Bài làm

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng và cũng là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Ông có rất nhiều bài thơ hay ca ngợi đất nước và con người Việt Nam. Nước non ngàn dặm là một trong số những bài thơ đó.

...Con thuyền rời bến sang Hiên

Xuôi dòng sông Cái, ngược triều sông Bung

Chập chùng, thác Lửa, thác Chông

Thác Dài, thác Khó, thác Ông, thác Bà.

Thác, bao nhiêu thác cũng qua

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời...

(Trích Nước non ngàn dặm)

Đoạn thơ đã gợi lên hình ảnh đất nước ta có nhiều sông suối, lắm thác nhiều ghềnh, ấn tượng mạnh mẽ nhất là thác. Sao mà nhiều thác thế! Gắn với nhan đề của bài thơ là Nước non ngàn dặm một suy nghĩ đã nảy sinh: Sau những lớp thác kia, nhà thơ muốn gửi gắm điều gì tới người đọc? Phải chăng đó là những bước đi đầy chông gai, gian khổ nối nhau liên tiếp của dân tộc ta để có được non nước như ngày hôm nay. Đoạn trích là hành trình của một con thuyền trên ngàn dặm nước non. Mở đầu là hai câu thơ:

Con thuyền rời bến sang Hiên

Xuôi dòng sông Cái, ngược dòng sông Bung.

Hình ảnh con thuyền bắt đầu rời bến ra đi nhẹ nhàng thong thả trên những đoạn sông hiền hoà, êm ả, chẳng mấy chốc cập bến dễ dàng: Rời bến sang Hiên. Rồi tiếp tục cuộc hành trình Xuôi dòng sông Cái, ngược triền sông Bung. Thuyền xuôi, thuyền ngược là hoạt động bình thường trên sông nước. Từ xuôi gợi sự thuận lợi cho hành trình của con thuyền, còn từ ngược lại bắt đầu gợi lên sự khó khăn trong hành trình. Thuyền bắt đầu gặp thác, không phải là một thác mà là rất nhiều thác. Điệp từ thác xuất hiện tới tám lần trong đoạn thơ ngắn cùng với biện pháp liệt kê tên thác, cách ngắt nhịp 2/2/2 và 2/2/2/2 đã tạo lên cảm giác thác trải dài liên tiếp, hết thác nọ đến thác kia. Con thuyền vượt thác hết sức khó khăn: Lúc chồm lên, lúc ngụp xuống, vượt hết thác này lại có thác khác xuất hiện trước mặt. Từ láy chập chùng giúp ta hình dung cảnh con thuyền vượt thác quả là một khó khăn gian khổ!

Chập chùng, thác Lửa, thác Chông,

Thác Dài, thác Khó, thác Ông, thác Bà

Tên thác nghe rất tự nhiên, thác “Lửa”, “Chông”, “Dài”, “Khó”, bốn tính từ được dùng liên tiếp tưởng chừng như “chướng ngại vật” ngăn cản cuộc hành trình của con thuyền. Lại còn “thác Ông, thác Bà”, “Ông, Bà” là trị vì cao nhất trong thứ bậc của một gia đình. Có lẽ trong câu thơ này, nhà thơ sử dụng với ý nghĩa là những con thác cao nhất mà thuyền phải vượt qua. Thật thú vị với cách “dùng từ” của tác giả.

Thác, bao nhiêu thác cũng qua

Câu thơ sáu tiếng bỗng ngắt nhịp bất thường 1/3/2 làm cho nhịp thơ 2/2 cũng như bị “khựng” lại, chặn đứng sự “tuôn trào” nối tiếp của thác. Từ thác được tách riêng đứng ở đầu câu thơ như một câu hỏi thách thức với thiên nhiên của con thuyền! Tiếp theo là câu trả lời như khẳng định bao nhiêu thác cũng qua. Nhịp thơ lại dàn trải ở câu thơ cuối:

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời

Vượt qua hết đoạn thác ghềnh, ra đến khúc sông mênh mông, hiền hoà, con thuyền lại “thênh thênh” xuôi dòng để thưởng ngoạn cảnh đẹp của non sông đất nước.

Hành trình của con thuyền vượt thác chính là hành trình của dân tộc ta vượt qua những chặng đường chông gai, đầy gian khổ. Hình ảnh con thuyền là hình ảnh tượng trưng cho con thuyền cách mạng của dân tộc. Người cầm lái vĩ đại là Bác Hồ kính yêu đã đưa cách mạng qua bao thử thách gian lao. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh thác Lửa để tượng trưng cho khói lửa nóng bỏng của các cuộc chiến tranh, thác Chông tượng trưng cho những chông gai trong hành trình của cách mạng, thác Dài, thác Khó là sự trường kì vượt khó khăn của cả dân tộc Việt Nam để rồi vượt tới đỉnh cao là giải phóng dân tộc mang lại độc lập tự do cho đất nước. Chiếc thuyền cách mạng đã cập bến vinh quang. Cả nước non chìm ngập trong niềm vui thống nhất. Ý thơ là thế, nhà thơ đã không dùng thênh thênh là chiếc thuyền ta xuôi dòng bởi xuôi dòng thì chỉ diễn tả đơn thuần một ý là con thuyền “thực” sau khi đã vượt qua thác dữ. Còn thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời, từ “trên đời” mới bao hàm ý nghĩa lớn lao: Con thuyền đã mang lại tự do cho đời.

Tố Hữu đã theo sát từng bước đi thăng trầm của lịch sử mới viết được những trang thơ hay và giàu ý nghĩa đến như vậy! Chỉ sáu câu thơ thôi mà nhà thơ đã dẫn ta đi đến “ngàn dặm” của đất nước. Làm ta thêm tự hào và yêu Tổ quốc hơn.