BÀI LÀM

Cảnh III trong vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ là cảnh tập trung cao độ những xung đột kịch, có nhiều kịch tính. Sự phát triển của tình huống kịch cũng khắc họa rõ nét hơn tính cách của các nhân vật. Sau một năm về làm quyền giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi, Hoàng Việt đã nhận ra xí nghiệp đang đến bên bờ của vực thẳm, mọi người tự đánh lừa mình, lừa cấp trên bằng việc hoàn thành các kế hoạch một cách giả tạo. Thực ra trong xí nghiệp cũng có những nhân tố tích cực như là kỹ sư Lê Sơn, kíp trưởng Thanh. Họ cũng thấy được sự bất hợp lí trong cung cách quản lí của xí nghiệp bấy lâu, nhưng họ không dám, hoặc không có điều kiện thực hiện những ý tưởng mới mẻ của mình. Nay với tư cách là quyền giám đốc, nhân thấy những bất hợp lí đó, Hoàng Việt quyết định củng cố lại xí nghiệp và thực thi phương án làm ăn mới, dứt khoát không tuân thủ theo những lối mòn các nguyên tắc lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của xí nghiệp. Những ý kiến của Hoàng Việt về kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới của xí nghiệp không được sự đồng thuận và chia sẻ của những con người bảo thủ đang là cộng sự của mình. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì cần phải thêm nhiều công nhân. Trưởng phòng lao động cho rằng biên chế trên cho ta có thể. Trưởng phòng tài vụ bảo không có quỹ lương cho hợp đồng, không chịu chi tiền để sửa chữa vật tư máy móc, dù đã có lệnh chi của giám đốc. Việc giảm biên chế của quản đốc phân xưởng đã gây phản ứng mạnh mẽ đến quản đốc Trương. Hoàng Việt cho đó là thừa, Trương cho đó một chức quan trọng không thể thiếu. Nhất là phó giám đốc Nguyễn Chính, người chỉ luôn miệng dựa vào cấp trên để không tán thành kế hoạch đổi mới của Hoàng Việt. Những mẫu thuẫn đó đã tạo nên xung đột kịch, những mâu thuẫn dồn dập giữa hai tuyến nhân vật tiên tiến và bảo thủ đã làm cho cảnh diễn trở nên hấp dẫn. Điều quan trọng cần đọng lại cho các em học sinh khi phân tích văn bản này là hiểu được những nét cơ bản về tính cách của các nhân vật trong vở kịch thông qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật, dù chỉ là một trích đoạn.