Bài làm

Nhà thơ Chế Lan Viên từng có một câu thơ thật hay:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Và vì thế, mảnh đất quê hương đã trở thành máu thịt đối với mỗi người con khi xa quê. Với Hạ Tri Chương, có lẽ cũng vậy. Quê hương đã trở thành phần tâm sự băn khoăn, day dứt nhất trong lòng ông trong những tháng ngày dài dặc lên kinh đô Trường An làm quan. Để đến lúc già, ông từ quan trở về quê và viết nên “Hồi hương ngẫu nhiên” làm xúc động lòng người:

“Thiếu tiểu li gia lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao tồi,

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,

Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”.

Bài thơ được dịch là: "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê".

"Trẻ đi, già trở lại nhà

Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu

Gặp nhau mà chẳng biết nhau

Trẻ cười hỏi "Khách từ đâu đến làng”.

Trong câu "Trẻ đi, già trở lại nhà" đã kể khái quát, ngắn gọn quãng đời xa quê của nhân vật trữ tình. Điều đó cũng lí giải những thay đổi về vóc dáng, tuổi tác của Hạ Tri Chương. Câu thơ có sự đối về ý rất nhịp nhàng: trẻ - già, đi - trở lại, nghệ thuật đối đã thể hiện cảm xúc nao nao, bồi hồi trước sự trôi đi của thời gian và tuổi tác. Thời gian trôi đi, khiến con người cũng phai bạc theo năm tháng. Nhưng trong cái đổi thay tất yếu, nhân vật trữ tình vẫn giữ được những điều đáng quý: "Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu". Mái tóc đã đổi màu, đã điểm sương nhưng giọng nói của quê hương, tiếng mẹ đẻ thiêng liêng nhà thơ vẫn giữ được vẹn nguyên. Đây là một chi tiết vô cùng cảm động. Bao nhiêu năm tháng sống giữa chốn phồn hoa đô thị xô bồ và hỗn loạn nhưng tiếng nói của quê vẫn “vô cải”. Điều đó chứng tỏ ông luôn ý thức được về nguồn gốc, quê hương xứ sở của mình. Vậy mới biết, thời gian và không gian chỉ có thể làm thay đổi bề ngoài của con người còn phần tâm hồn quý giá nhất nó khó có thể làm đổi thay.

Tình cảm quê hương của nhà thơ không chỉ thể hiện ở chi tiết “giọng quê không đổi”, mà còn ở thái độ đau xót, ngậm ngùi trước bao thay đổi của quê hương. Trong hai câu thơ:

"Gặp nhau mà chẳng biết nhau

Trẻ cười hỏi: "Khách từ đâu đến làng"

tác giả đã xây dựng một tình huống bất ngờ. Nhà thơ trở về quê hương trong tâm trạng bồi hồi, xúc động thì bất chợt gặp lũ trẻ trong làng. Chúng nhìn ông và hỏi "Khách từ đâu đến làng". Ô hay! Vậy ông đang là khách trên chính quê hương mình đây ư?! Ông trở về cố hương, không có bạn bè người thân tiếp đón, điều đó hẳn đã gợi một thoáng buồn trong lòng thi nhân về sự hữu hạn của đời người. Nhưng câu hỏi của đám trẻ có lẽ còn gieo vào lòng ông bao phần chua xót. Dẫu biết rằng các cháu nhi đồng hiếu khách nên đã cười hỏi tiếp đón, nhưng các cháu càng niềm nở bao nhiêu thì nỗi lòng của nhà thơ càng xót xa bấy nhiêu. Trước sự việc đó, đã gợi cho tác giả sự ngạc nhiên buồn tủi và ngậm ngùi xót xa. Phía sau những lời thơ tường thuật có vẻ vô tư, khách quan ấy là một giọng điệu bi hài thấp thoáng ẩn hiện, điều đó đã làm cho tác giả cảm thấy thất vọng, vì bạn bè của ông giờ chẳng còn ai, chỉ còn những đứa trẻ ra tiếp đón ông, thật là khác biệt với những điều mà ông suy nghĩ trên đường về quê. Trước kia ông là người ở đây mà giờ lại trở thành khách ở đây, quả thật là thay đổi chỉ trong khoảnh khắc vì thời gian trôi đi thật nhanh.

Viết về cố hương là một đề tài không mới trong thơ ca cổ điển Trung Quốc song với “Hồi hương ngẫu thư”, "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê", Hạ Tri Chương đã góp vào thi đề này một niềm suy tưởng mới đầy bất ngờ và xúc động.