Bài làm
Chúng ta vẫn thường nghe: Mía - Cu Ba, Bạch Dương - Nga, Bồ Đề- Ấn Độ, Đại (Chăm Pa) – Lào, Thốt Nốt – Căm Pu Chia, Dừa – Inđônêxia, Bungari – xứ sở hoa hồng và Nhật Bản là đất nước của hoa Anh Đào.. Hình như, mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều chọn một loài cây hoặc một loài hoa riêng để làm biểu tượng. Đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta từ bao đời nay, đã chọn cây Tre là loại cây tượng trưng tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách tinh hoa của dân tộc,
Tre xanh, xanh tự bao giờ?
Từ ngàn xưa đã có bờ tre xanh,
...Mai sau, mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh...
(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)
Nói tre chính là nói về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đó chính là vẻ đẹp nhân hoá trong bài văn của Thép Mới đó sao?
Còn gì đẹp hơn hình ảnh nhân hoá mà Thép Mới đã sử dụng trong câu dẫn của bài văn: cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam. Điệp từ “bạn thân” được láy lại hai lần đưa “cây tre” lên ngang tầm con người, hơn thế nữa còn có mối quan hệ bạn bè thân thiết keo sơn với con người. Ở đâu có con người là ở đấy có tre, đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn. Đọc đến đây ta bỗng hiểu ra cái ý vị sâu sắc: Cây tre chính là con người Việt Nam, là tượng trưng cho dân tộc Việt Nam. Có thể nói rằng hiếm có loại cây nào trên đất nước ta lại tụ hội được nhiều phẩm chất cao quí như cây tre. Và cũng không nhiều dân tộc trên Thế giới tập trung những khí phách phong phú độc đáo như dân tộc chúng ta! Nguyễn Duy cũng đã cảm nhận được điều này trong thơ của mình:
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
(Tre Việt Nam)
Tre đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ về người nông dân Việt Nam với bao đức tính cần cù, siêng năng kiên nhẫn chịu khó... Chưa hết, ca ngợi chí khí hiên ngang tinh thần bất khuất của dân tộc, Nguyễn Duy đã sử dụng một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp:
Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
(Tre Việt Nam)
Phải chăng đó là nhân cách cứng cỏi của dân tộc Việt Nam? Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tre đã kề vai sát cánh với con người để bảo vệ quê hương, đất nước. Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta...Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù...Tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Chính trong hoàn cảnh chiến đấu, tre bộc lộ nhiều phẩm chất cao quí: Thẳng thắn, bất khuất vì ta mà đánh giặc. Phẩm chất đó là của ai? Chẳng ai khác, chính là phẩm chất của dân tộc Việt Nam. Cái hay ở chỗ là Thép Mới chỉ nói đến tre thôi mà người đọc vẫn cảm nhận được đó là con người!
Không phải chỉ trong chiến đấu tre mới bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp mà trong cuộc sống lao động đời thường tre cũng bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp, ăn sâu vào máu thịt của dân tộc. Thông qua nghệ thuật nhân hoá rất tinh tế của nhà văn, Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Suốt một cuộc đời tre gắn bó với con người sống chết có nhau, chung thuỷ. Tre còn giúp người trăm công nghìn việc khác nhau:
Cánh đồng ta năm đôi ba vụ
Tre với người vất vả quanh năm
Bởi vậy tre đã được tôn vinh đất nước mức độ cao nhất: Tre anh hùng lao động! Tre anh hùng chiến đấu!
Sau những năm tháng chiến đấu tàn khốc, cây tre đã xả thần vì dân tộc Việt Nam, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng: giữ nước. Giờ đây trở về với cuộc sống bình yên, tre lại mang một nét đẹp văn hoá của dân tộc. Hình ảnh khúc nhạc đồng quê, trong tiếng sáo diều bay lưng trời: Biểu lộ những rung động cảm xúc, những tiếng nói tâm tình của con người. Đó chẳng phải là biểu tượng tinh thần của dân tộc đó sao?
Từ hình ảnh măng non trên phù hiệu ở đội viên thiếu niên, tác giả đưa người đọc tới những suy nghĩ về cây tre trong tương lai của đất nước: khi đi vào công nghiệp hoá thì cây tre là biểu tượng của dân tộc nữa hay không? Tác giả đã gợi mở ra một hướng suy nghĩ đúng đắn: Các giá trị văn hoá và lịch sử của cây tre sẽ vẫn còn sống mãi trong đời sống của người Việt Nam, tre vẫn là người bạn đồng hành thuỷ chung của dân tộc ta trên con đường phát triển. Bởi vì tất cả những giá trị và phẩm chất của nó, cây tre đã thành “tượng trưng cao quí của dân tộc Việt Nam”.
Cây tre Việt Nam, Thép Mới đã sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hoá. Tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam, là tư tưởng xuyên suốt toàn bài. Với vẻ đẹp nhân hoá, những phẩm chất cao quí của dân tộc Việt Nam đã hiện lên bình dị qua hình ảnh cây tre. Nhà văn không lên gân, không hề hô khẩu hiệu mà bài văn vẫn có sức truyền cảm sâu sắc và thấm thía tới người đọc: Cây tre đã trở thành biểu tượng của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.