I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Bài này yêu cầu các em hiểu các phương pháp thường được sử dụng để trình bày nội dung trong văn bản thuyết minh.
1. Muốn thuyết minh cần phải có tri thức
Muốn viết được một văn bản thuyết minh đạt hiệu quả cao, người viết cần phải có những hiểu biết về đối tượng thuyết minh. Hiểu biết càng sâu sắc, thấu đáo thì nội dung văn bản thuyết minh càng hàm súc, mạch lạc và rõ ràng. Bởi vậy việc tìm hiểu về đối tượng trước khi thuyết minh là hết sức cần thiết. Không có hiểu biết, không thể thuyết minh được.
Hiểu biết có được từ đâu? Hiểu biết của một cá nhân không phải từ trên trời rơi xuống, không phải tự nhiên mà có được. Muốn có hiểu biết về một đối tượng nào đó, cá nhân phải học hỏi, phải tích luỹ kinh nghiệm sống, phải đọc sách báo, phải nghiền ngẫm, phải ghi chép,... Cá nhân phải quan sát, nghĩa là phải biết nhìn, biết đánh giá, nhận xét về đối tượng. Chỉ khi nào có hiểu biết về đối tượng thật kĩ càng, ta mới có thể viết được văn bản thuyết minh.
Khi tìm hiểu, ta cần phải luôn đặt ra các câu hỏi để tìm lời giải đáp. Ví dụ: Thuyết minh về đối tượng nào? Có đặc điểm gì? Cái gì đáng chú ý nhất? Cấu tạo như thế nào? Giá trị ra sao? Có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của con người?... Chỉ khi ta tự trả lời được các câu hỏi đó một cách rõ ràng, thì khi ta viết văn bản thuyết minh, người đọc mới có thể hiểu được.
2. Phương pháp thuyết minh
Khi thuyết minh có thể dùng nhiều phương pháp. Nhưng chúng ta cần nắm vững một số phương pháp phổ biến, thường được sử dụng trong đời sống và tập vận dụng cho có hiệu quả. Dưới đây là những phương pháp phổ biến ấy.
a) Phương pháp định nghĩa, giải thích
Đây là phương pháp được viết theo kiểu cấu trúc của một phán đoán:
S là P
Ví dụ :
Di truyền là hiện tượng truyền đạt các tính trạng của bố mẹ, tổ tiên cho các thế hệ con cháu. Còn biến dị là hiện tượng con cháu sinh ra khác với bố mẹ và khác nhau về nhiều chi tiết.
Biến dị và di truyền là hai hiện tượng song song, gắn liền với quá trình sinh sản.
(Sinh học 9, SGK thí điểm, NXB Giáo dục, 2003)
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện thông tin để truyền tin về sản phẩm dịch vụ hoặc cho các phần tử trung gian, hoặc cho các khách hàng cuối cùng trong một khoảng thời gian và không gian nhất định.
(Tiếng Việt thực hành, NXB Giáo dục, 2001)
Dùng phương pháp định nghĩa, giải thích như cách viết trong các ví dụ trên thường xác định được đối tượng một cách cụ thể thuộc loại nào, kiểu gì, đặc điểm cơ bản của sự vật, hiện tượng ra sao, tránh được việc giải thích quá rộng hoặc quá hẹp về đối tượng.
b) Phương pháp liệt kê
Đây là phương pháp kể ra, đưa ra một loạt những tính chất, những đặc điểm nào đó của đối tượng nhằm khẳng định hay nhấn mạnh cho một điều gì đó, một đặc tính nào đó cần thuyết minh, làm rõ.
Ví dụ:
Thực ra để chơi quay cho ra chơi thì cũng mất lắm công phu và khá cầu kì. Từ cách chọn gỗ, đẽo gọt đến cách chọn đinh, đóng chân quay cũng cần phải đúng cách, đúng kiểu. Muốn có quay tốt phải chọn được gỗ tốt. Loại thích hợp nhất là gỗ nhãn. Nếu được cái gốc nhãn thì càng tuyệt, vì quay đẽo ra vừa có màu đẹp, lại vừa rắn, vừa dai, nếu có bị “om” quay cũng khó vỡ, Khi đẽo quay phải có dao sắc, kê chắc. Quay đẽo càng tròn, càng tốt, nhất là khi đẽo cái tu quay cần đẽo sao cho chính giữa, cân đối thì quay mới khó bị đổ khi đối thủ “bổ” thẳng vào đầu quay mình. Đẽo xong phải gọt cho thật nhẵn, đơn giản nhất là lấy ngay những mảnh bát vỡ để nạo. Rồi cuối cùng tới khâu chêm đinh. Việc chọn đinh to, đinh nhỏ cũng phải có "kinh nghiệm” và đóng có kĩ thuật. Đóng cần phải thẳng, phải cân, phải đúng chính giữa tim quay mới đạt yêu cầu. Khâu chuẩn bị này càng cẩn thận, chu đáo thì vào cuộc chơi mới càng nắm chắc phần thắng. Quay đẽo ra cũng có nhiều loại. Loại quả nhót, loại lồng bàn, loại lộn tu... Mỗi loại đều có thế mạnh riêng của mình.
(Nguyễn Quang Ninh, Trò chơi quay)
c) Phương pháp nêu ví dụ
Là phương pháp dẫn ra, đưa ra những dẫn chứng lấy từ sách báo, từ đời sống thực tiễn để làm sáng rõ cho điều mình trình bày. Dẫn chứng này càng mang tính phổ biến bao nhiêu càng có giá trị cao bấy nhiêu.
Ví dụ:
Trong lao động sản xuất, thời nào làng Dương Lôi cũng là “điểm sáng điển hình” về phong trào thâm canh tăng năng suất lúa. Là lá cờ đầu đạt 8 tấn thóc 1 ha của tỉnh Hà Bắc cũ. Mục tiêu “đưa chăn nuôi lên thành ngành chính”, Dương Lôi cũng là hợp tác xã điển hình của toàn quốc, được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về động viên khen ngợi.
Sau ngày đất nước thống nhất, chuyển sang nền kinh tế thị trường, Dương Lôi cũng hoà nhập vào sự đổi mới chung của xã hội. Là một làng thuần nông, trước kia chỉ quanh năm làm ruộng độc canh cây lúa, nay đã phát triển nhiều ngành nghề khác để hỗ trợ cho sản xuất, nâng cao mức sống cho nông dân. Số người thi vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Hàng loạt người con trong làng đã có hàm cấp, học vị, danh hiệu như Nghệ nhân bàn tay vàng, Nhà giáo ưu tú, luật sư, bác sĩ, kĩ sư, thạc sĩ, kiến trúc sư và nhiều người đã trở thành lãnh đạo chủ chốt các cơ quan đoàn thể...
Về làng Dương Lôi hôm nay, du khách sẽ ngỡ ngàng về sự đổi thay nhanh đến chóng mặt. Nhưng còn một điều bất ngờ lí thú nữa là ở làng quê này có nhiều sự trùng lặp với Kinh thành Thăng Long - Hà Nội: 5 cổng làng - 5 cửa ô; 3 cây cầu (bằng đá) qua dòng Tiêu Dương - Hà Nội có ba cây cầu qua Sông Hồng; 36 ngõ bàn cờ – 36 phố phường, Càn Nguyên tự- Càn Nguyên điện,...
Ngoài ra còn con số 8. Vâng! Con số 8 rất quen thuộc nhưng cũng rất kì lạ, huyền bí: Làng Dương Lôi thờ 8 vua nhà Lý, thì có 8 nơi thờ cúng, 8 giáp họ làm giỗ vua, 8 phường, 8 hội, cây đa 8 cành cạnh đình, 8 cây muỗm ở chùa Càn Nguyên, 8 cây nhãn lồng hai bên sân Rồng, 8 thứ bánh thường làm trong những ngày tiết lễ và hội làng.
(Những làng nổi tiếng Việt Nam, trong báo Văn nghệ số Tết Giáp Thân 2004)
Trong văn bản thuyết minh, các ví dụ đưa ra càng mang tính khách quan, tính phổ biến thì sự giải thích càng rõ ràng và càng có cơ sở tạo niềm tin cho bạn đọc về tính xác thực của sự vật, hiện tượng.
d) Phương pháp dùng số liệu
Đây là việc đưa vào văn bản những con số mang tính chất định lượng chính xác để giải thích, chứng minh hay giới thiệu về một sự vật, hiện tượng nào đó.
Ví dụ:
Bao thế kỉ qua, Dương Lôi đã được đánh giá là một làng quê có truyền thống văn hiến, cách mạng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mi, hơn 300 con người làng Dương Lôi đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; 69 liệt sĩ đã hiến trọn cuộc đời, 46 thương binh để lại một phần cơ thể nơi chiến trường và 2 người mẹ anh hùng đã dâng hết những đứa con yêu quý của mình cho non sông đất nước.
(Những làng nổi tiếng Việt Nam, Sđd)
e) Phương pháp so sánh
Đây là phương pháp đem so sánh, đối chiếu một sự vật, hiện tượng nào đó trừu tượng, chưa thật sự gần gũi, còn mới mẻ với mọi người với những sự vật, hiện tượng thông thường, dễ gặp, dễ thấy để giúp người đọc nhận thức, hiểu về sự vật, hiện tượng đó một cách cụ thể, dễ dàng hơn.
Ví dụ :
Nước ào ạt phóng qua núi rồi đổ xuống, tạo nên thác Y-a-li. Thác nước thẳng đứng, chảy mòn đá, thành mười hai bậc từ trên đỉnh núi xuống mặt nước. Nước trút từ trên trời xuống, trông như một biến mù sương, đẹp tuyệt vời. Nhất là lúc sắp hoàng hôn, mặt trời xói thẳng vào dòng nước lấp lánh như người ta dát một mẻ vàng vừa luyện xong.
