Bài làm
Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là chủ đề chính trong truyện cổ tích. Trong xã hội, cái ác luôn hoành hành, làm tổn hại đạo lí tốt đẹp của dân tộc. Không những thế, nó còn đe doạ trực tiếp cuộc sống xã hội, làm hại tới sự bình yên của nhiều người lương thiện. Trong thực tế đời sống xã hội, nhân dân ta không hề chấp nhận và dung tha cho cái ác. Cuộc đấu tranh chống cái ác là một trận chiến gay go, phức tạp và dai dẳng. Tuy vậy, niềm tin và ước mơ về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác của nhân dân vẫn không hề suy giảm. Niềm tin và ước mơ ấy được họ gửi gắm vào trong các truyện cổ tích.
Thạch Sanh là một truyện cổ tích tiêu biểu cho chủ đề chống cái ác. Cái ác trong truyện cổ tích hiện ra muôn hình vạn trạng. Ở Tấm Cám ta bắt gặp cái ác ở chỗ một người mẹ kế và một cô em cùng cha khác mẹ tìm mọi cách để giết chết người con chồng, người chị. Ở Sọ Dừa, cái ác còn đáng sợ hơn: hai người chị đang tâm xô đứa em ruột của mình xuống biển để cướp chồng của em...
Tuy nhiên, trong Sọ Dừa và Tấm Cám, cái ác tuy rất tàn bạo, vẫn là những hành động từ con người bình thường và đơn lẻ, nên phần nào dễ đối phó hơn dễ trừng trị hơn. Đến Thạch Sanh, cái ác đã thực sự trở thành một lực lượng đông đảo, vô tình hỗ trợ nhau cùng nhằm vào một con người lương thiện. Đối phó với chúng không dễ, bởi chúng không chỉ là những người phàm trần mà còn gồm cả lũ yêu ma, thần thông biến hóa. Ngay cả những con người là phàm trần thì cũng rất gian ngoan, xảo quyệt.
Trước hết ta hãy xét đến bọn ác nhân là lũ yêu ma, ác quỷ. Chúng được đại diện bằng hai tên trăn tinh và đại bàng. Trăn tinh là một con yêu do một con trăn núi khổng lồ sống lâu đã hoá tinh mà thành. Hắn rất độc ác. Hàng ngàn người lương thiện đã bị nó ăn thịt. Ngay đến nhà vua cũng phải nhượng bộ nó, lập đền thờ và hàng năm dâng nộp người. Đã độc ác lại có tài biến hoá, trăn tinh thực sự là mối hiểm hoạ lớn.
Đồng đảng với trăn tinh là đại bàng - con yêu núi thứ hai. Tên này còn đáng sợ hơn cả trăn tinh. Đến cả thái tử con vua Thuỷ Tề - một vị vua đứng đầu một cõi thần linh, thuộc lực lượng siêu nhiên – còn bị hắn bắt nhốt vào trong cũi sắt không thoát ra được.
Để đối phó với hai con yêu núi này cần phải có một chàng dũng sĩ quả cảm. Và Thạch Sanh xuất hiện. Song để chuẩn bị cho hai cuộc quyết chiến tiêu diệt trăn tinh và đại bàng, phải có sự giúp đỡ của thần linh. Thiên thần đã dạy cho Thạch Sanh đủ các môn võ nghệ và các phép thần thông.
Mặc dù đã được thần linh giúp đỡ, nhưng trong trận chiến tiêu diệt kẻ ác, Thạch Sanh vẫn là người đơn độc. Chàng phải tự lực là chính. Với tài trí phi thường, lòng quả cảm vô song và ý chí tiêu diệt kẻ ác, Thạch Sanh đã chiến thắng và chiến thắng giòn giã: chàng đã chém chết trăn tinh, xé xác nó làm hai, bắn chết tươi đại bàng. Và thật lí thú, Thạch Sanh lại bắn chết đại bàng bằng bộ cung tên vàng lấy được từ tay trăn tinh. Phải chăng đây là quan niệm của nhân dân; diệt kẻ ác này sẽ là cơ hội để diệt kẻ ác khác, diệt kẻ ác mạnh vừa sẽ là điều kiện để diệt kẻ ác mạnh hơn.
