I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Bài này yêu cầu các em cần nắm chắc những nội dung sau đây:
- Thế nào là nói giảm nói tránh?
- Vấn để vận dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh trong giao tiếp.
1. Thế nào là nói giảm nói tránh?
- Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
- Biện pháp tu từ này có phần ngược với biện pháp tu từ nói quá đã học ở bài trước. Đây là một cách diễn đạt tránh né, không nói thẳng, nói toạc ra, nhằm đảm bảo tính chất lịch sự, trang nhã. Khi phải đề cập đến những sự vật, hiện tượng mà nếu gọi đúng tên thì không tiện và thô hoặc dễ gây cảm giác khó chịu (đau khổ, ghê sợ, nặng nề,...) hoặc dễ xúc phạm đến người nghe. Ví dụ, nói đến một người đã chết bằng những cách nói như: mất, qua đời, không còn nữa, khuất núi, quy tiên, từ trần, tạ thế, đi xa,... là nói giảm nói tránh khỏi gây nỗi đau xót cho người đối thoại. Ngoài những cách nói quen thuộc trong khẩu ngữ sinh hoạt của nhân dân nói trên, còn có những cách nói, cách diễn đạt rất phong phú, đa dạng, sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ khi nói về cái chết. Dưới đây là một số ví dụ:
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời.
(Tố Hữu)
Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền.
(Tố Hữu)
Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày
Bác Hồ từ giã cõi Hôm nay
Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng
Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay...
(Tố Hữu)
Đã ngừng đập, một trái tim
Đã ngừng đập, một cánh chim đại bàng.
(Thu Bồn)
Làng trên xóm dưới xôn xao
Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi!
(Tố Hữu).
Bà “về” năm đói, làng treo lưới
Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào...
(Tố Hữu)
Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi.
(Tố Hữu)
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
(Nguyễn Khuyến)
Bác ra tàu trước, đệ còn khoan.
(Tú Mỡ)
2. Vấn đề vận dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh trong giao tiếp
Trong giao tiếp thông thường, cần có ý thức vận dụng biện pháp nói giảm nói tránh khi cần thiết, để thể hiện thái độ lịch sự, nhã nhặn của người nói, sự tôn trọng của người nói đối với người nghe, thể hiện phong cách nói năng đúng mực của con người có giáo dục, có văn hoá. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là khi cần thiết phải nói thẳng, nói đúng sự thật thì không nên tránh né, không nên nói giảm nói tránh vì như thế là bất lợi. Trong những tình huống như vậy, người nghe cần biết rõ sự thật, cho nên cần thiết phải nói rõ sự thật. Tóm lại, việc vận dụng biện pháp nói giảm nói tránh cũng cần phải linh hoạt, đúng lúc, đúng chỗ.
II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Em lần lượt thử điền từng từ ngữ nói giảm nói tránh vào mỗi chỗ trống; nếu tạo ra câu có nội dung thích hợp thì điền được. Kết quả điền cụ thể như sau :
- Câu (a): đi nghỉ.
- Câu (b): chia tay nhau.
- Câu (c): khiếm thị.
- Câu (d): có tuổi.
- Câu (e): đi bước nữa.
2. Em đọc kĩ từng cặp câu, so sánh hai cách diễn đạt, xem cách nào diễn đạt tế nhị, nhẹ nhàng, “dễ nghe” hơn – cách diễn đạt đó đã sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh (và ngược lại).
Đáp án :
- Các câu có sử dụng cách nói giảm nói tránh: a, b, c, d, e,...
-Các câu không sử dụng cách nói giảm nói tránh: a, b, c, d, e,.
3. Dựa vào câu mẫu đã cho trong SGK (Bài thơ của anh chưa được hay lắm.), em đặt năm câu nói về các nội dung khác nhau do em tự chọn. Em tham khảo một số câu sau:
- Nó thấp lùn. → Nó chưa được cao lắm.
-Con dạo này hư lắm. → Con dạo này chưa được ngoan lắm.
-Anh nói sai rồi. → Anh nói chưa đúng lắm.
- Sức khoẻ của nó kém lắm. → Sức khoẻ của nó không được tốt lắm.
- Bạn ấy chậm chạp lắm. → Bạn ấy chưa được nhanh nhẹn lắm.
4. Em đọc lại mục 2 (Vấn đề vận dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh trong giao tiếp) ở trên, rồi nêu cụ thể các trường hợp, các tình huống không nên nói giảm nói tránh.
Ví dụ :
- Nói về những khuyết điểm của bạn (như: bỏ trực nhật lớp, mặc dù đã được phân công; nghỉ học không có lí do; nói tục, chửi bậy; đánh nhau; thiếu lễ độ với thầy (cô) giáo,...) trong cuộc họp lớp tổng kết đợt thi đua.
- Giáo viên chủ nhiệm nói với phụ huynh học sinh về ưu điểm, nhược điểm của một học sinh nào đó trong lớp.