Bài làm
Đi từ Bắc vào Nam, ta qua bao miền đất nước. Mỗi miền là một bức tranh thiên nhiên. Lạng Sơn với động Tam Thanh, gợi những huyền thoại, sông Kì Cùng hiền hoà, Bắc Cạn với hồ Ba Bể nên thơ, huyền ảo, Nghệ An với dòng sông Lam uốn khúc quanh co trắng xoá, với non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ; Huế với dòng sông Hương mơ màng, núi Ngự Bình trầm tư soi bóng trên dòng sông, Đồng Nai với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, rập rờn sóng lúa, với những con kênh xanh xanh rợp bóng dừa, bóng xoài, bóng nhãn...
Bao nhiêu mảnh đất khác nhau là bấy nhiêu bức tranh thiên nhiên diễm lệ. Nhưng có lẽ đẹp hơn cả vẫn là “Đệ nhất kì quan Phong Nha”.
Dù chưa một lần đến Phong Nha, ta vẫn phần nào cảm nhận được chắc hẳn đây phải là nơi có một cảnh quan kì lạ vào hấp dẫn vào bậc nhất của Việt Nam, nếu không làm sao có thể được phong là “đệ nhất kì quan”, làm sao có thể được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới?
Nhưng đó là sự cảm nhận bằng lí trí, bằng khả năng tư duy vốn có của con người. Sự cảm nhận ấy dù sao cũng là những hình ảnh mờ mờ, không rõ nét. Sự cảm nhận về vẻ đẹp của động Phong Nha thực sự trở nên rõ ràng và cụ thể khi ta tiếp xúc với bài văn Động Phong Nha của Trần Hoàng.
Ngòi bút thuyết minh, miêu tả chân thực, giản dị, nhưng cũng đầy chất tạo hình, chất thơ của Trần Hoàng đã dẫn dắt người đọc vào thế giới tiên cảnh đầy kì ảo, bí ẩn và lung linh sắc màu của cảnh quan Phong Nha.
Theo dòng cảm xúc của Trần Hoàng, ta đến với một miền rừng núi phía tây tỉnh Quảng Bình với những cánh rừng nguyên sinh rộng bạt ngàn, với dòng sông Son nước xanh thắm, trong vắt, với những xóm làng, nương ngô, bãi mía trù phú. Nằm giữa miền thiên nhiên thơ mộng ấy là động Phong Nha.
Đầu tiên ta bước vào Động Khô. Chao ôi, một kiệt tác của thiên nhiên khiến ta sững sờ: những vòm đá vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh, Trần Hoàng chỉ đưa một nét vẽ vào bức tranh đã làm hiện ra một mảnh Phong Nha lóng lánh sắc màu và gợi nhiều cảm xúc. Động Khô thật đẹp và hấp dẫn nhưng không đủ sức níu kéo bước chân du khách dừng lại lâu. Âm thanh rì rầm của dòng sông chảy suốt ngày đêm ở phía dưới 200 mét như một lời mời mọc êm ái đầy quyến rũ, kéo bước chân du khách bước vào Động Nước. Chỉ việc đi vào Động Nước bằng thuyền và mang theo đèn đuốc cũng đã gợi bao tò mò nơi du khách Việt Nam. Phải chăng trong cái hang động sâu thẳm dài hơn 1500m kia có bao điều kì lạ và bí ẩn?
Quả thực, người đọc thật sự kinh ngạc và thích thú cùng với sự kinh ngạc và thích thú của Trần Hoàng. Dưới ngòi bút của Trần Hoàng, động Phong Nha hiện ra với một vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo; Dưới ánh sáng lung linh của đèn đuốc, các khối thạch nhũ hiện lên đủ hình khối, màu sắc. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành đốt trúc dựng đứng trên mặt nước... Lại có khối mang hình mâm xôi, cái khánh, hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ... Bàn tay tài hoa của tạo hoá khéo tạo cho các khối thạch nhũ không chỉ đẹp về đường nét mà còn rất huyền ảo về sắc màu, một sắc màu lóng lánh như kim cương không bút nào lột tả hết. Đây đó, trên vách động còn rủ xuống những nhành phong lan xanh biếc...
Có lẽ chưa có một hang động nào đẹp lộng lẫy đến thế. Vẻ đẹp vừa có nét hoang sơ bí hiểm, lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Đúng là một thế giới tiên cảnh như nhà văn đã nhận xét.
Cùng với hình khối và sắc màu, vẻ đẹp của động Phong Nha còn được tạo nên bởi những âm thanh rất đặc biệt. Một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt. Thật là kì thú!
Vẻ đẹp của động Phong Nha có nét đặc sắc, độc đáo riêng không trộn lẫn với vẻ đẹp của bất cứ hang động, cảnh quan nào. Hơn nữa, “Thế giới tiên cảnh” của Phong Nha lại trải dài tới hơn 1500m. Hơn 1500m với 14 buồng nối nhau bởi một hành lang chính và nhiều hành lang phụ. Ta có cảm giác như lạc vào một cung điện nguy nga lộng lẫy trong các câu chuyện cổ tích. Và thú vị hơn là cung điện ấy lại nằm trên một dòng sông ngầm chảy suốt đêm ngày, bên trên nó là những khối đá vôi với những cánh rừng nguyên sinh. Thế mà theo tác giả hang động phía sâu bên trong (nơi mới chỉ có vài đoàn thám hiểm với các phương tiện cần thiết đặt chân tới), cùng các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nguyên sinh 40000 ha vẫn còn là nơi cất giấu bao điều huyền bí thú vị, hấp dẫn mà con người chưa biết hết. Và nếu những bí mật ấy được khám phá thì Phong Nha còn kì ảo và hấp dẫn đến mức nào?
Để khẳng định vẻ đẹp của Phong Nha, tác giả đã dẫn ra nhận xét của nhà thám hiểm Hao–ớt Lim-Be trưởng đoàn thám hiểm hội địa lí Hoàng gia Anh: Với kinh nghiệm của hơn 60 năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới.
Cảm ơn nhà văn Trần Hoàng đã cho người đọc được chiêm ngưỡng một kiệt tác có một không hai của tạo hoá trên mảnh đất thân yêu của chúng ta.