Bài làm

Ca dao là sản phẩm tinh thần độc đáo của nhân dân lao động Việt Nam. Dân gian đã gửi gắm vào ca dao bao niềm vui, nỗi buồn, bao nhớ nhung, yêu thương, chờ đợi,... Nhiều bài ca dao đã trở thành kiệt tác và sống mãi trong dòng văn học dân tộc. Bài ca dao sau là một trong số đó:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Bao trùm toàn bộ bài ca dao là nỗi nhớ da diết, cảm động thể hiện tình yêu quê hương đất nước mặn nồng. Điều đặc biệt là tình cảm chân thành ấy được thể hiện qua lời nói giản dị mộc mạc nhưng rất ý nhị, tinh tế của tác giả dân gian.

Đối với mỗi nam nhi, khi rời cố hương ra đi lập thân nơi đất khách quê người, làm sao có thể xóa mờ đi hình ảnh của xóm làng thân yêu, của người thân ở nhà đang đợi chờ, trông ngóng. Cứ mỗi lần nghĩ về mảnh đất chôn rau cắt rốn là bao ý nghĩ lại dạt dào tuôn về không giới hạn.

Quê nhà hiện về trong anh qua những hình ảnh rất giản dị, mộc mạc: “canh rau muống”, “cà dầm tương”. Những sự vật quá đỗi tầm thường là thế song với anh chúng không tầm thường không chút nhỏ bé mà đó là những nét đẹp quê hương, đó là truyền thống của quê cha đất tổ. Chúng nhắc đến bữa cơm gia đình quây quần, ấm cúng, nhắc đến những tháng ngày lam lũ mà thấm đượm nghĩa tình. Và nhớ đến quê hương, điều anh nhớ nhất vẫn là những bóng dáng thân yêu, quen thuộc:

“Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.

Hình ảnh người “dãi nắng dầm sương” gợi nhớ đến dáng mẹ tảo tần, vất và chịu thương chịu khó. Và người “tát nước bên đường hôm nao” rất có thể là người con gái anh thầm thương trộm nhớ. Một ngày nào đó, anh đã vô tình gặp một bóng dáng đứng tát nước bên đường và rồi hình bóng ấy đã để thương để nhớ trong anh khiến anh bâng khuâng, lưu luyến. Ca dao Việt Nam có đại từ phiếm chỉ “ai” rất tinh tế. Không nhắc cụ thể một ai mà chỉ dùng từ “ai” vừa xa xôi, vừa gần gũi, nó giúp biểu đạt tình cảm một cách kín đáo, ý nhị.

Bằng điệp từ "nhớ" và phương pháp liệt kê tác giả dân gian đã bộc lộ một cách sâu sắc, diễn tả chân thật lòng yêu quê hương đất nước, sự nhớ nhung vô hạn của chàng trai trẻ tha phương trong nhịp ca dao nhẹ nhàng, da diết. Nỗi nhớ ấy được khéo léo gói gọn trọn vẹn trong nỗi nhớ gia đình, ông bà, cha mẹ người thân và cả người con gái anh yêu.

Bài ca dao rất ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng đã thể hiện được tình yêu quê hương tha thiết, chân thành. Bài ca dao khiến người đọc nhớ đến những câu văn nổi tiếng của I. Ê-ren-bua: "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh", "Lòng yêu nhà, yêu làng làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc".