - kĩ thuật, văn hóa phương Tây xâm nhập mạnh vào Việt Nam.Vì vậy, các yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa mới tiến bộ và văn hóa nô dịch cùng tồn tại, đan xen, đấu tranh với nhau.

Những chuyển biến mới về kinh tế ở Việt Nam

Với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, nền kinh tế tư bản Pháp ở Đông Dương có bước phát triển mới. Do được đầu tư vốn và khoa học - kĩ thuật, nên nền kinh tế tiếp tục mở rộng, phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa bao trùm lên nền kinh tế phong kiến Việt Nam. Bên cạnh những công ty độc quyền của Pháp thì thành phần kinh tế tư sản Việt Nam cũng len lỏi vươn lên.

Chính sách kinh tế của thực dân Pháp vốn không có gì thay đổi so với trước nên kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp, phát triển què quặt, lạc hậu, bị cột chặt vào kinh tế Pháp, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn mất cân đối. Đông Dương vẫn là thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.

Những chuyển biến mới về xã hội

Chính sách của thực dân Pháp đã làm cho cơ cấu giai cấp xã hội Việt Nam sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất có những biến chuyển. Giai cấp cũ (địa chủ, phong kiến và nông dân) vẫn tồn tại, nhưng có biến động, phân hóa. Một số giai cấp mới hình thành (tư sản, tiểu tư sản). Giai cấp công nhân trưởng thành nhanh chóng.

- Giai cấp địa chủ, phong kiến tiếp tục phân hóa thành ba bộ phận: tiểu địa chủ, trung địa chủ và đại địa chủ. Một bộ phận không nhỏ tiểu và trung địa chủ có tinh thần dân tộc, tham gia phong trào dân tộc, dân chủ chống thực dân Pháp và thế lực phản động tay sai.

- Giai cấp nông dân bị đế quốc, phong kiến thống trị tước đoạt ruộng đất, bị bần cùng hóa. Do đó, mâu thuẫn giữa nông dân với đế quốc, phong kiến, tay sai ngày càng gay gắt. Nông dân giàu lòng yêu nước, là một lực lượng cách mạng to lớn của dân tộc.

- Giai cấp tiểu tư sản phát triển nhanh về số lượng, bao gồm những người buôn bán nhỏ, chủ xưởng nhỏ, học sinh, sinh viên, công chức, trí thức...Họ có tinh thần dân tộc chống thực dân Pháp và tay sai. Đặc biệt bộ phận học sinh, sinh viên, trí thức là tầng lớp nhạy bén với thời cuộc và tha thiết canh tân đất nước nên hăng hái tham gia đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.

- Giai cấp tư sản ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, song vừa ra đời, tư sản Việt Nam đã bị tư bản Pháp chèn ép, kìm hãm nên số lượng ít, thế lực kinh tế nhỏ bé. Dần dần tư sản Việt Nam phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản có quyền lợi gắn liền với đế quốc; tư sản dân tộc có xu hướng kinh doanh độc lập nên có khuynh hướng dân tộc, dân chủ, là một lực lượng trong cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam.

- Giai cấp công nhân ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của tư bản Pháp, phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng trong cuộc khai thác lần thứ hai. Từ 10 vạn trước chiến tranh lên 22 vạn năm 1929. Giai cấp công nhân Việt Nam có đặc điểm chung của công nhân quốc tế, nhưng cũng có những đặc điểm riêng: bị nhiều tầng áp bức bóc lột, có quan hệ gắn bó với nông dân, được thừa hưởng truyền thống yêu nước của dân tộc, sớm chịu ảnh hưởng của trào lưu cách mạng vô sản, vươn lên thành động lực của phong trào dân tộc, dân chủ và giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Hoạt động yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài

Hoạt động của Phan Bội Châu: Cuối năm 1917, Phan Bội Châu được giới quân phiệt ở Quảng Châu (Trung Quốc) trả tự do. Trong bối cảnh đó, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) tác động đến việc bắt đầu chuyển hướng tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu. Năm 1920, ông đã dịch ra tiếng Hán cuốn Điều tra chân tướng Nga La Tư của một tác giả Nhật Bản và viết truyện Phạm Hồng Thái, ca ngợi tinh thần yêu nước, hi sinh dũng cảm của anh. Tháng 6 - 1925, ông bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải (Trung Quốc) kết án tù rồi đưa về an trí ở Huế.

