I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nguyên Hồng (1918 - 1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyên Hồng sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng. Ông viết nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ. Ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Các tác phẩm chính của Nguyên Hồng: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938), Những ngày thơ ấu (hồi kí, 1938), Trời xanh (tập thơ, 1960), Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976), Núi rừng Yên Thế (bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập chưa viết xong), Bước đường viết văn (hồi kí,1970).
2. Tóm tắt văn bản
Vì hoàn cảnh bố chết, mẹ đi làm ăn xa, bé Hồng phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm. Người cô nói chuyện với bé Hồng. Bà tìm mọi cách để chia lìa tình mẹ con. Nhưng bé vẫn luôn luôn thương nhớ, kính yêu mẹ. Rồi bé được gặp mẹ mình với những cảm giác sung sướng khi thoáng thấy bóng mẹ, đặc biệt là niềm hạnh phúc vô bờ khi được mẹ ôm vào lòng và được hưởng những cảm giác ấm áp, hạnh phúc.
3. Trong lòng mẹ là câu chuyện cảm động về tình mẹ con. Người cô đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm chia rẽ tình mẹ con, với ý đồ làm cho bé Hồng khinh miệt, xa lánh, hờn giận mẹ; nhưng những rắp tâm tanh bẩn ấy không thể xâm phạm đến tình cảm thiêng liêng của bé Hồng với mẹ. Bé đã gặp lại người mẹ và vô cùng hạnh phúc khi được ở trong lòng mẹ.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Em hãy chú ý đến thái độ cười hỏi của bà cô. Bà ta đã cố tình khoét sâu hố ngăn cách giữa mẹ và con, làm cho chú bé đau đớn vì hoàn cảnh của mẹ. Mặc dầu bé Hồng đã phát khóc, nước mắt ròng ròng nhưng bà cô vẫn tươi cười kể chuyện, cố ý làm cho bé đau khổ, giận dỗi mẹ. Có thể nói bà cô là người có “rắp tâm tanh bẩn”, là người có ý đồ xấu, muốn bé Hồng xa lánh, khinh miệt mẹ mình. Bé Hồng đã nhận ra vẻ rất kịch của người cô, ra vẻ quan tâm, nhưng nhằm mục đích xấu,...
2. Bé Hồng không bị những lời thâm hiểm của người cô làm xa cách tình mẹ con. Càng biết hoàn cảnh của mẹ, Hồng càng thương mẹ hơn. Biểu hiện rõ nhất là chú bé cố kìm nén tình cảm nhưng “nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Hồng muốn nghiền nát những cổ tục đã hành hạ mẹ mình. Chú vẫn tin tưởng, kính yêu mẹ. Đặc biệt là Hồng chỉ thoáng thấy bóng đã nhận ra đúng mẹ mình, rồi líu ríu chạy theo. Khi ở trong lòng mẹ, Hồng đã cực kì sung sướng. Sung sướng đến nỗi ù cả tai, và quên hết những lời gièm pha của người cô.
3. Văn của Nguyên Hồng giàu chất trữ tình vì :
- Tình huống câu chuyện dễ làm cho người con oán trách mẹ mình, nhưng tình cảm của người con vẫn không thay đổi, vẫn tràn đầy niềm yêu thương kính trọng mẹ. Người con ao ước phá tan mọi cổ tục để cho mẹ không bị đau khổ.
- Dòng cảm xúc của nhân vật được thể hiện mãnh liệt qua những dòng miêu tả nghẹn ngào, đầy nước mắt. Sự căm giận, sự xót thương, sự đau khổ và niềm hạnh phúc đều ở đỉnh điểm.
- Cách thể hiện giàu cảm xúc, hình ảnh so sánh gây ấn tượng mạnh, giàu sức gợi cảm. Lời văn ở đoạn cuối dào dạt tình cảm, mê say.
III – THAM KHẢO
Chỉ cần kể lại, ghi lại một cuộc trò chuyện, đối thoại mà Nguyên Hồng vừa khắc hoạ được bức chân dung tiêu biểu cho một hạng người, vừa bộc lộ thái độ xã hội dứt khoát, quyết liệt của mình. Bằng mấy câu nói, có kèm theo vài chi tiết gợi tả giọng điệu, cử chỉ, nhà văn dựng lại khá sinh động chân dung nhân vật bà cô. Nhân vật này chẳng những tiêu biểu cho hạng đàn bà "miệng nam mô, bụng bồ dao găm", mà còn là hiện thân của cái thành kiến cổ hủ, phi nhân đạo của xã hội ngày đó. Thuật lại quá trình diễn biến tâm trạng của bé Hồng, từ chỗ nín nhịn, ghìm nén tới sự bùng nổ của niềm xót xa, uất hận, Nguyên Hồng nói to lên nỗi bất hạnh của phụ nữ và trẻ em trong xã hội cũ, qua đó kết án đanh thép sự tàn nhẫn, bất công của xã hội ấy.
(La Khắc Hoà, trong Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học 8, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999)