Chương năm: Quan hệ quốc tế (1945 - 2000)

Mâu thuẫn Đông - Tây và sự khỏi đầu Chiến tranh Lạnh

Nguồn gốc của mâu thuẫn Đông - Tây.

+ Khi chiến tranh kết thúc, hai cường quốc Mĩ - Xô đã chuyển từ đối thoại sang đối đầu, nguyên nhân chủ yếu là do: Thứ nhất, sự đối lập về mục tiêu và chiến lược của hai cường quốc trong các vấn đề quốc tế. Liên Xô chủ trương duy trì nền hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và giúp đỡ các nước tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Thứ hai, sau chiến tranh, Mĩ trở thành nước giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản, lại nắm độc quyền về bom nguyên tử nên đã tự cho mình quyền “lãnh đạo thế giới tự do”, nhưng mưu đồ của Mĩ lại bị Liên Xô “cản đường” (Liên Xô giúp đỡ các nước Đông Âu khôi phục và xây dựng các nhà nước dân chủ nhân dân, giúp đỡ cách mạng Trung Quốc, cách mạng Việt Nam, Triều Tiên,...).

Ngày 12 - 3 - 1947, Tổng thống Mĩ Truman đã đọc diễn văn trước Quốc hội Mĩ, chính thức đưa ra “Học thuyết Truman”, cho rằng các nước Đông Âu “vừa mới bị cộng sản thôn tính” và những đe dọa tương tự đang diễn ra trên nhiều nước khác. Vì vậy, Mĩ phải đứng ra “đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do”, phải “giúp đỡ” cho các dân tộc trên thế giới chống lại “sự đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại “sự bành trướng” của Liên Xô, Mĩ phải giúp đỡ các nước bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự, chính thức phát động “chiến tranh lạnh” chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Với sự ra đời của “Học thuyết Truman” (3 - 1947), mối quan hệ Đồng minh giữa Liên Xô - Mĩ và các nước phương Tây trong thời kì chống phát xít đã tan vỡ, thay vào đó là “chiến tranh lạnh”.

Những sự kiện đưa tới tình trạng “chiến tranh lạnh” giữa Liên Xô và Mĩ.

+ Về phía Mĩ và các nước đồng minh của Mĩ: Năm 1947, Mĩ đưa ra “Kế hoạch Mácsan” (Kế hoạch Phục hưng châu Âu), theo đó Mĩ sẽ viện trợ cho các nước Tây Âu 17 tỉ USD để khôi phục nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Đổi lại, các nước Tây Âu phải liên minh với Mĩ chống lại Liên Xô và các nước Đông Âu. Tiếp đó, vào năm 1949, tại Oasinhtơn, Mỹ lôi kéo 11 nước thành lập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu, nhằm chống lại Liên Xô và các nước XHCN. Từ năm 1951, Mĩ lôi kéo các nước đồng minh thành lập nhiều khối quân sự khác nhau, như khối ANZUS ở châu Đại Dương (1951); khối SEATO ở Đông Nam Á (1954), khối CENTO ở khu vực Trung Cận Đông (1959),...

+ Về phía Liên Xô, tháng 1 - 1949, Liên Xô và các nước XHCN châu Âu cùng thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Tổ chức này thành lập nhằm mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa các nước XHCN, thúc đẩy sự tiến bộ KHKT, thu hẹp dần sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các thành viên. Tiếp đó, tháng 5 - 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu tổ chức Hiệp ước Vácsava. Đây là một liên minh chính trị - quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước XHCN châu Âu, do Liên Xô đứng đầu. Tổ chức Vácsava có vai trò to lớn trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở châu Âu và thế giới.

Sự đối lập về kinh tế, chính trị và quân sự giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, dẫn tới cục diện hai cực, hai phe do hai siêu cường Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi phe. Chiến tranh Lạnh vì thế mà bao trùm khắp thế giới, kéo dài từ tháng 3 - 1947 đến tận tháng 12 - 1989 mới chấm dứt.

Chiến tranh Lạnh và các cuộc chiến tranh cục bộ

Nét nổi bật của thời kì Chiến tranh Lạnh là tuy không nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới, nhưng lại diễn ra nhiều cuộc chiến tranh cục bộ ở nhiều khu vực. Đó là do tham vọng làm bá chủ thế giới của Mĩ và mưu đồ ngăn chặn, đẩy lùi phong trào cách mạng thế giới và phong trào giải phóng dân tộc.

- Cuộc phong toả Béclin (1948) và bức tường Béclin (1961)

+ Tháng 2 - 1948, các nước Mĩ, Anh, Pháp đã đề ra một quy chế về tương lai cho việc hợp nhất ba khu vực chiếm đóng của họ. Liên Xô kiên quyết phản đối và quyết định phong tỏa, kiểm soát mọi mối liên hệ giữa các khu vực Tây Béclin với Tây Đức. Tháng 5 - 1949, cuộc phong tỏa chấm dứt.

Trước sự di cư ồ ạt từ Đông Đức sang Tây Đức, gây tình trạng không ổn định ở Đông Đức, đêm 12 - 8 - 1961, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức cho xây dựng một bức tường với dây kẽm gai để ngăn cách, chấm dứt việc đi lại giữa Đông và Tây Đức.

- Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp (1945 - 1954) có sự can thiệp của Mĩ. Nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN đã tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Tuy nhiên, với Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam bị chia làm 2 miền với hai chế độ khác nhau.

- Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trên bán đảo Triều Tiên đã thành lập hai nhà nước riêng biệt là Hàn Quốc (8 - 1948) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (9 - 1948). Ngày 25 - 6 - 1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Tháng 9 - 1950, Mĩ và quân đội Liên hợp quốc vào tham chiến, ủng hộ Hàn Quốc. Tháng 10 - 1950, quân chí nguyện Trung Quốc tiến vào Triều Tiên, giúp Triều Tiên chống Mĩ. Sau 3 năm chiến tranh, các bên đã kí Hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (27 - 7 - 1953) trở lại vĩ tuyến 38. Đây là cuộc chiến tranh cục bộ với sự tham gia trực tiếp của hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa không phân chia thắng bại.

- Cuộc khủng hoảng Caribê (1962). Sau thắng lợi cách mạng 1 - 1 - 1959, chính phủ Cuba đã đồng ý để Liên Xô bố trí các tên lửa trên lãnh thổ Cuba. Tháng 10 - 1962, lấy lí do nền an ninh bị đe doạ, Mĩ đã tiến hành phong toả và đe doạ sẽ tấn công Cuba. Tình hình hết sức căng thẳng, có nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới. Cuối cùng Liên Xô và Mĩ đã đạt được thoả thuận là Liên Xô sẽ rút các tên lửa ra khỏi Cuba, Mĩ chấm dứt bao vây, chống phá Cuba.

- Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mĩ (1954 - 1975). Lợi dụng sự thất bại của Pháp, từ năm 1954, Mĩ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự. Nhân dân Việt Nam có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN đã kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và giành thắng lợi hoàn toàn vào 1975. Đây là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất và dài ngày nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Như vậy, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, mọi cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới Chiến tranh Lạnh và đối đầu Đông - Tây.

Xu thế hòa hoãn Đông - Tây và Chiến tranh Lạnh chấm dứt

Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, xu thế hòa hoãn Đông - Tây đã xuất hiện. Đầu tiên là các cuộc gặp gỡ thương lượng giữa Liên Xô và Mĩ.

Tiếp đó là Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa hai miền Đông Đức và Tây Đức (11 - 1972).

Năm 1972, Liên Xô và Mĩ kí Hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM) và Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT - 1).

Định ước Henxinki (8 - 1975) khẳng định nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia, tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh ở châu Âu. Từ nửa sau những năm 80, đặc biệt từ khi Goócbachốp lên nắm quyền ở Liên Xô (1985) thì quan hệ Xô - Mĩ đã thực sự chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Cuối năm 1989, tại cuộc gặp gỡ không chính thức giữa Busơ (cha) và Goócbachốp trên đảo Manta (Địa Trung Hải), Mĩ và Liên Xô đã chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc “chiến tranh lạnh” kéo dài 43 năm giữa hai nước này (1947 - 1989).

Lí do chấm dứt chiến tranh lạnh:

Một là, cuộc chạy đua vũ trang kéo dài quá tốn kém, làm suy giảm sức mạnh của Liên Xô và Mĩ so với các cường quốc khác.

Hai là, sự vươn lên mạnh mẽ của Đức, Nhật Bản, Tây Âu... khiến Mĩ và Liên Xô thấy cần phải tránh tình trạng đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình.

Thế giới sau Chiến tranh Lạnh

- Sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu vào những năm 1989 - 1991 đã kéo theo sự giải thể của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) và Tổ chức Hiệp ước Vácsava, làm cho trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ, chỉ còn lại một cực duy nhất là Mĩ, nhưng ảnh hưởng của Mĩ cũng bị thu hẹp ở nhiều nơi.

- Từ 1991, tình hình thế giới có những thay đổi to lớn và phức tạp, phát triển theo các xu thế sau:

Một là, sự tan rã của CNXH ở Liên Xô tạo cho Mĩ một lợi thế tạm thời. Mĩ đang ra sức thiết lập trật tự thế giới “một cực” để Mĩ làm bá chủ thế giới, nhưng một trật tự thế giới mới lại đang trong quá trình hình thành, được dự đoán là sẽ xuất hiện xu hướng “đa cực” với nhiều trung tâm như Mĩ, Liên minh EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc...;

Hai là, sau Chiến tranh Lạnh, hầu như các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tập trung vào phát triển kinh tế, lấy kinh tế để xây dựng sức mạnh của mình;

Ba là, Chiến tranh Lạnh chấm dứt, nền hòa bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định do các cuộc nội chiến, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài ở vùng Bancăng, châu Phi, Trung Á...;

Bốn là, bước sang thế kỉ XXI, với sự tiến triển của xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, các dân tộc hi vọng về một tương lai tốt đẹp của con người. Nhưng, cuộc tấn công bất ngờ của bọn khủng bố nhằm vào nước Mĩ ngày 11 - 9 - 2001 đã làm cho cả thế giới kinh hoàng. Các dân tộc lại đứng trước thách thức mới của chủ nghĩa khủng bố, còn Mĩ thì nhân cớ này triển khai các hành động nhằm can thiệp sâu vào tình hình các nước.

Với xu thế phát triển của thế giới hiện nay, các dân tộc trên thế giới đang đứng trước những thời cơ thuận lợi, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần phải giải quyết.