BÀI LÀM
Là phận nữ nhi, sau bao nhiêu năm trôi dạt đời dâu bể, trải qua nhiều đắng cay, tủi nhục, cuối cùng Kiều tôi cũng gặp được người tri ân, tri kỉ, sẵn lòng ra tay giúp đỡ. Đời người thật cũng có lúc thịnh, lúc suy, khi vui, khi buồn. Từ Hải là chàng trai tốt, phen này ta có dịp đền ơn, trả oán người xưa.
Hôm đó tốt ngày, tôi sai người đến mời Thúc Sinh, tôi đã rất xúc động khi gặp lại chàng, cả đêm hôm trước tôi đã nhớ lại hình ảnh của Thúc Lang - một chàng trai hào hoa, phong nhã, dốc lòng nhân nghĩa cứu tôi ra khỏi chốn lầu xanh. Nhưng hôm đó, trước mắt tôi là một Thúc Sinh khác hẳn, chàng nhút nhát, nghe vẻ sợ sệt, mình run lên như một chú dế nhỏ, mặt chàng tái lại, tôi hết sức bất ngờ, tôi không thể tìm thấy ở chàng con người xưa, tính cách phong lưu, mực thước mà tôi hằng kính trọng. Có phải chốn kinh đao, hay chính nơi quan đường đã làm chàng hoảng sợ, hay rằng chàng đang cảm thấy xấu hổ vì chàng đã không bảo vệ được tôi, hoặc giả người vợ độc ác đã biến chàng thành một kẻ nhu nhược, hèn nhát...? Càng nghĩ như thế, tôi càng thương chàng hơn, tôi tiến đến và hỏi han Thúc Sinh:
"Ôi hỡi Thúc lang, chàng ơi, gặp lại người xưa, thiếp chẳng thể ngờ, qua bao nhiêu năm gian lao cách trở chàng còn nhớ thiếp chăng?".
Tôi và Thúc Sinh ai nấy đều bồi hồi, xao xuyến, cùng nhau nhớ lại những tình nghĩa xưa. Tôi rằng:
"Xưa kia, chàng đã hào phóng ra tay giúp thiếp, nay được nương vào chốn giàu sang, thiếp vẫn chẳng quên ơn chàng, thôi, nay chàng hãy nhận của thiếp chút quà báo đáp, gọi là".
Nói rồi, tôi cho người mang đến trăm cuốn gấm và một nghìn cân bạc. Tôi mong sao chàng cũng có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như tôi, tôi chỉ thương cho chàng vì ngày ngày chịu đựng sự nhục nhã, đày đoạ từ người vợ đanh đá Hoạn Thư mà tôi vẫn không quên những gì chị ta từng đem đến cho tôi, từng rẻ rúng, sỉ vả tôi. Vừa thoạt nghĩ đến tôi đã bắt gặp Hoạn Thư. Vẫn cái vẻ lạnh lùng, đôi mắt chứa đầy kiêu căng, tự mãn, khuôn mặt chị ta vẫn vênh lên lộ rõ đôi lưỡng quyền nhô cao, đanh đá, khiến tôi cảm thấy khó chịu. Tôi tiến lại chào một cách kính cẩn:
- "Chà! Tiểu thư hôm nay cũng hạ cố đến điện, thật là vinh hạnh cho tôi quá! Bao nhiêu năm trôi qua, mà nhan sắc của cô vẫn không hề phai nhạt, thật đáng khâm phục. Tôi đang băn khoăn không biết gan của cô, nó đã nhỏ lại chưa, hay là vẫn...".
Hoạn Thư nghe nói đến đây thì hồn lạc phách xiêu, cuống cuồng quỳ lạy tôi xin tha:
-"Dạ... dạ... bẩm bà, tôi đâu dám ạ! Chẳng qua cũng là phận đàn bà, từ xưa đến nay, ghen tuông cũng hề gì chuyện lạ, chồng là chồng chung, mấy ai dễ...".
"Im đi, ngươi còn già mồm kêu oan? Ta sao quên những khắc khổ xưa kia, người đã đánh ta bao nhiêu đòn, sỉ nhục ta bao nhiêu lần, ta làm sao quên...". Không để Hoạn Thư nói hết, tôi đã lên tiếng.
"Nhưng thưa bà, khi bà còn ở gia đình tôi, chẳng phải tôi cũng đã cho bà lên trên gác, thắp đèn viết kinh, rồi chẳng phải tôi cũng đã thả cửa cho bà chạy chốn. Nay tôi đã chót gây việc chông gai, tôi đã biết tội của mình, mong nhờ lòng thương nhân từ bể lượng, bà tha cho ạ!".
Hoạn Thư ơi là Hoạn Thư, thật vẫn người khôn ngoan, giảo hoạt, nói năng phải lời, làm người đời phải nể phục miệng lưỡi sắc bén của cô. Tôi nghĩ con người nếu có lòng hối lỗi cũng sẽ sửa được mình. Nay chuyện cũ đã qua, chuyện mới còn chưa tới, nếu ta xử nặng, ắt người ta sẽ coi khinh, nghĩ là con người nhỏ nhen, tính toán. Vậy thì:
-"Ta sẽ tha cho cô, phần vì đã biết hối cải, phần cũng không muốn Thúc Sinh phải lo nghĩ. Những cô phải biết hối lỗi mà sửa mình, nếu càng làm điều gian ác, càng phải nhận lấy những oan trái về mình".
Cuối cùng thì mọi ân oán của tôi cũng đã được trả, tôi cảm thấy cuộc đời này thật nhẹ nhõm biết bao, cuộc sống thanh nhàn, êm ấm công bằng đang đến với tôi. Ông trời thật không phụ lòng người. Tôi sẽ quyết tâm thực hiện tiếp những ước mơ, khát vọng, ý chí mà tôi đã nung nấu bấy lâu nay.