I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG.

Thuyết minh về một thể loại văn học là một loại thuyết minh khó. Bởi lẽ, muốn rút ra được những nhận thức quan trọng để thuyết minh, các em phải có một số hiểu biết nhất định về thơ: luật bằng - trắc, vần, niêm, đối, nhịp,... Chỉ có như vậy, việc thuyết minh của các em mới có kết quả. Luật bằng - trắc, vần, niêm, đối, nhịp,... chính là những công cụ, phương tiện để các em khám phá, nhận thức thơ nói chung và thơ Việt Nam nói riêng.

Dùng công cụ trên, các em sẽ quan sát, khám phá và phát hiện đặc điểm của hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn. Các em sẽ phát hiện ra:

- Đây là thể thơ thất ngôn bát cú (mỗi dòng bảy tiếng, mỗi bài tám dòng thơ).

- Nhịp thơ thường là 4/ 3:

Bủa tay ôm chặt / bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan / cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn, / còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm / sợ gì đâu.

(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác)

Tháng ngày bao quản / thân sành sỏi,

Mưa nắng càng bền / dạ sắt son.

Những kẻ vá trời / khi lỡ bước,

Gian nan chi kể / việc con con.

(Đập đá ở Côn Lôn)

Khi đọc một dòng thơ, sau một số tiếng nhất định, có nghĩa, các em dừng lại một chút trước khi đọc hết dòng thơ. Chỗ ngừng đó là những chỗ ngắt nhịp trong dòng thơ.

- Kí hiệu các thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng) là T, và các thanh bằng (ngang, huyền) là B. Sự luân phiên bằng trắc trong hai bài thơ được cụ thể hoá như dưới đây:

VÀO NHÀ NGỤC QUẢNG ĐÔNG CẢM TÁC

T-B-B-T/-T-B-B

T-T-B-B/-T-T-B

T-T-B-B/-B-T-T

T-B-T-T/-T-B-B

T-B-B-T/-B-B-T

T-T-B-B/-T-T-B

B-T-T-B/-B-T-T

B-B-B-T/-T-B-B

ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN

B-B-T-T/-T-B-B

B-T-B-B/-T-B-B

T-T-T-B/-B-T-T

B-B-T-T/-T-B-B

T-B-B-T/-B-B-T

B-T-B-B/-T-T-B

T-T-T-B/-B-T-T

B-B-B-T/-T-B-B

Dựa vào luân phiên B-T này các em có thể tìm ra niêm và đối trong bài thơ:

- Niêm (dính nhau): Tiếng dòng trên và tiếng tương ứng dòng dưới đều B. Ví dụ:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

(làm / lừng: niêm với nhau)

- Đối: Tiếng dòng trên B và tiếng tương ứng dòng dưới T. Ví dụ, trong hai dòng thơ dẫn trên thì trai/ lẫy đối với nhau.

II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

Tham khảo để viết bài thuyết minh về Thơ thất ngôn bát cú.

THƠ THẤT NGÔN

a) Thơ thất ngôn Đường luật có niêm luật (tức sự quy định thanh bằng, thanh trắc trong từng câu, từng bài) rất chặt. Nếu tiếng thứ hai của câu đầu có thanh bằng thì thơ thuộc thể bằng, tiếng thứ hai thanh trắc là thể trắc.

Ví dụ:

- Thể bằng: Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom

– Thể trắc: Tạo hoá gây chi cuộc hí trường

Thể trắc được coi là chính thể, còn thể bằng là biến thể.

b) Các câu trong bài lại phải dính với nhau, người ta gọi là niêm. Bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc theo một hệ thống như sau:

Tiếng thứ hai câu I niêm với tiếng thứ hai câu VIII.

Tiếng thứ hai câu II niêm với tiếng thứ hai câu III.

Tiếng thứ hai câu IV niêm với tiếng thứ hai câu V.

Tiếng thứ hai câu VI niêm với tiếng thứ hai câu VII.

Tóm lại: nhất – bát, nhị - tam, tứ - ngũ, lục – thất.

c) Thơ thất ngôn Đường luật chỉ dùng vần bằng và chỉ được gieo một vần (độc vận), thông thường thì bài bốn câu (tứ tuyệt) là ba vần, bài tám câu (bát cú) là năm vần, trừ biệt lệ.

