BÀI LÀM

Nhà thơ Y Phương sinh năm 1948, là người dân tộc Tày, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nói đến ông, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Nói với con. Bài thơ là một lời tâm sự của cha đối với đứa con của mình.

Đọc bài thơ, ta thấy được qua lời nói với con, nhà thơ muốn thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương, dân tộc mình. Hơn nữa bài thơ còn giúp người đọc hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Bài thơ nói về tình yêu thương, sự chăm sóc của cha mẹ, sự chở che đùm bọc của quê hương đối với con. Bài thơ còn cho ta thấy những đức tính cao đẹp của người đồng mình và những lời nhắc nhở, mong ước của người cha...

Tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương đối với con được thể hiện rõ qua khổ thơ thứ nhất. Bốn câu thơ đầu:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.

đã cho thấy người con được lớn lên từng ngày trong sự yêu thương, nâng đỡ của cha mẹ. Cha mẹ luôn ở bên cạnh che chở cho con, một bước tới cha, rồi một bước lại tới mẹ. Cả bốn câu thơ đã tạo nên một không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt tràn đầy niềm vui với từng bước đi, từng tiếng nói tiếng cười. Và cũng qua đó, người cha gợi cho con nhớ về cội nguồn sinh dưỡng. Con không chỉ lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ mà còn lớn lên trong tình cảm trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng, trong nghĩa tình của quê hương:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát.

Người con được lớn lên trong cuộc sống cộng đồng, trong cuộc sống lao động qua những hình ảnh: đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát. Câu thơ vừa miêu tả động tác, vừa diễn tả sự gắn bó, quấn quýt. Qua đó ta thấy được: quê hương cho người con tình yêu thương, cho nó một cuộc sống lao động vui vẻ, cần cù.

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

Con lớn lên trong cảnh thiên nhiên thơ mộng của núi rừng. Thiên nhiên đã che chở cho con. Cả đoạn thơ là một lời tâm sự của người cha dành cho con.

Không chỉ có vậy, bài thơ còn nói lên những đức tính cao đẹp của người đồng mình và lời nhắc nhở, mong ước của người cha:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn.

Câu thơ cho ta thấy một cuộc sống vất vả nhưng mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ. Câu thơ cũng nói lên một cuộc sống gắn bó quê hương tuy còn cực nhọc, đói nghèo.

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con.

Người đồng mình là những người mộc mạc, giản dị nhưng là những người giàu chí khí, giàu niềm tin:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì là phong tục.

Người đồng mình bằng sự lao động cần cù đã làm nên quê hương với những phong tục, truyền thống tốt đẹp. Thông qua những đức tính cao đẹp của người đồng mình, người cha muốn nhắc nhở con:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc.

Và:

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ được nhỏ bé

Nghe con.

Người cha muốn nhắc nhở con phải sống có nghĩa, có tình, thuỷ chung với quê hương, biết chấp nhận, biết vượt qua gian lao, thử thách bằng ý chí và niềm tin của mình. Người con phải biết tự hào với truyền thống của quê hương, cần tự tin để vững bước trên đường đời. Thông qua những lời nhắc nhở, tình cảm của cha dành cho con là tình yêu thương trìu mến, thiết tha và niềm tin tưởng của người cha qua lời nói với con. Đồng thời người cha muốn truyền cho con lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ với truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm tự tin khi bước vào đời.

Qua bài thơ Nói với con, tác giả đã cho chúng ta một bài học về đường đời, về lối sống của một con người. Tuy chỉ là những lời mộc mạc nhưng lại rất chân tình và thấm thía sâu trong lòng người đọc.