- Hoạt động của Phan Châu Trinh: Năm 1911, chính quyền thực dân đưa Phan Châu Trinh sang Pháp để tách ông khỏi môi trường cách mạng. Đầu năm 1922, nhân vua Khải Định sang Pháp, ông đã viết Thất điều thư, vạch ra bảy tội đáng chém của Khải Định. Đồng thời, ông còn thường tổ chức diễn thuyết, lên án chế độ quân chủ và quan trường ở Việt Nam, hô hào cải cách. Năm 1925, ông về nước tiếp tục hoạt động.

- Hoạt động của nhóm thanh niên trí thức yêu nước: ở Trung Quốc, bên cạnh hoạt động của Phan Bội Châu, một nhóm thanh niên trí thức yêu nước mới xuất dương sang Trung Quốc sau chiến tranh cũng tích cực hoạt động yêu nước. Năm 1923, họ đã thành lập ra tổ chức cách mạng Tâm Tâm xã (gồm Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái...). Tổ chức cách mạng này đang đi tìm một hướng đi mới. Họ cử người về trong nước xây dựng cơ sở và thực hiện việc mưu sát Toàn quyền Đông Dương Méclanh tại khách sạn Victoria ở Sa Diện, Quảng Châu (1924). Sự việc không thành, Phạm Hồng Thái đã hi sinh anh dũng. Song hoạt động của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ngọn lửa chiến đấu của nhân dân ta, nhất là thanh niên.

- Hoạt động của Việt kiều tại Pháp: Thời gian này, nhiều Việt kiều đã tham gia hoạt động yêu nước, chuyển tài liệu, sách báo tiến bộ về nước. Năm 1925, “Hội những người lao động trí óc ở Đông Dương” ra đời.

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc

- Tìm được con đường cứu nước đúng cho dân tộc.

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuất dương ra đi tìm đường cứu nước. Từ năm 1911 đến 1917, Nguyễn Tất Thành đi nhiều nơi, làm nhiều nghề lao động khác nhau để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Chính vì vậy, Người có dịp tiếp xúc với phong trào quần chúng, từ đó rút ra kết luận quan trọng đầu tiên về bạn và thù. Năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một Đảng có chính sách tiến bộ, ủng hộ phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa.

Tháng 6 năm 1919, các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất họp tại cung điện Vecxai để phân chia lại thị trường và các vùng ảnh hưởng. Với tên gọi mới Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người Việt Nam tại Pháp, gửi tới Hội nghị Bản yêu sách 8 điểm của Việt Nam đòi Chính phủ Pháp và các nước tham dự hội nghị quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc ta. Bản yêu sách đó không được chấp nhận. Song là đòn tấn công trực diện đầu tiên của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam vào bọn trùm đế quốc đã gây một tiếng vang lớn đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa Pháp. Từ đây, Người rút ra một bài học quan trọng “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Tháng 7 năm 1920, Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của Lênin đã chỉ rõ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam.

Ngày 25 - 12 - 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ VIII của Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, Người đứng về phía cánh tả, cánh đa số, bỏ phiếu gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Người trở thành người cộng sản, đồng thời là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

- Bước đầu chuẩn bị về tư tưởng, chính trị cho việc thành lập chính đảng vô sản.

Tháng 7 - 1921, được Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ, Người cùng với những người yêu nước các thuộc địa Pháp ở châu Phi và Mĩ Latinh thành lập Hội liên hiệp thuộc địa để đoàn kết các lực lượng cách mạng, chống chủ nghĩa thực dân và thông qua tổ chức đó đem chủ nghĩa Mác - Lênin đến với các dân tộc thuộc địa.

Năm 1922, Hội xuất bản báo Người cùng khổ (Le Paria). Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách chủ yếu của tờ báo.

Người còn viết bài cho các báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), báo Đời sống công nhân (của Tổng Liên đoàn lao động Pháp), đặc biệt là viết cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp (được xuất bản ở Pari năm 1925).

Các bài báo, nhất là trên báo Người cùng khổ và Bản án chế độ thực dân Pháp đã vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và của đế quốc Pháp nói riêng, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức đứng lên tự giải phóng.

