PHẦN HAI: PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP, ÔN LUYỆN VÀ LÀM BÀI THI MÔN LỊCH SỬ

1 - Đặc điểm của kiến thức lịch sử

Tất cả những sự kiện, hiện tượng lịch sử mà các em đã tìm hiểu trong lịch sử lớp 12 đều đã xảy ra. Chính vì vậy, chúng ta không thể trực tiếp quan sát được lịch sử quá khứ như những hiện tượng tự nhiên mà chỉ tìm hiểu chúng thông qua các tài liệu sách giáo khoa, đồ dùng trực quan. Do đặc điểm này mà trong học tập, học sinh phải phát huy óc quan sát, khả năng hình dung, tưởng tượng để biết và hiểu sự kiện.

Mặt khác, các sự kiện lịch sử mà chúng ta đã được nghiên cứu học tập chỉ xảy ra một lần trong một thời gian và hoàn cảnh nhất định, không lặp lại. Ví như ngày 2 - 9 - 1945 diễn ra cách năm 2011 là 66 năm. Đồng thời những sự kiện đó diễn ra rất cụ thể, sinh động có nguyên nhân nảy sinh, diễn biến sự kiện và kết quả của nó. Vì vậy, trong học tập chúng ta không chỉ biết sự kiện đó diễn ra trong hoàn cảnh và thời gian như thế nào mà còn phải nhớ quá trình diễn biến cụ thể của sự kiện đó. Nếu chúng ta quên điều này rất dễ mắc sai lầm hiện đại hóa lịch sử.

Kiến thức lịch sử mà chúng ta đã được tìm hiểu rất đa dạng, phong phú, bao gồm các sự kiện, hiện tượng về kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo... của thế giới diễn ra từ năm 1945 đến 2000 và của Việt Nam từ 1919 đến năm 2000. Nhưng những sự kiện đó không diễn ra lộn xộn, mà có tính hệ thống và mối quan hệ ngang dọc, trước sau, nội tại với nhau. Ví như, đầu năm 1930 do yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam lúc đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chính sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mới có các phong trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945 với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945. Vì vậy, trong quá trình học tập các em phải nhớ, hiểu kiến thức lịch sử trong một hệ thống hoàn chỉnh.

Kiến thức lịch sử cơ bản của lớp 12 không chỉ là các sự kiện cơ bản, mà qua những sự kiện đó chúng ta cần rút ra ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, tức là hiểu bản chất của sự kiện. Do đó, trong học tập lịch sử, học sinh không chỉ trình bày sự kiện diễn ra như thế nào, mà còn phải giải thích, phân tích rút ra những kết luận về sự kiện đó. Ví dụ, về chiến thắng Biên giới thu đông 1950, các em cần căn cứ vào những sự kiện cụ thể về hoàn cảnh thế giới, trong nước để giải thích được vì sao đến năm 1950 Đảng ta lại chủ động mở chiến dịch Biên giới; trình bày diễn biến chiến dịch diễn ra như thế nào và phân tích ý nghĩa của chiến thắng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta.

2 - Phương pháp học tập - ôn luyện

Mục tiêu của việc học tập lịch sử ở lớp 12 là giúp học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản, bao gồm sự kiện lịch sử cơ bản, các khái niệm, thuật ngữ, tên người, tên đất, niên đại, những quan điểm lí luận sơ giản về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam thời kì hiện đại. Nắm vững kiến thức trong học tập lịch sử là đòi hỏi học sinh phải “biết”, “hiểu” và vận dụng được tri thức đã học. Mức độ đầu tiên của việc nắm vững kiến thức lịch sử là học sinh phải “nhận biết” được sự kiện, nhân vật lịch sử, có biểu tượng cụ thể, chân thực về bức tranh quá khứ, nghĩa là học sinh phải nhớ lịch sử và trả lời được câu hỏi “như thế nào”. Đây là nền tảng giúp các em hiểu được bản chất, ý nghĩa của sự kiện, thấy được mối liên hệ bên ngoài hay bên trong của các sự kiện, hiện tượng. Đồng thời các em có thể lí giải được mối quan hệ giữa các yếu tố thời gian, hoàn cảnh địa lý, mối quan hệ giữa nguyên nhân với kết quả của sự kiện.

Như vậy có thể nói, nắm vững kiến thức trong quá trình học là cơ sở để ôn luyện chuẩn bị cho các kì thi đạt kết quả tốt. Ôn luyện, củng cố lại những kiến thức đã học, biết sử dụng các kiến thức đó khi giải quyết những câu hỏi hay vấn đề cụ thể. Việc ôn tập lịch sử để chuẩn bị cho các kì thi không phải chỉ là việc ghi nhớ nhiều sự kiện, học thuộc một số bài làm sẵn, mà chủ yếu là biết nhớ, hiểu, biết cách làm bài.

