Bài làm

Trong văn bản “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc, tác giả đã dành cho nhân vật Phan Bội Châu một tình cảm đặc biệt: ông được gọi là một vị “thiên sứ”. Trong đời sống tôn giáo của đạo Thiên Chúa, thiên sứ là sứ giả của Chúa, của Thiên đình. Thiên sứ tượng trưng cho điềm lành, cho những gì thanh cao, thuần khiết. Phan Bội Châu được gọi Thiên sứ bởi ông là người đã dám xả thân công hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc “con người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình”, “đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Không chỉ thế, theo dõi thiên truyện, ta còn thấy Phan Bội Châu có một tâm hồn trong sáng, thanh cao. Bị Va-ren hết lời dụ dỗ, mua chuộc bằng mọi thủ đoạn, nhà cách mạng vẫn lặng im dửng dưng. Im lặng không phải vì ông không hiểu tiếng nói của Va-ren, không phải vì đề nghị của Va-ren không hấp dẫn hay thiếu thuyết phục... mà bởi Phan Bội Châu không hiểu tại sao trên đời lại có kẻ đê tiện, hèn mạt đến thế! Chính sự cao thượng, nét thanh khiết trong tâm hồn nhà ái quốc vĩ đại đã khiến tác giả thiên truyện ngắn cảm động, khâm phục và gọi ông là “vị thiên sứ”.