(Thiên Lương, Thác Y-a-li)
II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Phân tích sự hiểu biết của tác giả văn bản Ôn dịch, thuốc lá về vấn đề đặt ra trong bài.
Bài viết đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của người viết về vấn đề trình bày:
- Kiến thức của một nhà chuyên môn (bác sĩ)
+ Khói thuốc lá có nhiều chất độc.
+ Vòm họng, phế quản, nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt.
+ Khói thuốc lá gây ho hen, viêm phế quản.
+Trong khói thuốc lá có chất ô-xít các-bon làm cho máu không tiếp cận được ô xi, làm giảm sút sức khoẻ con người.
+ Khói thuốc lá gây ung thư vòm họng, ung thư phổi.
+ Chất ni-cô-tin trong thuốc lá làm huyết áp tăng cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim.
– Sự hiểu biết về tâm lí xã hội, sự quan tâm tới vấn đề xã hội (nhà hoạt động xã hội)
+ Bệnh viêm phế quản làm mất bao nhiêu ngày công lao động và làm hại sức khoẻ cộng đồng.
+ Hút thuốc lá nơi công cộng làm ảnh hưởng tới người khác: người hít phải khói thuốc cũng sẽ bị nhiễm độc, đau tim mạch, viêm phế quản. Người có thai hít phải hơi thuốc lá sẽ đẻ non, sinh con suy yếu,...
+ Từ điếu thuốc, sang cốc bia rồi đến ma tuý, con đường phạm pháp bắt đầu từ điếu thuốc.
+ Mọi người cần phải tổ chức các chiến dịch chống thuốc lá, ngăn ngừa nạn ôn dịch này.
Những hiểu biết trên đây của tác giả bài viết chứng tỏ tác giả là người hiểu biết khoa học sâu sắc, có trình độ chuyên môn cao, có ý thức và trách nhiệm đối với đời sống xã hội. Chính vì vậy, bài viết vừa giới thiệu được cho bạn đọc tác hại của thuốc lá, vừa vận động mọi người ra tay chống lại nạn ôn dịch này.
2. Các phương pháp thuyết minh trong văn bản Ôn dịch, thuốc lá
Tác giả đã sử dụng phối hợp nhiều phương pháp trong bài viết của mình. Tuy từng đoạn, tuỳ từng nội dung, tác giả đã chọn được phương pháp trình bày thích hợp, tăng được hiệu quả thuyết phục của bài viết.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu:
Hẳn rằng người hút thuốc lá không lăn đùng ra chết, không say bê bết như người uống rượu.
- Phương pháp phân tích, giải thích:
Trong khói thuốc lá lại có chất ô-xít các-bon, chất này thấm vào máu, bám chặt các hồng cầu không cho chúng tiếp cận ôxi nữa. Không lạ gì sức khoẻ của người nghiện thuốc ngày càng sút kém.
- Phương pháp nêu ví dụ, số liệu
Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la).
3. Phân tích văn bản Ngã ba Đồng Lộc
- Kiến thức:
+ Về vị trí địa lí của ngã ba Đồng Lộc.
+ Về tập thể 10 cô thanh niên xung phong làm nhiệm vụ san lấp hố bom, làm đường, đào hầm trú ẩn, đảm bảo an toàn giao thông cho người và xe qua lại.
+ Về cô gái La Thị Tám đầy nhiệt tình cách mạng, dũng cảm và hết sức mưu trí.
- Phương pháp thuyết minh
+ Liệt kê
Kể ra những việc làm của 10 cô gái: san lấp hố bom, làm đường, đào hầm trú ẩn, bảo đảm an toàn cho xe và người qua lại,..
+ Nêu ví dụ
Ba lần bị bom nổ vùi lấp, chị vẫn kiên cường bám sát trận địa, đánh dấu đủ, rõ các hút bom, phục vụ đắc lực cho việc phá bom, đảm bảo giao thông thông suốt.
+ Dùng số liệu
Ngày 24 – 7 – 1968, sau 18 lần giặc Mĩ cho máy bay đánh phá ác liệt vào khu vực này, cả 10 chị em vẫn trụ lại kiên cường, bất khuất, giữ vững mạch đường đến hơi thở cuối cùng.
4. Sự phân loại của bạn lớp trưởng là hợp lí. Bởi lẽ, bạn đã chỉ ra 3 loại học lực yếu bởi những nguyên nhân khác nhau:
- Có điều kiện học tốt nhưng ham chơi, nên học yếu.
- Gia đình khó khăn, thường bỏ học, đến lớp chậm, nên học yếu.
- Kiến thức yếu, tiếp thu chậm, nên học yếu.
Từ đó bạn đề nghị cách giúp đỡ khác nhau là hoàn toàn có cơ sở.