Tháng 6 - 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Liên Xô. Người sống và hoạt động ở đây cho đến tháng 10 - 1924. Ở Mátxcơva, Người đã tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân (10 - 1923), viết bài cho báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí Thư tín quốc tế của Quốc tế Cộng sản, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (tháng 6, tháng 7 - 1924). Người tìm hiểu chế độ Xô viết, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức Đảng kiểu mới của Lênin, tích cực học tập, nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa; đặc biệt Người đã trình bày những bản tham luận quan trọng về vấn đề dân tộc và thuộc địa tại Đại hội V Quốc tế cộng sản. Các bản tham luận đã nêu lên những quan điểm cơ bản về chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc. Những quan điểm của Người được truyền bá vào Việt Nam đã bước đầu chuẩn bị về tư tưởng, chính trị cho việc thành lập Đảng Cộng sản sau này.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục lí luận, xây dựng tổ chức cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Hoạt động của giai cấp tư sản dân tộc ở trong nước

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam muốn vươn lên giành lấy vị trí khá hơn trong nền kinh tế, nhưng vấp phải sự chèn ép của tư bản Pháp. Vì vậy, họ đã tổ chức các phong trào đấu tranh.

Năm 1919, tư sản dân tộc Việt Nam tổ chức cuộc tẩy chay tư sản Hoa kiều ở một số tỉnh và vận động người Việt Nam chỉ mua hàng của người Việt Nam “chấn hưng nội hóa”, “bài trừ ngoại hóa”.

Năm 1923, địa chủ và tư sản Việt Nam đấu tranh chống tư bản Pháp độc quyền cảng Sài Gòn, độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kỳ.

Bên cạnh đấu tranh kinh tế, giai cấp tư sản còn dùng báo chí để bênh vực quyền lợi cho mình. Đáng chú ý nhất là tờ Diễn đàn Đông Dương và Tiếng vang An Nam. Trên cơ sở đó, Đảng Lập hiến ở Nam Kì, đứng đầu là Bùi Quang Chiêu đã ra đời (1923). Họ đưa ra một số khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng và làm áp lực đối với Pháp. Nhưng khi thực dân Pháp nhượng cho một ít quyền lợi như tham gia Hội đồng Quản hạt Nam Kì, thì họ thỏa hiệp với chúng. Như vậy, hoạt động của họ chỉ mang tính chất cải lương, giới hạn trong khuôn khổ của chế độ thực dân, phục vụ quyền lợi của tầng lớp trên.

Hoạt động của tiểu tư sản ở trong nước

Tiểu tư sản, nhất là học sinh, sinh viên, viên chức nhỏ, thời gian này sôi nổi đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức, đòi các quyền tự do, dân chủ.

Tiểu tư sản được tập hợp trong các tổ chức chính trị Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên...với nhiều hoạt động phong phú, sôi động (mít tinh, biểu tình, bãi khóa, báo chí...).

Họ ra nhiều tờ báo tiến bộ để tuyên truyền tư tưởng dân tộc, dân chủ: Chuông Rè, An Nam trẻ, Người Nhà quê...(tiếng Pháp); Tiếng Dân, Đông Pháp thời báo, Thực nghiệp, Dân báo...(tiếng Việt). Một số nhà xuất bản tiến bộ được thành lập: Nam Đồng thư xã (Hà Nội), Cường học thư xã (Sài Gòn), Quan hải tùng thư (Huế)... đã phát hành nhiều sách báo tiến bộ để cổ động tinh thần yêu nước, đòi các quyền tự do, dân chủ.

Đỉnh cao của phong trào là những sự kiện nổi bật có tiếng vang: cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu (1925), lễ đưa tang và truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1926).

Các hoạt động trên thể hiện lòng yêu nước của thanh niên trí thức tiểu tư sản Việt Nam, có ý nghĩa to lớn trong việc thức tỉnh lòng yêu nước và gieo rắc tư tưởng tự do, dân chủ trong nhân dân.

Phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam từ 1919 - 1925

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam nổ ra nhiều hơn và có những nét mới... Năm 1920 công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập Công hội do Tôn Đức Thắng lãnh đạo. Từ 1919 đến 1925 có tới 25 cuộc bãi công của công nhân từ Bắc chí Nam. Trong đấu tranh đã xuất hiện sự liên kết của nhiều nhà máy, như năm 1922 công nhân Thợ Nhuộm ở Sài Gòn đấu tranh, năm 1924 công nhân ba nhà máy ở ba địa phương Hải Dương, Hà Nội, Nam Định nối tiếp nhau đấu tranh... Quan trọng hơn cả là cuộc bãi công của hơn 1000 thợ máy xưởng Ba Son tại cảng Sài Gòn dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng (8 - 1925). Công nhân không chịu sửa chữa chiến hạm Misơlê của Pháp chở lính sang tham gia đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc ở tô giới Pháp, đòi tăng lương 20%, đòi công nhân bị thải hồi trở lại làm việc. Cuộc đấu tranh thắng lợi đánh dấu bước chuyển của phong trào công nhân Việt Nam, từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác. Cuộc đấu tranh không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn vì mục tiêu chính trị. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế.

