I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nam Cao (1915 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam.

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc. Ông hi sinh trên đường công tác trong kháng chiến chống Pháp. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm chính: các truyện ngắn Chí Phèo (1941), Trăng sáng (1942), Đời thừa (1943), Lão Hạc (1943), Một đám cưới (1944),... truyện dài Sống mòn (1944), truyện ngắn Đôi mắt (1948), tập nhật kí Ở rừng (1948), bút kí Chuyện biên giới (1951),...

2. Tóm tắt truyện Lão Hạc

Lão Hạc là người hàng xóm của ông giáo. Lão có người con trai đi phu đồn điền cao su. Lão sống với một con chó vàng là kỉ vật của con trai. Hoàn cảnh khó khăn, lão từ chối mọi sự giúp đỡ một cách gần như là hách dịch. Quyết không xâm phạm vào mảnh vườn dành cho con, lão bán con chó, tự lo liệu đám ma của mình và tự tử bằng bả chó.

3. Truyện Lão Hạc thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đau thương của một người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ. Đồng thời truyện cũng cho thấy lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân và tài năng nghệ thuật xuất sắc của nhà văn Nam Cao trong cách kể chuyện và trong việc miêu tả tâm lí nhân vật.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán chó: Lão Hạc đã nói đến chuyện bán chó quá nhiều đến nỗi ông giáo “nghe câu ấy đã nhàm”. Lão nói nhiều bởi lão đắn đo lắm, lão không muốn bán vì con chó là kỉ vật của con trai, con chó là một người bạn. Khi buộc phải bán con chó thì lão day dứt, ăn năn vì đã lừa con chó, lão bật khóc hu hu.

Qua đó, ta thấy lão Hạc là người sống tình nghĩa, thuỷ chung. Lão ân hận vì đã ngăn không cho con trai bán vườn cưới vợ. Lão xót xa vì nỡ lừa, nỡ bán con chó. Nhưng không còn cách nào khác, lão đành phải bán chó. Tất cả lão đều dành cho con trai, không hề nghĩ đến mình.

2. Nguyên nhân cái chết của lão Hạc là tình cảnh đói khổ, túng quẫn, tuyệt vọng của lão Hạc. Lão không thể giữ con chó. Lão không thể đợi con trai trở về. Thực ra, lão có thể bán dần các thứ để ăn, nhưng lòng thương con không cho phép lão phạm vào tài sản của con trai. Lão tự chọn cái chết để giải thoát cho mình và dành trọn mảnh vườn cho con trai.

Lão Hạc rất tự trọng và lo xa. Lão không thể làm điều xấu. Lão không nỡ lừa một con chó. Lão cũng không muốn làm phiền những người láng giềng. Vì thế lão đã nhờ ông giáo lo liệu việc lão chết và giữ mảnh vườn cho con trai.

3. Thái độ và tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc có sự thay đổi: lúc đầu thờ ơ và dửng dưng nghe chuyện bán chó. Sau đó hiểu và cảm thông với lão Hạc, muốn tìm cách giúp đỡ, an ủi. Khi nghe Binh Tư kể thì có thoáng buồn và nghi ngờ. Khi chứng kiến cái chết dữ dội của lão Hạc thì càng thấy kính trọng nhân cách và tấm lòng của một con người bình dị, nhìn bề ngoài thì tưởng là lần thẩn, dở hơi. Ông giáo là người hiểu sâu sắc và đồng cảm, kính trọng lão Hạc.

4. Có thể hiểu ý nghĩ của nhân vật “tôi” về đại thể: Khi nghe Binh Tư nói, nhân vật “tôi” bị bất ngờ. “Tôi cảm thấy đời đáng buồn vì một con người nhân hậu, trung thực, khí khái như lão Hạc, khi đến bước đường cùng, cũng có thể làm điều xấu như là Binh Tư, bị chính những kẻ như Binh Tư mai mỉa. Sau đó chứng kiến việc lão Hạc chết đau đớn vì ăn bả chó, ông giáo (nhân vật “tôi”) lại thấy buồn ở khía cạnh khác. Ông buồn vì một người cha rất mực thương con, một người lương thiện, tử tế, một người trung thực như lão Hạc nhưng không thể sống được, lại phải chọn một cái chết đau đớn, dữ dội.

5. Cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện. Diễn biến tâm lí của lão Hạc xung quanh việc bán con chó, sự thay đổi thái độ, tình cảm của ông giáo từ dửng dưng đến cảm thông, thương mến, kính trọng,... lão Hạc được miêu tả rất hợp lí, tự nhiên. Hai nhân vật lão Hạc và ông giáo mỗi người đều có nỗi khổ riêng, nhưng ông giáo, nhờ có việc cố tìm mà hiểu nên đã phát hiện ra vẻ đẹp của lão Hạc đằng sau vẻ bề ngoài dường như rất lẩn thẩn, dở hơi. Cách kể chuyện của nhân vật xưng “tôi” làm cho câu chuyện gần gũi, chân thực, câu chuyện được dẫn dắt linh hoạt. Mặt khác, “tôi” kể, nhưng “tôi” lại nhập vào nhân vật lão Hạc và các nhân vật khác mà kể, cho nên tác phẩm có nhiều giọng điệu chứ không đơn điệu.

6*. Ý nghĩ của nhân vật “tôi”: “Chao ôi ! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương , không bao giờ ta thương [...] Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Đó là một phát hiện sâu sắc và một triết lí sống rất tiến bộ và đúng đắn. Đây là một thái độ trân trọng con người, khám phá những nét tốt đẹp của con người. Nhân vật “tôi” cũng chỉ cho ta thấy con người thường bị những đau buồn, lo lắng, ích kỉ che lấp mất bản tính tốt. Cần phải cảm thông và thương mến. Chính vì theo phương hướng này mà ông giáo đã thấy những nét đáng quý đáng trọng của lão Hạc, ông cũng không nỡ giận vợ ông, khi vợ ông không muốn giúp lão Hạc. Tóm lại, ý nghĩ của nhân vật “tôi” là một ý nghĩ tỉnh táo, sáng suốt, xuất phát từ tinh thần nhân đạo yêu thương, trân trọng con người.

7*. Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, có thể hiểu nhiều nét về cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ. Họ là người sống khổ cực trong làng quê. Họ bị áp bức bóc lột nặng nề, phải chịu sưu cao thuế nặng. Cuộc sống của họ lâm vào cảnh bần cùng, bế tắc. Tuy vậy, họ có những phẩm chất đáng quý là trong sạch, lương thiện, giàu tình thương yêu. Họ dám chết để giữ gìn phẩm chất trong sạch, họ dám chống lại những kẻ ác để tự vệ. Trong người nông dân tiềm tàng một sức mạnh của tình cảm, một sức mạnh phản kháng chống lại áp bức, bất công.

III – THAM KHẢO

1. [...] Cách nhìn của nhân vật ông giáo, nhân vật "tôi" – người kể chuyện – đối với lão Hạc không hề đơn giản mà có cả một quá trình, từ chỗ lúc đầu không hiểu, dửng dưng, đến chỗ hiểu, cảm thông và trân trọng lão. Cứ mỗi tình tiết về cuộc đời lão Hạc lại gợi lên trong nhân vật "tôi" sự tìm hiểu, suy ngẫm, tạo nên một chiều sâu nhận thức mới cho tác phẩm. Chẳng hạn, cái tình tiết lão Hạc bán con chó vàng.

(Trần Đăng Suyền, trong Bình giảng tác phẩm văn học trong chương trình cuối cấp THCS – THPT, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995)

2. [...] Truyện ngắn Thạch Lam nghiêng về phía trữ tình, đặt văn xuôi vào thế cân bằng với thơ trong một tác phẩm tự sự. Truyện Nguyễn Công Hoan lại thiên về phía kịch làm cho mỗi câu chuyện hiện lên trong tác phẩm giống như một trò diễn. Nam Cao đưa truyện ngắn vào mạch phân tích, giải thích mối quan hệ nhân quả giữa môi trường và tính cách, giữa hoàn cảnh với con người. Lời trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao mang âm vang của rất nhiều giọng nói. Những cách tân nghệ thuật ấy cho phép Nam Cao đặt ra trong truyện ngắn Lão Hạc hàng loạt vấn đề xã hội quan trọng vượt ra bên ngoài ý nghĩa của đề tài và chất liệu. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, truyện ngắn Lão Hạc cất lên tiếng kêu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường đời sống phi nhân tính để cứu lấy những giá trị chân chính của con người. Nam Cao nhắn nhủ với bạn đọc muôn đời, rằng “đối với những người ở quanh ta”, ta phải “cố tìm mà hiểu họ” để người và người có thể xích lại gần nhau. Và kết thúc thiên truyện, Nam Cao đã nói to lên niềm tin sâu sắc, đầy lạc quan vào sự trường tồn của bản chất tốt đẹp ở con người: “Không ! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn...”.

(La Khắc Hoà, trong Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học 8, Sđd)