I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Bài này yêu cầu các em hiểu được vị trí và vai trò của văn bản thuyết minh trong đời sống của con người cũng như những đặc điểm cơ bản của kiểu văn bản này. Vì vậy, các em cần hiểu và nắm chắc một số vấn đề sau:
1. Vị trí và vai trò của văn bản thuyết minh trong đời sống con người.
Đây là kiểu văn bản rất thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, nhằm cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về đặc điểm, tính chất, cấu tạo, cách dùng,... của nhiều sự vật, hiện tượng trong đời sống thường ngày của xã hội. Chúng ta dùng kiểu văn bản này để thuyết minh cho cấu tạo, cách bảo quản, cách sử dụng một chiếc máy nổ, một chiếc máy bơm, hoặc một cái quạt, một chiếc xe máy. Chúng ta cũng dùng kiểu văn bản này để thuyết minh cho một sản phẩm mới được sản xuất, một sáng kiến mới được áp dụng. Hoặc chúng ta cũng phải dùng văn bản thuyết minh để giới thiệu với mọi người về sản vật quê hương, về danh lam thắng cảnh của đất nước với bè bạn năm châu,... Xem ra như vậy chúng ta cũng đủ thấy tính phổ biến của văn bản thuyết minh trong đời sống xã hội cao đến chừng nào.
2. Đặc điểm của văn bản thuyết minh
- Trình bày tri thức một cách khách quan, xác thực, hữu ích cho đời sống con người. Qua việc đọc hoặc nghe văn bản thuyết minh, người đọc được làm giàu vốn tri thức của mình bằng những hiểu biết về sự vật, hiện tượng một cách chính xác, trung thực. Đây là kiểu văn bản gắn liền với tư duy khoa học.
- Văn bản thuyết minh có sự khác biệt rõ rệt với các loại văn bản khác mà các em đã biết.
+ Văn bản tự sự: chủ yếu là trình bày sự việc, diễn biến, hành động, nhân vật trong thời gian, không gian.
+ Văn bản miêu tả: chủ yếu là trình bày tỉ mỉ, chi tiết sự vật, hiện tượng tồn tại trong thực tiễn, giúp người đọc, người nghe cảm nhận được sự vật, hiện tượng như bản thân nó vốn có.
+ Văn bản nghị luận: chủ yếu là lí lẽ, là luận điểm, là những suy luận mang dấu ấn chủ quan của người viết,...
+ Văn bản hành chính – công vụ: chủ yếu là để trình bày quyết định, bày tỏ nguyện vọng, đề đạt nguyện vọng,...
+ Văn bản thuyết minh: Chủ yếu là giải thích, thuyết minh, hướng dẫn bằng tri thức khoa học, bằng cơ chế, bằng quy luật của sự vật, hiện tượng,...
- Văn bản thuyết minh thường xuất hiện trong việc giải thích, giới thiệu, trình bày cho một vật dụng, một nguyên liệu, một mặt hàng mới, một danh lam thắng cảnh, hay một quy trình sản xuất,... để mọi người đều rõ.
- Lời lẽ, câu chữ, cách hành văn trong văn bản thuyết minh đòi hỏi được chọn lọc kĩ càng, dễ hiểu, mang tính phổ thông, dễ nhớ.
3. Một số ví dụ về văn bản thuyết minh
DI TRUYỀN VÀ BIẾN DỊ
Di truyền là cái thuộc tính giống tổ tiên của toàn bộ sự sống trên quả đất này. Còn biến dị là sự khác nhau và sự phân li ra ngoài phạm vi giống nhau của một gia đình. Điều này có thể tìm được trong bất kể gia đình nào.
Mỗi một chúng ta nếu không giống mẹ thì nhất thiết phải giống cha. Đấy là do tính di truyền. Nhưng đây không phải là sự giống nhau tuyệt đối. Bao giờ con cái cũng có điểm gì đó khác bố mẹ, cả về ngoại hình lẫn tâm lí. Đó chính là do tính biến dị.
Tính biến dị và tính di truyền là hai thuộc tính cơ bản nhất của sự sống và nếu thiếu chúng thì không thể có được sự tiến hoá và phát triển trong thế giới động vật và thực vật. Một bên là nguyên tắc bảo thủ còn một bên là cách mạng. Trong cuộc đấu tranh và thống nhất đó của chúng, ta sẽ tìm thấy biểu hiện của phép biện chứng tự nhiên.
