BÀI LÀM.

Trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục có thể nói nổi bật nhất là Chuyện người con gái Nam Xương. Câu chuyện không chỉ có giá trị hiện thực mà qua đó còn nói lên số phận người phụ nữ lúc bấy giờ và mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn của con người.

Câu chuyện này đã dựa theo một cốt truyện có sẵn trong dân gian. Thế nhưng khi đưa vào tác phẩm, Nguyễn Dữ đã cho thêm rất nhiều chi tiết. Tuy nhiên, nội dung của câu chuyện vẫn không hề thay đổi. Câu chuyện kể về số phận của người phụ nữ có phẩm hạnh tốt đẹp nhưng lại không được hưởng hạnh phúc. Vũ Nương tuy có tư dung tốt đẹp, thuỳ mị, nết na, xinh đẹp nhưng lại có chồng là Trương Sinh vốn tính hay ghen. Chính vì vậy mà nàng luôn giữ gìn khuôn phép, hết mực với chồng. Khi chồng đi lính, con còn nhỏ, nàng hay chỉ cái bóng mình trên tường vào ban đêm bảo đó là cha nó. Cũng chính vì cái bóng ấy mà Trương Sinh đã nghi nàng có tình riêng, là đồ hư hỏng nên chửi mắng, đuổi nàng đi mà không cho nàng thanh minh. Do vậy, Vũ Nương không hề biết vì sao chồng lại nghi oan mà giải nỗi nghi ngờ. Quá thất vọng và đau khổ, nàng đã gieo mình xuống sông để rửa sạch oan tình, minh chứng cho tấm lòng trinh bạch của mình. Mãi sau này, Trương Sinh mới hiểu được nỗi oan của vợ, nhưng lúc đó nàng đã ở dưới thuỷ cung, không về được nữa. Câu chuyện đã nêu lên được hiện thực của xã hội lúc bấy giờ một cách chân thực. Ở đầu câu chuyện ta thấy Trương Sinh đã dùng một trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương về. Điều này cho thấy đây là một cuộc hôn nhân không có tình yêu và không hề có quyền lựa chọn của người con gái lúc bấy giờ. Tuy luôn biết giữ gìn, hiếu hạnh nhưng nàng lại bị chính chồng nghi oan rồi đánh chửi, đuổi đi. Xã hội lúc đó thật bất công, người con trai lại có quyền đánh đập, hành hạ vợ mình không thèm nghe lời thanh minh. Không chỉ thế, câu chuyện còn có ý nghĩa tố cáo chiến tranh. Vì chiến tranh mà gia đình ly tán, mẹ xa con, nhớ con mà chết, vợ xa chồng khiến hằng ngày nàng phải chỉ chính cái bóng của mình mà nói với con đó là cha. Không chỉ thế, chiến tranh còn làm cho cuộc sống người dân thêm khổ cực, phải chạy loạn mà chết đuối như Phan Lang. Chính vì thế, chiến tranh cũng phần nào là nguyên nhân khiến cho gia đình Vũ Nương bị ly tán dẫn đến cái chết của nàng sau này. Cũng qua câu chuyện, ta thêm hiểu được số phận người phụ nữ lúc bấy giờ, họ phải sống phụ thuộc vào người đàn ông "xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Chính vì vậy, tuy bị chồng nghi oan nhưng tới lúc chết vẫn mang theo trong mình nỗi lo lắng vì chưa làm tròn trách nhiệm của người vợ. Trong đoạn cuối bài, khi gặp Phan Lang ở dưới thuỷ cung, Vũ Nương đã khóc khi nghe Phan kể rằng nhà của nàng bây giờ đã trở nên xơ xác. Trong tâm hồn nàng vẫn mang nặng trọng trách của một người vợ, một người mẹ. Điều này cho ta thấy phẩm hạnh vô cùng đáng quí của người phụ nữ lúc bấy giờ mà đại diện là nhân vật Vũ Nương. Trong câu chuyện, tác giả còn nói lên ước mơ của người dân lúc bấy giờ. Họ luôn mong muốn về một thế giới mới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn và con người luôn sống chan hoà với nhau. Vì thế mà sau khi Vũ Nương gieo mình xuống sông, nàng đã được các nàng tiên cứu giúp rồi sau đó cũng trở thành tiên. Người dân đã cho một người tốt như Vũ Nương có thể gặp một cuộc sống tốt đẹp hơn khi ở một thế giới khác. Việc đưa yếu tố truyền kỳ vào trong tác phẩm cũng nhằm thể hiện được ước mơ của người dân trong thời đại lúc bấy giờ.

Câu chuyện về người con gái Nam Xương đã nêu lên được số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến với những luật lệ không công bằng, trọng nam khinh nữ đã đẩy người phụ nữ phải vào con đường cùng dẫn đến cái chết oan uổng, bất công. Câu chuyện đã tố cáo chế độ phong kiến hà khắc, chiến tranh phi nghĩa và đã nói lên mong ước của người dân lúc bấy giờ. Câu chuyện đã khiến cho ta phải suy nghĩ thêm về số phận của những người phụ nữ xưa cũng như cuộc đời họ sẽ trôi tới đâu?