Bài làm

Đêm trước trận đánh Mùa hè năm 1942, Hít le tập trung lực lượng tấn công khu vực sông Vôn-ga và vùng Cáp-ca-dơ, trọng tâm là thành phố Xta-lin-grát. Việc giữ Xta-lin-grát trở thành “nút sống” của Tổ quốc Xô-Viết. Hàng triệu thanh niên đã được bổ sung vào các đơn vị Hồng quân.

Tôi cùng một số nhà báo trẻ rời trụ sở Hội nhà báo ở Mat xcơ-va, khoác ba lô lên vai hành quân đến vùng chiến tuyến ác liệt ấy. Chúng tôi có nhiệm vụ ghi lại hình ảnh quả cảm của hững người lính Xô-Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này, ghi lại những thời khắc lịch sử trọng đại này.

Đến mặt trận, chúng tôi được điều về các đơn vị Hồng quân, trở thành một người lính thực thụ. Cũng như những người lính Xô Viết khác, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ bằng được Xta-lin-grát. Nhưng đối với một nhà báo như tôi, nhiệm vụ còn nặng nề hơn, bởi ngoài việc cầm chắc cây súng, tôi còn cầm chắc cây bút để ghi lại những thời khắc lịch sử vinh quang và thiêng liêng này.

Đêm tháng sáu, không khí dịu mát. Những cơn gió từ đồng nội thổi tới đem theo một mùi hương cỏ dại nồng nàn. Trên bầu trời, những vì sao lấp lánh. Dọc các chiến hào, những người lính tụm lại thành từng nhóm. Tốp thì trò chuyện, tốp thì đánh bài, tốp thì đàn hát... Không khí của đêm trước trận đánh chẳng có gì là căng thẳng, ngột ngạt cả. Duy chỉ có trên các đài quan sát, những chiến sĩ trinh sát vẫn căng mắt đang dõi về phía trận địa của bọn Đức.

Tôi đi tới một nhóm các chiến sĩ trẻ đang đàn hát. Giọng ca ngọt ngào, trầm ấm của một cậu lính trẻ hát một bài dân ca Nga đã thu hút tôi. Trông thấy tôi, các cậu rối rít:

- Chào nhà báo. Mời đồng chí tham gia với chúng tôi cho vui.

- Đồng chí I-li-a Ê-ren-bua, đề nghị đồng chí hát cho chúng tôi nghe một bài được không?

- Tớ không biết hát – Tôi đáp.

- Vậy đồng chí kể chuyện cho chúng tôi nghe đi! Đồng chí là nhà báo, chắc biết nhiều chuyện lắm.

Tôi mỉm cười hỏi một cậu lính trẻ ngồi gần:

- Cậu quê ở đâu?

- Tôi ở miền Bắc, làng tôi ở cạnh những cánh rừng bên dòng sông Vina thơ mộng - Người chiến sĩ trả lời tôi, mắt có vẻ mơ màng.

- Cậu nghĩ gì vậy?

- Anh biết không? Quê tôi đẹp lắm. Chao ôi, những cánh rừng, khi mùa xuân đến, băng tan đi, như có một phép diệu kì, tất cả bừng tỉnh giấc ngủ đông, lộc non đâm tua tủa, suối chảy róc rách, chim hót líu lo, chúng tôi chạy nhảy trong rừng, lòng rộn ràng nhảy múa. Dọc bờ sông, những thân cây mọc là là mặt nước, khi mùa hoa nở, chúng như một dải thảm hoa trên sông. Anh biết không, tôi nhớ cả những đêm tháng sáu sáng hồng, cả tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu.

Chúng tôi yên lặng trước câu chuyện của người lính trẻ.

- Còn quê tôi ở xứ U-crai-na - Cậu chiến sĩ trẻ ngồi trước mặt tôi phá tan sự im lặng - Anh biết không, tôi nhớ da diết những rặng tùng dương quê tôi. Tôi nhớ cả cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, và lúc ấy, đời sống đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể.

- Còn tôi là người Gru-di-a, cậu chiến sĩ ngồi bên cạnh cậu xứ U-crai-na lên tiếng, làng tôi ở trên một triền núi cao. Chà, khí trời vùng đó mới trong lành làm sao! Tôi mong chiến tranh mau kết thúc, để tôi lại trở về hít thở khí trời vùng núi quê hương!

- Các đồng chí ạ – người chiến sĩ kể tiếp – quê tôi có những tảng đá sáng rực và những dòng suối óng ánh bạc.

- Chà, cậu lãng mạn quá nhỉ? Một chiến sĩ khác lên tiếng.

- Không tin, hết chiến tranh, mời tất cả đến Gru-di-a để hít khí trời của núi cao, ngắm những tảng đá sáng rực và những dòng suối óng ánh bạc, thưởng thức vị mát của nước đóng thành băng, tu rượu vang cay trong bọc đựng rượu bằng da dê, nghe những lời thân ái giản dị...

- Chúng tôi sẽ đến, sẽ đến! Tôi hứa với người chiến sĩ quê ở Gra-di-a.

Thế rồi những người lính Xô-Viết trẻ tuổi thi nhau dốc bầu tâm sự. Người ở thành Lê-nin-grát nói về nỗi ám ảnh của sương mù quê hương, kể về dòng sông Nê-va rộng và đường bị như nước Nga đường bộ, nhớ những tượng tạo bằng đồng những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Mát xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới; nhớ điện Krem-li, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai...

Họ say sưa kể về quê hương xứ sở của mình. Dường như bao nhiêu nỗi nhớ và niềm yêu mến tự hào về làng quê, thành phố của mình gửi cả vào trong những lời giãi bày ấy. Có lẽ chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô-Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương.

Tôi nhìn những chiến sĩ trẻ. Họ yêu đất nước biết bao nhiêu? Tình yêu của họ được bắt đầu bằng lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...

Tôi nhìn những chiến sĩ trẻ và tôi bỗng hiểu ra: Dòng suối đổ vào đại trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở thành lòng yêu Tổ quốc. Tình yêu của tôi và những người lính Xô-Viết trẻ tuổi sẽ được thử thách trong lửa đạn gay go. Mọi người giờ đây đều hiểu lòng yêu của mình lớn đến nhường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu liên bang Xô-Viết. Điều đó giờ chúng tôi đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai trong chúng tôi cũng cảm thấy mùa thu qua điều giản dị này: Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa.

Phía đằng đồng, chân trời đang ửng hồng. Trận đánh sắp bắt đầu. Tôi nhìn những chiến sĩ trẻ và mỉm cười.

Xta-lin-grát, tháng 6 năm 1942.