VIỆT NAM TỪ NĂM 1925 ĐẾN NĂM 1930

Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cách mạng

- Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Sau một thời gian ở Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Đảng kiểu mới, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) để thực hiện dự định: về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh, tổ chức, đoàn kết, huấn luyện, đưa họ ra đấu tranh. Người tiếp xúc với những thanh niên yêu nước Việt Nam đang hoạt động trong Tâm Tâm xã, giác ngộ họ và lựa chọn một số thanh niên tích cực thành lập ra Cộng sản đoàn (2 - 1925). Đến tháng 6 - 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh niên).

Thông qua chương trình hành động, mục đích, điều lệ của Hội thể hiện rõ đây là tổ chức cách mạng theo khuynh hướng cộng sản. Trong quá trình hoạt động, Hội đã hình thành một hệ thống tổ chức chặt chẽ gồm 5 cấp: Tổng bộ, Kì bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ. Tổng bộ là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội giữa hai kì đại hội. Tổng bộ đầu tiên gồm 5 người, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Thành phần tham gia Hội là tất cả người Việt Nam từ 17 tuổi không phân biệt nam nữ tán thành mục đích chương trình, kỉ luật của Hội, được hai hội viên cũ giới thiệu và chi bộ đồng ý thì được gia nhập Hội.

Để tuyên truyền vận động quần chúng, Hội ra tuần báo Thanh niên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Việt. Thông qua báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức đoàn kết dân tộc...cho nhân dân. Báo Thanh niên ra số đầu tiên ngày 21 - 6 - 1925, tồn tại cho đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ra được 208 số. Bên cạnh đó, Hội còn mở các lớp huấn luyện chính trị, trong đó Nguyễn Ái Quốc trực tiếp viết bài, giảng dạy. Các bài giảng của Người được tập hợp lại, in thành cuốn Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cuốn sách là kim chỉ nam cho những người cách mạng Việt Nam lúc đó. Trong cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc đã giải thích rõ mục đích của cuốn sách, cách mạng là gì, mục đích nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Đồng thời cuốn sách còn chỉ rõ phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng...

Báo Thanh niên và cuốn Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận cách mạng giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, là tài liệu tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Trong những năm 1925 - 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở nhiều khóa huấn luyện cho thanh niên yêu nước từ trong nước sang học. Tốt nghiệp, họ được kết nạp vào Hội và cử về nước hoặc sang Xiêm để tuyên truyền và xây dựng cơ sở. Một số người được cử sang học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và học quân sự tại Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Quảng Châu.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục của Hội đã làm cho các cơ sở và hội viên ngày càng tăng. Năm 1926, các tổ chức cơ sở của Hội được xây dựng ở nhiều nơi. Đến năm 1929, Hội có khoảng 1700 hội viên. Hội còn tổ chức được các đoàn thể quần chúng: Công hội, Nông hội...

Bên cạnh tuyên truyền giáo dục, Hội còn đưa hội viên vào hoạt động thực tiễn. Năm 1928 Hội tổ chức phong trào “Vô sản hóa” đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền...để tự rèn luyện và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Qua đó, một đội ngũ những người cách mạng kiểu mới do Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trưởng thành.

Hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có tác dụng to lớn làm cho phong trào công nhân, nông dân, tiểu tư sản phát triển mạnh mẽ. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức có tính chất quá độ nhằm chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản về sau.

- Tân Việt Cách mạng Đảng

Khác với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt là một tổ chức yêu nước ra đời ở trong nước, trong phong trào dân tộc, dân chủ những năm đầu thập kỉ XX. Tân Việt đã trải qua nhiều lần thay đổi. Tháng 7 - 1925, một số tù chính trị ở Trung Kì được tha (như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên...cùng với một nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai...thành lập ra Hội Phục Việt tại Vinh (Nghệ An), sau đổi thành Hưng Nam (1926), Việt Nam Cách mạng đảng rồi Việt Nam Cách mạng đồng chí hội (1927), đến tháng 7 - 1928 quyết định lấy tên là Tân Việt Cách mạng đảng.