Sự sống càng đa dạng với nhiều màu sắc bao nhiêu thì phạm vi hoạt động của sự chọn lọc tự nhiên càng rộng hơn, sự tiến hoá càng thành đạt hơn, thiên nhiên càng đạt được sự hoàn thiện lớn lao hơn. Tính biến dị cung cấp chất liệu cho sự tiến hoá. Tính di truyền củng cố các thành quả của biến dị. Tính biến dị tạo nên những dạng sinh vật mới, còn tính di truyền thì bảo vệ, giữ gìn chúng.
Ví như, nếu không có biến dị và di truyền thì chúng ta không bao giờ được nhìn thấy sự sống hoàn thiện và phong phú như ngày nay. Nếu như không có biến dị thì sinh vật không thể nào có được khả năng thích nghi kì diệu đối với các điều kiện sống khác nhau. Nếu không có sự sống cũng không có khoảng không rộng mở để chọn đường phát triển. Và không có biến dị thì tài năng mới cũng sẽ lụi tàn.
(Theo Sinh vật học lí thú, NXB Thanh niên)
CẢNH ĐẸP SA PA
Chỉ mới nhắc đến cái tên Sa Pa, những ai đã một lần đến, đã cảm thấy như hơi thu còn tắm làn da, đầu lưỡi như còn vương vị ngọt dịu lẫn chua thơm của đào.
Sa Pa nằm nơi lưng chừng núi Hoàng Liên Sơn. Giống như Đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa là vườn hoa và trái ôn đới giữa thiên nhiên Việt Nam nhiệt đới, là đất của rừng thông, rừng già và chim thú, lắm thác và mây, một nơi nghỉ mát kì thú.
Sa Pa một năm có thể thấy khá rõ bốn lần chuyển mùa, bốn lần thiên nhiên thay sắc áo. Mùa thu trời đất nung lung, mờ ảo trong mây. Mùa đông, có năm tuyết phủ trắng núi rừng. Mùa xuân ấm hơn, tuy những đỉnh núi còn chìm trong mây đặc nhưng hoa xuân đã phơi sắc trên các triền núi và trong các vườn nhà. Hoa đào đỏ, hoa lê trắng ngần, hoa mơ, hoa mận thoảng hương.
Mùa hè mới là mùa đầy sức quyến rũ của Sa Pa. Màn mây vén lên cùng với tiếng sấm động tháng tư, để hiện bộ mặt thiên nhiên như mới tinh khôi: sóng núi nhấp nhô vô tận, rừng sáng xanh lên trong nắng, suối rì rào, thác xối, chim mở dàn hợp xướng khắp các cánh rừng và hoa tưng bừng nở. Những ngày hè đổ lửa ở đồng bằng thì ở Sa Pa không khí trong lành mát rượi. Những cơn mưa rào thoắt đến, ồn ào một chốc rồi đi, đủ cho núi rừng cỏ cây tắm gội, cho các suối dạt dào nước, cho các búp hoa xoè nở, cho cảnh vật biếc xanh.
Mùa hè Sa Pa đúng là mùa hoa trái ôn đới. Trái cây nhiều và độc đáo. Riêng đào đã có mấy loại. Đào Hmông đỏ ửng, cùi dày, giòn thơm. Đào vàng ngọt thanh, cùi vàng. Đào Vân Nam đỏ mọng, cùi tơi như dưa bở. Và mận cũng đủ loại: mận tím, mận đỏ, mận vàng.
Bên những con đường rừng, hoa phong lan từng chùm, thơm thoang thoảng dẫn du khách đến thắng cảnh Thác Bạc, trắng xoá một dòng nước từ trên đỉnh núi lao xuống vực sâu, toả mát một vùng. Rừng thông mượt mà, yên ả. Động Thuỷ Cung u tĩnh, thạch nhũ lắm hình thù. Cổng Trời cao chót vót. Hang gió không dứt tiếng vi vu.
Sa Pa cũng làm hài lòng những người ham thích tìm hiểu thực vật và động vật rừng núi đá. Nhiều cánh rừng già còn khá đủ loại gỗ quý: đinh, lim, sến, táu, gụ, trắc, hoàng đàn. Trong rừng là vườn chim thú quý và hiếm: công, trĩ, gà lôi, hồng hoàng, đại bàng đất và cá voi, hổ, báo, gấu, trâu rừng. Trên mảnh đất màu mỡ có khí hậu mát dịu đó, ngày nay, mọc lên đủ các loại vườn lớn làm giàu làm đẹp cho Tổ quốc ta: trại trồng cây thuốc, trạm thí nghiệm trồng hoa...
Sa Pa, thiên nhiên đặc sắc đang được con người Việt Nam tái tạo, cứ từng ngày được trau chuốt để xứng đáng là viên ngọc vùng biên giới.
