I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Hút thuốc lá tưởng là một thú vui vô hại, nhưng thực chất vô cùng nguy hiểm đối với sức khoẻ và tính mệnh của con người.

2. Hút thuốc lá dễ gây nghiện và sự nghiện thuốc lá lây lan như một thứ bệnh dịch nguy hiểm. Hút thuốc không gây chết người hay nguy hiểm tính mạng ngay tức khắc. Nhưng chính sự gặm nhấm sức khoẻ con người một cách từ từ lại là một thứ nguy hiểm hơn cả ôn dịch. Nó làm cho con người chủ quan, không đề phòng. Nó gây ra hậu quả còn nặng nề hơn cả thứ bệnh dịch ghê gớm nhất mà nhân loại đang phải đương đầu là bệnh AIDS.

3. Mỗi người phải có ý thức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, hạn chế và chống hút thuốc lá. Phải cùng nhau chống thuốc lá như chống nạn ôn dịch nguy hiểm.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Tác giả dùng dấu phẩy để ngăn cách nhan đề Ôn dịch, thuốc lá. Cũng có thể sửa thành Ôn dịch thuốc lá hoặc Thuốc lá là một loại ôn dịch. Tuy nhiên, sửa như vậy sẽ giảm mất ý nghĩa mà tác giả muốn biểu đạt. Bởi vì dùng dấu phẩy là để nhấn mạnh tính chất nguy hiểm như ôn dịch của thuốc lá. Cũng đồng thời nhấn mạnh thái độ căm ghét, nguyền rủa loại ôn dịch đó. Việc tác giả ví thuốc lá như ôn dịch là thoả đáng vì thuốc lá rất dễ gây nghiện, dễ lây lan và vô cùng nguy hiểm.

2. Trước khi phân tích tác hại của thuốc lá, tác giả dẫn lời của Trần Hưng Đạo bàn về đánh giặc. Điều đó muốn nhấn mạnh thuốc lá cũng là một loại giặc mà con người cần chống. Giặc thuốc lá là loại giặc nguy hiểm, khó chống lại bởi vì nó không đánh như vũ bão mà gặm nhấm như tằm ăn dâu. Tác giả đưa chứng cớ là người hút thuốc không lăn đùng ra chết, không say bê bết như người uống rượu. Bởi thế mà người ta không chống lại quyết liệt, người ta chủ quan. Chính điều đó là một mối nguy hiểm. Việc so sánh chống giặc với chống thuốc lá là một so sánh sáng tạo, vừa làm cho lập luận chặt chẽ, lại vừa tạo ra sự liên tưởng thú vị. Đặc biệt là tác hại không nhìn thấy ngay của việc hút thuốc lá chẳng khác nào sự gặm nhấm như tằm ăn dâu mà vị tướng lừng danh Trần Hưng Đạo cũng phải coi là "đáng sợ".

3. Tác giả đặt giả định: "Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!" trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá nhằm phản bác. Trong thực tế, không ít người đã vì thú vui hút thuốc mà coi thường lời khuyên của bác sĩ và những người thân. Họ vin vào quyền tự do cá nhân, tuyên bố tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Tác giả đã phản bác vì người hút thuốc không chỉ huỷ hoại sức khoẻ của mình, mà còn huỷ hoại sức khoẻ của những người thân, huỷ hoại sức khoẻ của những người xung quanh. Vấn đề hút thuốc không phải là vấn đề riêng của cá nhân. Không giống như uống rượu, ai uống người nấy chịu. Còn hút thuốc thì người ở gần bị đầu độc. Hút thuốc là quyền cá nhân, nhưng không thể dùng quyền đó để đầu độc người khác, xâm phạm quyền được sống trong bầu không khí trong lành của người khác. Tác giả đã dùng các quyền chính đáng để bác bỏ quyền không chính đáng của người hút thuốc chống chế. Hơn nữa còn cho việc làm đó là một "tội ác".

4. Tác giả so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu – Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị có nhiều mục đích: Trước hết khẳng định rằng nước ta tuy nghèo hơn các nước Âu -Mĩ, nhưng hút thuốc cũng không kém họ về số lượng. Đó là điều không thể chấp nhận. Thứ hai, các nước đó hiện đang có các chiến dịch chống hút thuốc lá mạnh mẽ. Họ cấm, họ phạt, họ tuyên truyền rầm rộ; chúng ta chẳng lẽ không làm gì? Thứ ba, so sánh nước ta với họ, chúng ta còn quá nhiều bệnh dịch cần thanh toán. Thế mà chúng ta lại theo đòi họ, rước lấy các thứ bệnh do hút thuốc lá thì thật tệ hại. Tất nhiên, từ sự so sánh đó, kết luận được rút ra phải là hành động. Tác giả kêu gọi:" Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này". Việc so sánh ở đây là cần thiết và có ý nghĩa khái quát tính chất đúng đắn của hành động chống ôn dịch thuốc lá.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Em có thể hỏi xem vì sao mà người mình quen biết đã tập hút thuốc lá rồi trở thành nghiện? (Các lí do do chính họ cung cấp, hoặc em có thể dựa vào mục 1, phần Đọc thêm để tham khảo). Em cũng thử thống kê xem trong số những người em biết, có bao nhiêu người đã giảm, hạn chế và từ bỏ hẳn việc hút thuốc lá.

2. Hãy suy nghĩ về việc nghiện và cái chết quá trẻ của chàng thanh niên. Cũng có thể suy nghĩ về việc do quá giàu có bởi những thứ của cải được thừa hưởng, nên con người dễ sa vào ăn chơi, phá phách.