Thành phần của Hội là những trí thức và thanh niên, tiểu tư sản yêu nước. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở Trung Kì.

Chủ trương của Đảng Tân Việt là lãnh đạo quần chúng ở trong nước, liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, thiết lập một xã hội bình đẳng, bác ái.

Trong quá trình tồn tại, ngoài quá trình giáo dục, huấn luyện đảng viên, Tân Việt còn tiến hành nhiều hoạt động như: lập lớp học ban đêm, phổ biến sách báo mácxít, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Đảng Tân Việt ra đời và hoạt động trong điều kiện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh, lí luận và tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin có ảnh hưởng mạnh mẽ, cuốn hút những đảng viên trẻ, tiên tiến của tổ chức này. Một số đảng viên tiên tiến của Tân Việt đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nội bộ Đảng Tân Việt bị phân hoá, những đảng viên tiên tiến còn lại tích cực chuẩn bị để tiến tới thành lập một chính đảng cách mạng theo học thuyết Mác - Lênin.

Như vậy, từ một tổ chức yêu nước cách mạng tiểu tư sản, lúc đầu chưa có lập trường chính trị rõ ràng đã tiến lên theo khuynh hướng vô sản, đánh dấu một bước tiến trên con đường phát triển của Tân Việt.

- Việt Nam Quốc dân đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

Ngày 25 - 12 - 1927, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính... thành lập Việt Nam Quốc dân đảng trên cơ sở hạt nhân đầu tiên là Nam Đồng thư xã - một nhà xuất bản tiến bộ do hai anh em nhà giáo Phạm Tuấn Tài lập ra.

Lúc mới thành lập, Việt Nam Quốc dân đảng chưa xác định được mục đích, tôn chỉ rõ rệt mà chỉ nêu chung chung là “trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng”.

Đến bản chương trình hành động năm 1929, Việt Nam Quốc dân đảng nêu ra nguyên tắc “Tự do, bình đẳng, bác ái” (khẩu hiệu của Cách mạng tư sản Pháp 1789). Chương trình hành động của Đảng chia làm 4 thời kì. Thời kì cuối cùng là bất hợp tác với chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.

Mục đích, tôn chỉ nêu trên của Việt Nam Quốc dân đảng còn chung chung, không thể hiện rõ mục đích, lập trường giai cấp của mình.

Thành phần của Việt Nam Quốc dân đảng phức tạp: đảng viên gồm sinh viên, học sinh, công chức, tư sản dân tộc, thân hào, phú nông, địa chủ, binh lính người Việt trong Quân đội Pháp. Chủ trương xây dựng Đảng thành bốn cấp từ trung ương đến chi bộ cơ sở, song chưa bao giờ tổ chức thành hệ thống, thống nhất trong cả nước. Đảng chú trọng lấy binh lính người Việt trong quân đội Pháp là lực lượng chủ yếu, tổ chức cơ sở Đảng trong quần chúng rất ít. Địa bàn hoạt động bó hẹp trong một số địa phương ở Bắc Kì, cơ sở ở Nam Kì và Trung Kì không đáng kể.

Về hoạt động, Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương tiến hành “bạo động vũ trang”, ít chú ý đến tuyên truyền vận động quần chúng, không có cơ quan ngôn luận hoặc tài liệu, văn kiện chính thức để giải thích tôn chỉ, mục đích. Hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng thiên về quân sự, nặng về ám sát, khủng bố cá nhân.

Tháng 2 - 1929, Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức ám sát tên trùm mộ phu Badanh ở Hà Nội. Nhân sự kiện này, thực dân Pháp tiến hành khủng bố làm cho Việt Nam Quốc dân đảng đứng trước nguy cơ tan rã. Bị động trước tình thế, những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam Quốc dân đảng quyết định dồn sức để thực hiện một cuộc bạo động cuối cùng “may ra thì thành công, nếu không cũng thành nhân”.

