Bài làm.
Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quí... Hoa trái bốn mùa đem hương vị ngọt cho đời. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre, ở đâu cũng có Làng tôi xanh bóng tre (Văn Cao), Làng tôi sau luỹ tre mờ xa (Hồ Bắc), Trăng vàng chênh chếch ngọn tre (dân ca); Ngày đi trúc chửa mọc măng- Ngày về trúc đã cao bằng ngon tre (Ca dao); Bóng tre trùm mát rượi (Tố Hữu); Bóng tre trùm lên âu yếm bản làng, xóm, thôn (Thép Mới). Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh là câu kết trong bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy. Bằng hình tượng thơ gợi cảm và có chiều sâu triết lí, tác giả đã thành công khi khắc hoạ tính cách con người Việt Nam, truyền thống dân tộc qua hình ảnh tre xanh ngàn đời thân thuộc.
Đoạn thơ:
... Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu, tre gần nhau thêm.
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau
Mai sau
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Nguyễn Duy đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bão bùng thân bọc lấy thân,
Tay ôm tay níu, tre gần nhau thêm.
Thương nhau tre chẳng ở riêng,
Luỹ thành từ đó mà lên hỡi người.
Nhà thơ đã tả tre trong bão bùng thử thách. Hàng loạt hình ảnh nhân hoá sống động, trữ tình, thân bọc lấy thân, tay ôm tay níu, thương nhau tre chẳng ở riêng. Lời thơ cô đọng, ý tưởng phong phú, đẹp đẽ, tình cảm hồn hậu, đậm đà. Tre cũng như người: Giàu tình thương, biết sẻ chia, lá lành đùm lá rách, đoàn kết tương thân tương ái. Tre là hình ảnh cộng đồng dân tộc. Thơ của Nguyễn Duy đẹp như ca dao, chứa chan tình cảm của ca dao:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hoặc:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Đọc những vần thơ của Nguyễn Duy, ta bỗng tự hỏi: nhà thơ đang nói về tre hay đang nói về người Việt Nam, về đạo lí làm người của dân tộc ta?
Tục ngữ có câu: Tre già măng mọc để chỉ thế hệ con thay thế hệ cha, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Nói về măng tre, nhà thơ lại có lối tư duy nghệ thuật vô cùng độc độc đáo:
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Rất thật và rất triết lí, tre cũng như người trong cuộc sống cũng gặp những hoạn nạn, tai hoạ thân gãy, cành rơi nhưng đâu có bị tiêu diệt mà nó vẫn còn lại cái gốc truyền đời cho măng. Phải chăng đó chính là truyền thống cách mạng của ông cha truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Cái gốc đó là trung hiếu, tình yêu nước thương nhà của dân tộc Việt Nam ta.
Người xưa thường ví trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng để biểu dương khí tiết của đấng trượng phu, nhân cách cứng cỏi của kẻ sĩ trước mọi phong ba bão táp - Nguyễn Duy lại ví măng với mũi chông nhọn hoắt:
Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp ca ngợi chí khí hiên ngang, tinh thần bất khuất của nhân dân ta. Măng tre nhọn như chông lạ thường!. Dân ta giàu lòng yêu nước, anh hùng bất khuất tuốt gươm không chịu sống quỳ nên triệu triệu thế hệ trẻ Việt Nam, người người lớp lớp hiên ngang, dũng mãnh như cả rừng chông nhọn hoắt.
Người cũng như tre, hồn hậu, giàu đức hy sinh. Tre và măng lại được nhân hoá để ca ngợi tình mẫu tử. Lòng mẹ Việt Nam được nói lên một cách đậm đà, sâu sắc và vô cùng cảm động:
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con.
Nhà thơ có óc quan sát tinh tế quá! Nhờ đó đã gợi ra hình tượng hay, ý thơ hàm nghĩa và đa thanh. Có yêu luỹ tre thân mật của quê hương, có yêu xóm yêu làng, có tự hào về đất nước và người Việt Nam tha thiết lắm thì Nguyễn Duy mới nói về cây tre Việt Nam đặc sắc đến như vậy!
Khổ thơ cuối mở rộng ý thơ về măng non đã mang dáng thẳng thân tròn của tre. Nhà thơ đã dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng Việt Nam những tình cảm tốt đẹp. Các cháu là tinh hoa của dân tộc. Lớp măng non sẽ kế tục sự nghiệp của cha ông một cách xứng đáng:
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc, có gì lạ đâu?
Câu lục bát cuối bài ca ngợi cây tre mãi mãi trường tồn với dân tộc ta, với đất nước ta. Màu xanh của tre mãi là màu xanh xứ xở, quê hương. Nguyễn Duy đã tách câu lục thành ba dòng thơ:
Mai sau
Mai sau
Mai sau...
làm nổi bật dòng chảy của thời gian là mãi vô tận. Điệp từ “xanh” trong câu hát được nhắc lại tới ba lần đã khẳng định vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh sắc quê hương, sức sống mãnh liệt của đất nước ta, dân tộc ta là vĩnh hằng, là muôn thuở như màu xanh của tre:
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
“Màu xanh” đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Viễn Phương kế tục hình tượng này trong bài thơ Viếng lăng Bác để biểu hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc:
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa xa đứng thẳng hàng
Đọc bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy làm ta thêm yêu màu xanh xứ xở. Ta yêu thích cốt cách người Việt Nam. Có thể nói Tre Việt Nam là một bài thơ hay, được nhiều người yêu thích.