BÀI LÀM
Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam thời kỳ chống Pháp. Ông có sở trường về viết truyện ngắn, các tác phẩm của ông không nhiều nhưng đều tạo nên giọng văn trữ tình đậm đà để lại cho người đọc đến tận ngày nay nhiều ấn tượng sâu sắc. Truyện ngắn Làng là tác phẩm thể hiện được phần nào phong cách viết văn của nhà văn Kim Lân, đặc biệt là cách miêu tả diễn biến tâm lí phức tạp của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Có thể nói nhà văn Kim Lân đã diễn tả rất cụ thể và sinh động tâm tư tình cảm của ông Hai - người nông dân rời làng đi tản cư trước cái tin dữ làng Chợ Dầu yêu quí của ông đi theo Việt gian bán nước.
Kim Lân đã tạo ra một tình huống gay cấn để bộc lộ tình yêu làng của ông Hai hơn bao giờ hết, ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc trong khi ông đang tự hào về các chiến công của quân và dân ta từ khắp nơi dội về. Ông náo nức, phấn khởi, hãnh diện hả hê mà nói rằng "Cứ chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí thì thằng Tây bước sớm...". Ruột gan, ông cứ múa cả lên. Sướng quá! Thế nhưng cái niềm vui ấy chưa được lâu thì ông nhận được cái tin như sét ngang tai "Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây" từ miệng của mụ đàn bà từ dưới xuôi lên tản cư, cả làng chúng nó là làng Dầu yêu quí của ông, cái làng mà ông vẫn tự hào về tinh thần kháng chiến, bởi thế, khi nghe cái tin dữ chết người ấy, ông Hai rơi vào trạng thái tâm lí bàng hoàng, sửng sốt "cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rần rần, ông lão lặng đi tưởng như không thở được... Rồi một lúc lâu sau ông mới cất tiếng hỏi lại giọng lạc hẳn đi...". Lúc này đây trong ông không còn niềm kiêu hãnh mà chỉ là một sự bẽ bàng khiến ông xấu hổ. "Ông cười nhạt một tiếng vờ lảng đi chỗ khác rồi đi thẳng". Nhà văn Kim Lân đã diễn tả một cách tỉ mỉ cụ thể tâm tư trong lòng ông Hai dường như chính ông hay những người ruột thịt của ông đã làm cái việc đê hèn như vậy. Rồi ông rơi vào tình trạng tủi hổ, ê chề: "Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi... về đến nhà ông lão nằm vật ra giường... Rồi nhìn lũ con tủi thân nước mắt ông lão cứ tràn ra". Một cử chỉ hành động chán chường của ông, những giọt nước mặt hiếm hoi của người đàn ông khi tuổi đã cao rồi những suy nghĩ day dứt trong nội tâm của ông "Chúng nó cũng là những trẻ con làng Việt gian đây ư?..." rồi cái cử chỉ ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên: "Chúng mày ăn miếng gì vào mồm... mà làm cái giống Việt gian bán nước nhục nhã...". Tất cả đều tập trung thể hiện nỗi đau đớn nhục nhã ê chề trong lòng ông Hai và niềm tin về cái làng Chợ Dầu có tinh thần kháng chiến triệt để khiến ông nghi ngờ "Ông kiểm điểm từng người trong óc..", tất cả những suy nghĩ ấy cứ bám riết trong đầu ông Hai khiến cho lòng ông đau đớn tan nát. Nỗi đau đớn nhục nhã biến thành nỗi sợ hãi lo lắng ám ảnh thường xuyên. Ông chỉ dám quanh quẩn ở nhà, nghe ai đó nói to ông cũng giật mình chỉ sợ nói đến cái chuyện ấy. Ông Hai đã giải toả nỗi bế tắc trong lòng bằng cuộc trò truyện đầy cảm động của ông và thằng con út. Những lời thủ thỉ với đứa con nhỏ thực chất là lời tự nhủ tự giãi bày với lòng mình, ông mong mọi người hiểu cho bố con ông... cuộc trò chuyện cảm động ấy thể hiện rõ tình yêu sâu nặng của ông với làng Chợ Dầu đồng thời khẳng định rõ tấm lòng thuỷ chung với cách mạng, với kháng chiến, với Bác Hồ. Kim Lân đã diễn tả thật cảm động và sinh động nỗi sâu xa bền chặt của ông.
Ông Hai coi danh dự của làng là danh dự của mình. Ông đau đớn khi nghe tin làng Dầu theo giặc. Tình yêu làng của ông Hai hoà quyện thống nhất trong tình yêu đất nước.