Trong quá trình học tập, ôn luyện, điều đầu tiên các em phải thực hiện là nhớ kiến thức.

- Đối với những kiến thức cụ thể, cơ bản chúng ta có thể vận dụng nhiều dạng nhớ. Trước hết là nhớ lại những từ ngữ hay có trong sách giáo khoa hoặc trong bài giảng của giáo viên. Qua đó sẽ hồi tưởng lại được nội dung kiến thức (sự kiện, khái niệm, kết luận) đã học. Ví dụ, khi các em ôn tập bài “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau ngày 2 9 - 1945 đến trước ngày 19 - 12 - 1945”, nếu nhớ lại được các từ ngữ “ngàn cân treo sợi tóc”, chúng ta sẽ hình dung tưởng tượng lại tình hình nước ta sau Cách mạng tháng Tám 1945.

- Thứ hai, chúng ta có thể vận dụng cách nhớ lại kiến thức qua xúc cảm. Lịch sử là con người và hoạt động của con người. Trong nghiên cứu kiến thức mới, học sinh đã được tìm hiểu về những nhân vật lịch sử cụ thể sinh động và những hoạt động của họ làm cho trái tim các em rung động. Khi ôn tập, các em có thể nhớ lại những điều đó để hồi tưởng lại nội dung kiến thức đã học.

- Thứ ba, khi ôn tập, củng cố kiến thức các em có thể vận dụng cách nhớ lại kiến thức thông qua các hình ảnh. Ví dụ, các em sẽ hình dung lại được sự kiện Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hai chiến thắng vang dội đầu tiên của đội: Phay Khắt, Nà Ngần nếu các em nhớ lại bức ảnh “Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” và những lời miêu tả, tường thuật sinh động của giáo viên.

- Đối với kiến thức về thời gian, không gian của những sự kiện cơ bản, quan trọng bắt buộc chúng ta phải nhớ, học sinh có thể tạo ra hình ảnh theo mùa để nhớ lại. Ví như, sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3 - 2 - 1930) gắn liền với mùa xuân, Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời 2 - 9 - 1945 gắn liền với mùa thu nắng vàng rực rỡ... Hoặc để nhớ lại những sự kiện cơ bản, quan trọng chúng ta cần lập bảng niên biểu.

Đối với những sự kiện, hiện tượng diễn ra trong một khoảng thời gian dài, chúng ta có thể nhớ khoảng thời gian tồn tại rồi suy ra thời điểm bắt đầu và kết thúc...

- Trên cơ sở nắm vững những sự kiện cơ bản, cụ thể của các bài học, các em phải khái quát nội dung những giai đoạn chính trong quá trình phát triển lịch sử đã học để có một nhận thức chung để khi gặp những đề thi có tính chất tổng hợp, bao gồm nhiều sự kiện sẽ không lúng túng. Đối với những kiến thức khái quát như vậy, học sinh có thể vận dụng cách nhớ hệ thống, lôgic thông qua lập đề cương, bảng biểu. Trong ôn tập, chúng ta có thể ôn theo bài, theo các vấn đề như phần kiến thức ở trên đã hướng dẫn. Để ôn những vấn đề nhỏ, chúng ta có thể thực hiện các bước:

Thứ nhất, đọc kĩ, nắm vững lại nội dung kiến thức cơ bản đã hướng dẫn.

Thứ hai, gấp sách vở, suy nghĩ và hình dung lại nội dung vấn đề, ghi lại những ý chính cần giải quyết (dàn ý).

Thứ ba, dựa vào dàn ý đã ghi tự trình bày lại vấn đề, hoặc trao đổi với bạn để kiểm tra lẫn nhau. Nếu học một mình, các em có thể dựa vào tài liệu học tập để tự kiểm tra lại kiến thức. Ví dụ, khi ôn tập “ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930”, chúng ta phải đọc kĩ lại nội dung kiến thức cơ bản đã hướng dẫn. Tiếp đó, gập tài liệu lại suy nghĩ, hình dung xem vấn đề này gồm mấy ý và ghi lại dưới dạng đề cương. Cuối cùng, dựa vào những ý trong đề cương trình bày vấn đề và tự kiểm tra, đánh giá phần trình bày của mình.

Hoặc khi ôn tập về “Hội nghị Ianta tháng 2 - 1945 và những thỏa thuận của ba cường quốc”, chúng ta cần đọc kĩ, nắm vững những kiến thức đã trình bày trong tài liệu hướng dẫn rồi gập tài liệu lại và ghi những ý chính dưới dạng đề cương (lí do của Hội nghị; thời gian, địa điểm và người tham gia Hội nghị; những quyết định quan trọng của Hội nghị; kết luận). Sau đó dựa vào những ý chính đã ghi trình bày vấn đề và dựa vào tài liệu để tự kiểm tra, đánh giá phần trình bày.