Thực hiện kế hoạch, quân khởi nghĩa nổi dậy ở một số nơi, trong đó Yên Bái là trung tâm. Đêm mùng 9, rạng sáng ngày 10 - 2 - 1930 cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở Yên Bái. Quân khởi nghĩa đã chiếm được trại lính số 5 và 6, nhưng không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh và không làm chủ được tình hình chiến sự ở thị xã. Ngày 10 - 2 quân Pháp phản công giành lại những vị trí đã mất, đẩy nghĩa quân vào thế bị động và tan rã. Khởi nghĩa ở Phú Thọ, Sơn Tây đều không thành công. Khởi nghĩa ở các tỉnh đồng bằng do Nguyễn Thái Học chỉ đạo nổ ra sau đó mấy hôm cũng chịu số phận tương tự. Ở Hà Nội cũng có đánh bom để phối hợp. Trong vòng một tuần lễ, cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng phát động nhanh chóng thất bại, hàng ngàn người bị bắt, bị giết và tù đày. Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông bị hành quyết ngay tại thị xã Yên Bái.

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại vì nhiều nguyên nhân. Về khách quan, đế quốc Pháp lúc đó còn mạnh, đủ sức đàn áp một cuộc đấu tranh vũ trang vừa cô độc, vừa non kém. Về chủ quan, trước hết vì giai cấp tư sản Việt Nam quá nhỏ yếu về số lượng và vốn liếng, và không có sự thống nhất về tư tưởng nên không làm được bệ đỡ chắc chắn cho phong trào dân tộc theo khuynh hướng tư sản. Tiếp đó phải nói tới những yếu kém về tổ chức và lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng nên không thể đủ sức lãnh đạo phong trào dân tộc trước một kẻ thù mạnh và lắm mưu nhiều kế.

Mặc dù thất bại, nhưng khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương đã có tác dụng cổ vũ lòng yêu nước, mài sắc chí căm thù giặc của nhân dân ta. Những tấm gương hi sinh quả cảm của các chiến sĩ Yên Bái đã góp phần khơi dậy truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam Quốc dân đảng là một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản, đại diện cho quyền lợi của tư sản dân tộc và tiểu tư sản lớp trên. Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái kéo theo luôn sự tan rã của Việt Nam Quốc dân đảng, nó đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của đường lối chính trị tư sản.

Phong trào công nhân Việt Nam từ năm 1925 đến năm 1929

Thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đặc biệt là chủ trương vô sản hoá từ cuối năm 1928, nhiều cán bộ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó là Tân Việt đã đưa hội viên vào các hầm mỏ, đồn điền, xí nghiệp... cùng sinh hoạt, lao động với công nhân để tuyên truyền, vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Qua đó, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được kết hợp với phong trào công nhân. Phong trào công nhân càng phát triển mạnh mẽ và trở thành nòng cốt của phong trào cách mạng cả nước. Nếu trong 2 năm 1926 - 1927 cả nước đã nổ ra 27 cuộc bãi công của công nhân, thì đến những năm 1928 - 1929 lên tới 40 cuộc đấu tranh. Đấu tranh của công nhân thời kì này diễn ra ở các trung tâm chính trị, kinh tế trên cả nước, tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê, xi măng Hải Phòng, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy cưa Bến Thủy, công nhân đồn điền Lộc Ninh, Cam Tiêm. Phong trào công nhân thời kì này có sự biến chuyển về chất. Khẩu hiệu đấu tranh không giới hạn ở mục đích kinh tế và đã kết hợp với khẩu hiệu chính trị (đòi tăng lương, cải thiện đời sống, chống chính sách khủng bố, ngày làm 8 giờ...) Phong trào nổ ra liên tục, đều khắp ở ba kì, có sự lãnh đạo, chỉ huy phối hợp đấu tranh. Phong trào vượt ra ngoài phạm vi một xưởng, một địa phương, một ngành và có sự liên kết thành phong trào chung. Những điều đó chứng tỏ phong trào công nhân thời kì này đã chuyển sang đấu tranh tự giác, là nhân tố trực tiếp làm xuất hiện các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản năm 1929

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, phong trào yêu nước đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, tổ chức ở trình độ cao hơn. Trong khi đó, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bộc lộ những hạn chế, không còn đủ sức để giương cao ngọn cờ tiên phong lãnh đạo phong trào dân tộc, dân chủ được nữa.

