BÀI LÀM
Trong mỗi tác phẩm luôn chứa đựng những tình cảm hay một lẽ sống mà tác giả của chúng muốn gửi gắm đến bạn đọc. Và với tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long cũng vậy, đã tạo cho người đọc một sự thích thú khi nhận ra vẻ đẹp trong tâm hồn và cách sống của những con người lao động.
Cuộc sống ấy đã không hề lặng lẽ như tiêu đề của tác phẩm. Thoáng nghe cái tên Lặng lẽ Sa Pa như gợi lên trong ta một cảm xúc buồn, trầm lặng như cái không khí vốn có mà chúng ta biết về Sa Pa, chỉ có sương, có gió, núi cao,... Nhưng khi đọc đến tác phẩm ta lại thấy cuộc sống ở mảnh đất ấy không như vậy. Sau cái vẻ bề ngoài yên ắng, tĩnh mịch là một cuộc sống sôi động của những con người lao động, yêu ngành, yêu nghề bằng cả tâm huyết. Họ có những niềm vui riêng để họ không bao giờ cảm thấy cuộc sống ấy trầm lặng, buồn tẻ. Qua hình ảnh anh thanh niên ở một mình trên cao làm ở đài khí tượng thuỷ văn, ta có thể nhận ra một vẻ đẹp của con người lao động. Anh không hề chán ghét cái khung cảnh yên lặng mà núi, sương mang lại nơi đây mà anh lại cảm thấy yêu đời bởi chính lòng yêu nghề của mình. Ta vẫn tìm thấy trong anh nụ cười, sự hóm hỉnh hay những sự quan tâm khi anh gửi cho vợ bác lái xe củ tam thất. Đó không phải là một cuộc sống trầm lặng, nó vẫn tràn đầy sức sống, niềm vui giản dị như cái thú trồng hoa, chăn gà của anh. Dần dần, chính anh thanh niên đã hoà nhập vào cuộc sống ấy. Anh yêu công việc của mình đến nỗi "nếu cất nó đi cháu sẽ buồn chết mất" (trích lời anh thanh niên). Đó là sự thích thú đầu tiên mà tác giả mang đến cho người đọc khi họ cảm nhận tác phẩm của mình. Họ nhận ra con người nơi đây tràn đầy sức sống. Không chỉ có thế, tác giả còn mang đến cho bạn đọc hình ảnh đẹp về ông kỹ sư trồng rau đang nghiên cứu giống su hào hay người đang cố gắng lập bản đồ sét. Họ cứ miệt mài làm việc và tìm thấy trong công việc ấy những thú vui để ngày này qua ngày khác, cái gọi là sự sống, tình yêu vẫn tiếp tục trên mảnh đất Sa Pa. Không chỉ hiện lên vẻ đẹp trong cách sống, những nhân vật mà tác giả Nguyễn Thành Long tạo nên còn có một vẻ đẹp nơi tâm hồn khi họ đang lặng lẽ cống hiến cuộc đời mình cho nước nhà. Là những người ở hậu phương giúp sức cho tiền tuyến, những con người ấy không xông pha trận mạc nhưng lại là những người quyết định, góp sức cho chiến thắng. Họ gửi gắm vào công việc một niềm tin, một sức sống khiến cho Sa Pa không lặng lẽ mà sôi động. Sôi động bởi vẫn có những con người ngày ngày nhịp nhàng làm việc dưới sự yên lặng. Và nếu nói Sa Pa lặng lẽ thì không phải trong cuộc sống mà muốn nói đến sự hy sinh của những con người thầm lặng cống hiến cho nước nhà. Họ không được nhiều người biết đến như những anh hùng, dũng sĩ nhưng những chiến công của họ cũng rất có ý nghĩa trong cuộc sống đời thường. Chính vì lí do đó mà Lặng lẽ Sa Pa đã có chỗ đứng trong lòng người đọc vì đến với tác phẩm người đọc có thể nhận ra còn có những con người nơi hậu phương hy sinh vì đất nước.
Đến với tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, ta thấy cuộc sống của những con người ở đó không hề lặng lẽ như tiêu đề mà chỉ có những người đang thầm lặng dâng hiến cuộc đời cho đất nước. Ta nhận ra ở nơi hậu phương cũng có những người yêu nước, hy sinh cuộc đời như nơi trận mạc. Để từ đó Lặng lẽ Sa Pa đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc vì nhờ nó họ mới hiểu thêm cuộc sống nơi hậu phương của thời kỳ kháng chiến gian khổ.