– Biệt lệ về luật bằng trắc (gọi là lệ bất luận):

Nhất tam ngũ bất luận tức là tiếng đầu, tiếng thứ ba, tiếng thứ năm trong câu không kể bằng trắc, mà vẫn không coi là thất luật.

- Biệt lệ về cách trốn vần:

Muốn trốn vần thì hai câu trốn vần đó (tức hai câu đầu) phải đối nhau (gọi là song phong).

Ví dụ :

Lờ đờ mắt trắng đời không bạn

Lận đận đầu xanh tuổi đã già...

Một bài bát cú trốn vần phải có sáu câu đối nhau.

d) Dưới đây là bảng niêm luật, vần luật của thể thơ thất ngôn Đường luật (có dựa vào biệt lệ)

– Thể trắc thất ngôn bát cú.

Ví dụ :

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

(Bà Huyện Thanh Quan)

- Thể bằng thất ngôn bát cú:

Ví dụ:

THU ĐIẾU

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

(Nguyễn Khuyến)

Xét về mặt bố cục, bài thơ thất ngôn cách luật có bốn phần (đề, thực, luận, kết):

+ Đề gồm câu phá đề và thừa đề. Đây là phần mở bài, chuẩn bị không khí cho toàn bài.

+ Thực gồm hai câu III và IV đối nhau. Đây là phần triển khai ý từ câu thừa đề, như tả cảnh, tả việc, diễn ý, cắt nghĩa, chuẩn bị cho câu luận, hoặc đã ngầm có ý luận ở trong.

+ Luận gồm hai câu V và VI đối nhau, có chức năng bình luận, nhận định, thông thường triển khai từ những ý ở hai câu thực, và có khi lẫn lộn với hai câu thực.

+ Kết gồm hai cầu VII và VIII có chức năng khép bài, nhưng thông thường là gợi ý, mở ra một ý mới khiến người đọc bâng khuâng,...

Chú ý: Lối ngắt nhịp trong câu thơ thất ngôn bát cú Đường luật theo dạng 4/3, hoặc 2/2/3, tạo nên một nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, mềm mại. Thể thơ bảy tiếng cổ truyền ngắt theo nhịp 3/4 hoặc 3/ 2/2, kết hợp với lối hiệp vần hỗn hợp cả bằng lẫn trắc, cả vần chân lẫn vần lưng, tạo nên nhịp điệu câu thơ khoẻ.

(Đinh Trọng Lạc, Tiếng Việt 11, SGV, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000)

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Lập dàn bài thuyết minh đặc điểm của truyện ngắn (Dựa vào một số truyện ngắn đã học như: Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng).

a) Mở bài

Nêu định nghĩa truyện ngắn:

Ví dụ: “Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ... tập trung mô tả một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội”.

b) Thân bài

Nêu các đặc điểm chính của truyện ngắn:

- Đặc điểm về dung lượng: số trang viết ít, không dài.

Chỉ ra đặc điểm này trong ba truyện ngắn Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng.

– Đặc điểm về sự kiện, nhân vật: ít nhân vật và sự kiện vì dung lượng truyện ngắn không lớn. Thường đó chỉ là một hoặc hai nhân vật với vài ba sự kiện nhỏ.

Phân tích Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng để thấy rõ hơn và cụ thể hơn về điều này.

- Đặc điểm về cốt truyện:

+ Diễn ra trong một khoảng không gian và thời gian hẹp.

+ Không kể trọn vẹn quá trình diễn biến của đời người mà thường chỉ chọn một thời đoạn, thời điểm hay một khoảnh khắc nào đó để trình bày.

Tiếp tục phân tích ba tác phẩm trên.

- Ý nghĩa :

Truyện tuy ngắn, dung lượng tuy không nhiều nhưng không phải vì thế ý nghĩa xã hội của truyện ngắn không lớn. Có những truyện độ dài không lớn nhưng ý nghĩa xã hội lại hết sức sâu sắc.

Chỉ ra ý nghĩa xã hội lớn lao của ba tác phẩm Tôi đi học, Lão Hạc và Chiếc lá cuối cùng.

c) Kết bài

Nêu cảm nhận của bản thân:

– Về vẻ đẹp, về sức hấp dẫn của truyện ngắn.

- Phù hợp với cuộc sống lao động khẩn trương trong giai đoạn hiện nay.