Đối với những vấn đề lớn, chúng ta cần thực hiện các bước:

Thứ nhất, đọc kĩ và nắm vững lại phần kiến thức liên quan tới vấn đề đặt ra.

Thứ hai, gập sách vở, suy nghĩ và hình dung lại nội dung kiến thức, lập dàn ý giải quyết vấn đề.

Thứ ba, dựa vào dàn ý đã lập, tiến hành trình bày viết.

Thứ tư, dựa vào tài liệu học tập để tự kiểm tra, đánh giá kiến thức và cách diễn đạt bài viết của bản thân.

Ví dụ, khi ôn tập về “Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với quá trình vận động, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1920 - 1930”, ta phải đọc kĩ để nắm vững hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ 1920 đến 1930. Tiếp đó lập dàn ý về vấn đề này (sự kiện 1920, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị từ 1921 đến 1924; chuẩn bị về tổ chức và đào tạo cán bộ từ 1925 - 1929; triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản 1930; kết luận).

3 - Phương pháp làm bài thi môn Lịch sử

Do đặc trưng của kiến thức lịch sử như đã trình bày ở trên nên khi làm bài thi cần chú ý một số yêu cầu sau:

* Về kiến thức lịch sử cụ thể như sự kiện, hiện tượng, nhân vật, niên đại cần trình bày cụ thể, sinh động, chính xác để khôi phục lại bức tranh lịch sử.

* Về kiến thức lịch sử khái quát, có tính lí thuyết cần phân tích, đánh giá, rút kết luận, nhận định đòi hỏi phải dựa trên cơ sở sự kiện, hiện tượng lịch sử cụ thể để tiến hành.

- Đối với các thuật ngữ, khái niệm lịch sử khi trình bày phải chú ý độ chính xác, không lầm lẫn dẫn tới sai kiến thức. Ví dụ hội nghị không được viết nhầm thành đại hội.

- Về mặt trình bày, diễn đạt phải rõ ràng, mạch lạc, đúng ngữ pháp.

Muốn làm bài thi lịch sử tốt, học sinh cần thực hiện các công việc sau:

- Thứ nhất, nhận thức được yêu cầu của câu hỏi trong đề bài. Đây là công việc đầu tiên rất quan trọng phải chú ý. Bởi vì, nếu không nhận thức được yêu cầu của câu hỏi, học sinh dễ làm lệch đề.

- Thứ hai, sau khi hiểu rõ yêu cầu của câu hỏi, các em cần viết dàn ý sơ lược trả lời câu hỏi. Công việc này giúp chúng ta trong quá trình làm bài không để sót, quên hoặc nhầm lẫn kiến thức.

- Thứ ba, dựa vào dàn ý đã có các em tái hiện lại kiến thức đã học. Tức là nhớ lại, hình dung lại xem kiến thức đó nằm ở phần nào, giai đoạn nào, gồm những nội dung gì.

- Thứ tư, sau khi đã tái hiện lại kiến thức, các em phải lựa chọn sự kiện, nội dung sự kiện cần trình bày. Đối với sự kiện cơ bản quan trọng nhất cần trình bày kĩ không chỉ nội dung sự kiện mà cả ý nghĩa sự kiện. Còn những sự kiện cơ bản nhưng ít quan trọng hơn các em trình bày ngắn gọn hơn (thông báo sự kiện, ý nghĩa chính của sự kiện). Ví dụ, để giải quyết vấn đề “Quá trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc”, chúng ta phải đề cập đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920. Trong các sự kiện từ 1911 đến 1920 thì những sự kiện cơ bản là năm 1911 Bác ra đi tìm đường cứu nước, từ 1911 đến 1917 Bác đi nhiều nơi vừa làm việc để kiếm sống vừa hoạt động cứu nước, Bác đã rút ra được kết luận về bạn và thù, sự kiện 1919 Bác đưa bản yêu sách lên Hội nghị Vécxai và sự kiện 1920 Bác tham gia Đại hội Tua, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Giữa các sự kiện cơ bản trên, sự kiện năm 1920 là cơ bản và quan trọng nhất. Vì vậy, khi trình bày cần phải nói rõ nội dung sự kiện, phân tích các ý nghĩa của sự kiện.

- Thứ năm, lựa chọn ngôn ngữ để viết. Khi trình bày một bài thi lịch sử các em phải chú ý tới văn phong khoa học, không sử dụng ngôn ngữ nói.

* Cách trình bày các câu hỏi trong bài thi

Hình thức trình bày bài thi cần viết rõ ràng, sạch sẽ, giải quyết xong từng câu hỏi cần xuống dòng viết lùi vào để người chấm dễ nhìn. Nếu câu hỏi có nhiều ý, khi giải quyết xong từng ý cũng cần xuống dòng để người chấm dễ nhìn và chấm không bị sót ý.