Bài làm
Quê tôi là một vùng thôn quê nghèo, đất đai cằn cỗi. Dân làng tôi quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn nghèo. Đặc biệt cái nóng như trang của gió Lào mùa hạ tưởng như có thể luộc chín người ta. Có lẽ vì thế mà người quê tôi đều tìm cách thoát li khỏi quê để tìm cuộc sống dễ chịu, an toàn hơn.
Cha tôi không phải thuộc những người ấy, nhưng ông cũng rời xa quê đến ba mươi năm. Hồi trẻ, ông đi bộ đội. Đơn vị ông đóng quân ở Thái Nguyên. Cha tôi quen một cô cán bộ Hội phụ nữ huyện. Họ thương nhau. Rồi một lễ cưới giản dị được tổ chức.
Khi mẹ tôi đang mang thai tôi thì cha tôi lại lên đường ra mặt trận phía Nam. Mẹ tôi vẫn công tác ở Thái Nguyên. Bà xin cơ quan một mảnh đất và dựng một căn nhà nho nhỏ.
Bằng bẵng suốt 20 năm trời, cha tôi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Rồi chiến tranh kết thúc, cha tôi trở về. Cha tôi trở về gặp lại vợ con khi tóc người đã điểm bạc, còn tôi đã là sinh viên của một trường sư phạm. Gặp lại mẹ con tôi, cha tôi mừng lắm. Nhưng không hiểu sao, chỉ được một tháng sau ngày trở về, cha tôi bàn với mẹ tôi chuyển về quê ở Nghệ An. Mẹ tôi không đồng ý. Cha tôi cũng không ép, nhưng ông có vẻ buồn lắm. Ông trở nên ít nói và sống lặng lẽ hơn.
Ba năm sau ngày trở về, vết thương cũ của cha tôi hồi ở chiến trường tái phát. Cha tôi đổ bệnh rồi qua đời. Trước khi giã từ cuộc sống để trở về nơi cát bụi, cha tôi để lại một lời trăng trối tha thiết:
- Khi nào tắm rửa cho cha, con hãy đem hài cốt cha về chôn tại quê nhà. Con hãy hứa với cha đi, có như vậy cha mới yên lòng mà nhắm mắt.
- Con... xin... hứa...! Tôi trả lời trong tiếng nức nở nghẹn ngào.
Trong lúc đau thương tột đỉnh, tôi vẫn nhận thấy ánh mắt cha tôi ánh lên một thứ ánh sáng lạ kì mà tôi chưa từng thấy. Rồi cha tôi trút hơi thở cuối cùng.
Ba năm sau, theo di nguyện của cha, tôi đem hài cốt ông chôn cất tại quê nhà.
Đây là lần đầu tiên tôi về quê mà tại sao cái gì cũng rất thân quen. Từ con đường làng đầy bùn đất, đến những tràng cát ven biển, những rặng phi lao chắn bão, những con sò, con ốc... tất cả những thứ đó dường như tôi đã gặp từ rất lâu rồi. Chị gái họ đưa tôi ra biển tắm. Biển quê hương âu yếm ôm tôi vào lòng, vỗ về tôi...
Có một sợi dây vô hình nào đó gắn bó tôi với làng quê mình mà tôi không nhìn thấy, giờ đây, tôi cảm nhận rất rõ. Tôi bỗng hiểu vì sao cha tôi muốn về sống những ngày cuối đời ở quê. Vì sao cha tôi muốn tôi đưa hài cốt ông về chôn cất tại quê nhà. Thì ra cái tình quê âm ỉ cháy dai dẳng suốt mấy chục năm trong lòng người con xa quê. Cái tình quê sâu nặng ấy làm nên tình yêu Tổ quốc để ông có thể dũng cảm từ biệt quê hương, chiến đấu cho Tổ quốc. Và khi đã làm tròn bổn phận công dân, cái tình quê ấm áp ấy lại thôi thúc ông trở về.
Cha ơi, cha hãy yên lòng nằm nghỉ giữa làng quê mình. Cảm ơn cha đã cho con hiểu thế nào là tình nhà, tình quê, nghĩa nước. Tôi thầm thì khe khẽ.