Cuối tháng 3 - 1929, với sự nhạy bén rõ rệt về chính trị, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì đã thành lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tại số nhà 5D phố Hàm Long - Hà Nội, gồm 7 người. Sau đó Chi bộ mở cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản thay cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (5 - 1929) ở Hương Cảng (Trung Quốc), đoàn đại biểu Bắc Kì đặt vấn đề phải thành lập ngay Đảng Cộng sản, nhưng không được Đại hội chấp nhận, nên đoàn đã bỏ về nước. Sau đó, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở Bắc Kì họp Đại hội tại nhà số 312 - phố Khâm Thiên - Hà Nội, và quyết định thành lập Đông Dương cộng sản Đảng (6 - 1929). Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, điều lệ của Đảng, ra báo Búa Liềm làm cơ quan ngôn luận và cử ra Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đông Dương Cộng sản Đảng tiếp tục mở rộng tổ chức cơ sở đảng trong cả nước, tổ chức công hội Đỏ cũng được mở rộng.

Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 8 - 1929 các cán bộ lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và Kì bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kì cũng quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng, xuất bản tờ báo Đỏ làm cơ quan ngôn luận của Đảng ở Hương Cảng (Trung Quốc) để tuyên truyền về trong nước. Cuối 1929 An Nam Cộng sản Đảng họp Đại hội thông qua đường lối chính trị và bầu Ban chấp hành trung ương của Đảng. Đảng đã tích cực vận động để hợp nhất với Đông Dương Cộng sản Đảng, liên lạc với Quốc tế Cộng sản và một số Đảng Cộng sản trên thế giới. Đồng thời Đảng cũng đẩy mạnh vận động và phát triển tổ chức Đảng, Công hội, Nông hội... ở Nam Kì.

Khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chuyển hóa thành hai tổ chức cộng sản, trong Tân Việt diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt. Bộ phận tích cực nhất trong Tân Việt quyết định tách khỏi Tổng bộ và công bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9 - 1929).

Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng đã có ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam được thành lập, phản ánh xu thế phát triển tất yếu và kết quả tất yếu của cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam. Điều đó khẳng định bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, chứng tỏ hệ tư tưởng cộng sản đã giành được ưu thế trong phong trào dân tộc và chỉ rõ điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chín muồi.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam

- Hoàn cảnh.

Năm 1929 phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản phát triển kết thành một làn sóng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, trong đó công nhân thực sự trở thành lực lượng tiên phong. Việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ, công kích, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau làm ảnh hưởng đến tâm lí quần chúng và sự phát triển chung của phong trào cách mạng nước ta. Tình hình trên đặt ra yêu cầu khách quan, bức thiết là phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất.

Trước tình hình ấy, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, vạch ra sự cần thiết phải chấm dứt chia rẽ bè phái và hợp lại thành một Đảng Cộng sản thống nhất. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm qua Hương Cảng (Trung Quốc) để chuẩn bị cho Hội nghị hợp nhất.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản bắt đầu từ 6 - 1 - 1930 tại Cửu Long (Hương Cảng). Tham dự Hội nghị gồm hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), hai đại biểu An Nam Cộng sản Đảng (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Ngày 8 - 2, các đại biểu về nước. Sau này, Đại hội Đảng lần thứ III (9 - 1960) quyết nghị lấy ngày 3 - 2 hàng năm làm ngày kỉ niệm thành lập Đảng.

- Nội dung Hội nghị

Nguyễn Ái Quốc đã phân tích tình hình trong và ngoài nước, phê bình những điểm sai lầm, thiếu thống nhất giữa các tổ chức cộng sản, đề nghị các tổ chức cộng sản đoàn kết thống nhất lại thành một Đảng duy nhất và nêu chương trình Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị thảo luận và nhất trí thống nhất hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thông qua “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” và “Điều lệ vắn tắt” của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và vạch kế hoạch tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước. Ngày 24 - 2 - 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Nội dung “Chính cương vắn tắt", “Sách lược vắn tắt” - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng:

Xác định đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do, dựng lên chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông; tịch thu hết sản nghiệp của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất.

Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức; còn phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập.

Lãnh đạo cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp vô sản.

Nhận xét:

Đây là cương lĩnh giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp. Độc lập tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này.

- Ý nghĩa của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.

Hội nghị mang tầm vóc của một Đại hội thành lập Đảng. Hội nghị thành công cũng thể hiện tài trí thông minh, năng lực tổ chức và uy tín của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

- Ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Từ đây cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có đội ngũ cán bộ đảng viên kiên trung...Đảng ra đời với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước trong nhiều năm ở nước ta; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới; Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới của cách mạng Việt Nam.