(Theo Lãng Văn, trong văn miêu tả tuyển chọn, NXB Giáo dục, 2001)
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Văn bản thuyết minh trong đời sống con người
a) Văn bản Cây dừa Bình Định
- Văn bản này trình bày sự gắn bó của cây dừa Bình Định với người dân nơi đây và những ích lợi của nó đối với cuộc sống của con người.
- Đây là loại văn bản thường xuất hiện trong các bài viết, bài nói giới thiệu về sản vật hoặc cây cối tiêu biểu của từng địa phương.
b) Văn bản Tại sao lá cây có màu xanh lục?
- Văn bản này giải thích nguyên nhân vì sao ta lại nhìn thấy lá cây có màu xanh lục.
- Đây là loại văn bản thường xuất hiện trong các bài viết, bài nói mang tính chất phổ biến khoa học, dùng để giải thích một hiện tượng nào đó của tự nhiên rất phổ biến quanh ta nhưng còn nhiều người lại chưa hiểu, chưa rõ.
c) Văn bản Huế
Văn bản này giới thiệu với bạn đọc về mảnh đất cố đô, một trung tâm văn hoá nghệ thuật lớn của đất nước Việt Nam, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng có sức quyến rũ đối với mọi người cũng như truyền thống đấu tranh kiên cường của người dân xứ Huế.
2. Đặc điểm chung của văn bản thuyết minh
a) Xác định đặc điểm của ba văn bản
- Không phải là văn bản tự sự vì các văn bản đó không viết về sự việc, diễn biến, hành động, nhân vật trong thời gian, không gian.
- Không phải là văn bản miêu tả vì các văn bản đó không trình bày tỉ mỉ, chi tiết sự vật, hiện tượng tồn tại trong thực tiễn, giúp người đọc, người nghe cảm nhận được sự vật, hiện tượng như bản thân nó vốn có.
- Không phải là văn bản nghị luận vì các văn bản đó không trình bày bằng lí lẽ, luận điểm, những suy luận mà bằng những tri thức khoa học.
Các văn bản đó đều là văn bản thuyết minh và các văn bản này dùng việc giải thích, thuyết minh, hướng dẫn cho bạn đọc hiểu bằng tri thức khoa học, bằng cơ chế, bằng quy luật của sự vật, hiện tượng...
b) Đặc điểm chung của ba văn bản
- Nội dung văn bản là các tri thức khách quan.
- Nhằm mục đích cung cấp tri thức có tính chất thực dụng.
c) Phương thức trình bày văn bản
- Trình bày khách quan, mang chất trí tuệ, khoa học.
- Không đòi hỏi gọt giũa câu chữ bóng bảy theo cách của các tác phẩm văn học.
- Trình bày dễ hiểu, rõ ràng, không đòi hỏi giàu cảm xúc. Tuy vậy nếu viết hay thì sẽ lôi cuốn, hấp dẫn người đọc hơn.
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Để có thể xác định đúng văn bản nào là văn bản thuyết minh có trong phần Luyện tập này, các em cần lưu ý một số đặc điểm của văn bản thuyết minh giống và khác so với những loại văn bản đã được học, đặc biệt là văn bản miêu tả. Dưới đây là một số điểm phân biệt giữa văn bản thuyết minh và văn bản miêu tả:
- Giống nhau: Cùng hướng đến việc làm nổi bật những đặc điểm cơ bản nhất của đối tượng, ví dụ như: hình dáng bên ngoài, màu sắc, kích cỡ, giá trị, công dụng,...
- Khác nhau:
+ Văn bản thuyết minh: Trình bày trung thành với những đặc điểm cơ bản của đối tượng, phản ánh một cách khách quan, bảo đảm tính chính xác, khoa học, đơn nghĩa nhằm giúp người đọc hiểu được đối tượng một cách đúng đắn, chi tiết, đầy đủ. Nội dung của văn bản thuyết minh không phải là nội dung hư cấu, tưởng tượng mà cần phải luôn phản ánh đúng đắn nhất, chân thực nhất về đối tượng. Thường được viết theo một khuôn mẫu nhất định.
+ Văn bản miêu tả: Phản ánh đặc điểm cơ bản của đối tượng nhưng trong công việc trình bày có hư cấu, tưởng tượng, không buộc phải phản ánh một cách tuyệt đối chính xác, khoa học. Trong cách viết, văn miêu tả chấp nhận cách viết đa nghĩa, không mang tính khuôn mẫu.
Dựa vào đặc điểm này của văn bản thuyết minh, các em sẽ tiến hành giải quyết các bài tập trong sách.