Giết được trăn tinh và đại bàng, trừ được hoạ cho dân, nhưng chính chàng dũng sĩ diệt trăn tinh và đại bàng lại bị mang vạ vào thân: hồn chúng liên kết với nhau tìm cách báo thù và chàng dũng sĩ lương thiện phải chịu nỗi oan trong nhà ngục. Thế mới biết cuộc đấu tranh chống cái ác không đơn giản. Người có công không khéo có thể trở thành người có tội. Tuy nhiên, Thạch Sanh không mất niềm tin. Và nỗi oan của chàng đã được giải, Thạch Sanh đàng hoàng ngẩng cao đầu với tư thế của chàng dũng sĩ đấu tranh vì cái thiện.
Cuộc đấu tranh chống cái ác là lực lượng yêu ma vốn đã khó khăn và dai dẳng, nhưng cuộc đấu tranh chống cái ác ở ngay trong hàng ngũ con người còn khó khăn, phức tạp và dai dẳng hơn nhiều. Kẻ ác ở đây tuy không có phép thần thông biến hoá nhưng lại rất nham hiểm, xảo trá. Đầu tiên, hắn vờ kết nghĩa anh em, rồi ngụy trang bằng tình anh em để lừa Thạch Sanh đi thế mạng thay mình. Đến khi Thạch Sanh chém được đầu trăn tinh xách về thì hắn lại nảy sinh lòng tham, lừa đuổi Thạch Sanh đi để cướp công. Cướp được công của Thạch Sanh, được hưởng vinh hoa phú quý hắn vẫn không từ bỏ lòng tham và dã tâm. Hắn lại tiếp tục lợi dụng Thạch Sanh để lập công lớn hơn, nhằm có địa vị và danh vọng cao hơn. Lần này, để đạt được mục đích ấy, hắn sẵn sàng ra tay giết người. Hành động giết người vốn đã là đỉnh cao của tội ác, đáng sợ và ghê tởm hơn, người bị giết lại vừa là người em kết nghĩa, vừa là ân nhân của kẻ gây tội ác. Đã thế hành động gây tội ác của hắn không cần che giấu, mà phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt bao người. Có thể nói, Lí Thông đã lộ rõ nguyên hình của kẻ ác.
Cái ác của Lí Thông là cái ác có thực trong xã hội. Nó bắt nguồn từ lòng tham, sự đố kị ghen ghét trước tài năng và công lao, thành tích của người khác. Cái ác của Lí Thông không chỉ là tội ác giết người, mà còn là tội ác của sự vong ân bội nghĩa, khiến cả con người lẫn đất trời đều phẫn nộ. Cuối cùng Thạch Sanh phải lên tiếng vạch mặt Lí Thông. Và dù Thạch Sanh có nhân từ tha tội chết cho mẹ con Lí Thông thì trời đất cũng không dung tha. Và lưỡi tầm sét của Thiên Lôi chính là lưỡi gươm công lí của nhân dân vùng lên tiêu trừ kẻ ác. Kẻ ác không những bị trừng trị mà còn bị trừng trị thật đích đáng: bị biến thành bọ hung để đời đời kiếp kiếp bị người đời nguyền rủa và khinh bỉ.
Đến đây, tôi lại nhớ tới sự trừng trị của nhân dân Nga dành cho kẻ tham lam bội bạc là mụ vợ ông lão đánh cá trong truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng. Và tôi mỉm cười: Công lí của nhân dân ở đâu cũng thật công bằng. Điều đó tạo cho tôi một niềm tin sâu sắc về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác trong cuộc đời thực.