I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Tóm tắt văn bản tự sự là thao tác dụng lời văn của mình trình bày lại một cách ngắn gọn những sự việc tiêu biểu, những nhân vật quan trọng làm nên nội dung chính của văn bản ấy.
2. Tóm tắt một văn bản tự sự cần phải theo trình tự các bước: đọc kĩ toàn bộ văn bản; xác định các sự việc, nhân vật chính cần tóm tắt; sắp xếp chúng theo một trình tự hợp lí; tiến hành viết văn bản tóm tắt.
3. Văn bản tóm tắt phải đảm bảo phản ánh trung thành nội dung của văn bản gốc.
II - HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Mục đích của việc tóm tắt tác phẩm tự sự
a) Khi chưa có điều kiện đọc trực tiếp, để có thể nắm được nội dung chính của một tác phẩm tự sự nào đó, ta đọc văn bản tóm tắt tác phẩm ấy.
b) Mục đích của việc tóm tắt tác phẩm tự sự là nhằm ghi lại một cách trung thành, chính xác những nội dung chính của một văn bản tự sự nào đấy. Câu trả lời đúng nhất là (b).
2. Cách tóm tắt văn bản tự sự
a) Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi.
- Nội dung đoạn văn nói về tác phẩm Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Sự việc và các nhân vật trong đoạn văn là của truyện này.
– Sự khác nhau giữa văn bản tóm tắt và tác phẩm :
+ So với tác phẩm, độ dài của văn bản tóm tắt ngắn hơn nhiều.
+ Trong văn bản tóm tắt, số lượng sự việc và các nhân vật ít hơn so với tác phẩm.
– Lời văn của văn bản tóm tắt là lời văn của người viết tóm tắt chứ không phải là lời văn của tác phẩm.
- Các nhân vật quan trọng thì đã được văn bản tóm tắt ghi lại, nhưng sự việc chính thì chưa đảm bảo đầy đủ. Để thông qua văn bản tóm tắt, người đọc có thể hiểu được một cách chuẩn xác truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, người viết tóm tắt cần phải thêm vào: “Thuỷ Tinh không làm gì được đành phải rút về nhưng hàng năm vẫn dâng nước lên để báo thù.”.
b) Tóm tắt văn bản tự sự là giới thiệu một cách ngắn gọn bằng lời văn của mình nội dung chính của một tác phẩm nào đó thông qua các sự việc, các nhân vật tiêu biểu.
3. Các bước tóm tắt một văn bản tự sự
Một số điều cần lưu ý khi thực hiện các bước tóm tắt một tác phẩm tự sự:
a) Đọc tác phẩm: chỉ có thể tóm tắt được một tác phẩm nào đó khi đã đọc kĩ toàn bộ tác phẩm ấy và nắm được ý tưởng của tác giả.
b) Lựa chọn những nội dung chính cần ghi lại :
- Các sự việc chủ chốt, quyết định đến câu chuyện trong tác phẩm.
- Các nhân vật quan trọng.
c) Sắp xếp các nội dung chính theo một trình tự hợp lí :
- Trình tự trước – sau của các sự việc.
- Sự xuất hiện của các nhân vật trong tác phẩm.
d) Diễn đạt bằng lời văn của mình những nội dung đã xác định được ở các bước trước.