Bài làm
Nơi sâu thẳm tâm hồn nhà quân sự thiên tài Nguyễn Trãi vẫn luôn bát ngát một tâm hồn khao khát giao cảm, gắn bó với thiên nhiên dung dị. Trong những năm tháng cáo quan về ở ẩn tại núi Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã để lại cho đời một áng thơ trác tuyệt về phong cảnh chốn thần tiên này.
"Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có trúc bóng râm
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”.
“Côn Sơn ca” ra đời khi tác giả đã cáo quan quy ẩn để lánh khỏi bụi trần. Thiên nhiên trong “Côn Sơn ca” trong trẻo, thanh khiết hòa hợp với tâm hồn cao khiết đang thất vọng, chán nản chốn quan trường xô bồ, nhốn nháo như Ức Trai. Đến với Côn Sơn, điều đầu tiên ta cảm nhận được là những âm thanh trong khiết:
"Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”.
Quả là chưa nhìn thấy núi mà đã nghe tiếng núi! Cách Côn Sơn vài ba dặm đã có thể nghe được âm thanh của chốn này. Đó là tiếng suối chảy ngày đêm miệt mài. Tiếng nước được so sánh với “tiếng đàn cầm”. Đàn cầm chính là đàn nguyệt cầm thường được sử dụng trong những buổi đàn hát trong cung. So sánh như vậy giúp làm nổi bật cái hay, cái đẹp của tiếng suối chảy trong núi. Nhưng chẳng những được nghe tiếng đàn nước, đến với Côn Sơn ta còn được thưởng thức bao điều lí thú:
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có trúc bóng râm.
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Sau những mệt nhọc, vất vả của con đường lên núi, ta có thể tựa mình lên những thảm rêu phơi xanh mát, êm ái. Đá núi thường gợi đến sự hiểm trở, gập ghềnh nhưng đá Côn Sơn lại thân thiện biết bao: “ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”. Tất cả là nhờ những thảm rêu phơi tuyệt vời kia vậy. Bên dưới là rêu phơi êm mịn, bên trên là những bóng thông, bóng trúc mát lành thì còn gì thú vị hơn nữa!
Thiên nhiên trong “Côn Sơn ca” hiện lên thân thiện và gần gũi biết bao. Trong tiềm thức mỗi người, nhắc đến núi non là nhắc đến vực sâu đèo thẳm, đến gập ghềnh trắc trở, nhưng núi Côn Sơn đã xóa đi những ấn tượng không hay ấy mà khắc vào lòng ta một hình ảnh đẹp đẽ, thanh bình về miền sơn cước. Không chỉ vậy, trong tám dòng thơ ngắn ngủi, Nguyễn Trãi nhắc đến những thú vui rất thanh cao tao nhã của mình. Trước hết là tiếng đàn cầm. Phải là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới am hiểu và biết yêu tiếng đàn. Phải là người rũ sạch được bụi trần, từ bỏ mọi ham muốn vật chất tầm thường mới có thể an nhàn tựa mình vào thiên nhiên hoang sơ. Và phải là người có tâm hồn thanh cao mới nói đến chuyện thưởng thức thơ phú (bởi “thi dĩ ngôn chí” - thơ nói đến cái chí của con người, vậy người không có chí, có hồn thì khó thưởng thức được thơ). Rất hòa hợp với vẻ đẹp trong trẻo trong tâm hồn nhà thơ, núi Côn Sơn cũng là nơi cư ngụ của những điều cao khiết. Không chỉ là tiếng nước trong trẻo không vương bám bụi trần. Không chỉ là những mảng rêu phơi tự nhiên êm ái. Đó còn là những rừng thông, rừng trúc xanh rờn. Trong quan niệm của người xưa, thông tượng trưng cho bậc quân tử không sợ khó khăn, gian khổ. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ từng viết:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời lưng núi cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông”.
Còn cây trúc là hiện thân của bậc quân tử ở đời. Nơi Côn Sơn hoang vu này, giữa con người và thiên nhiên lại có sự giao hòa, đồng điệu đến tuyệt vời.
“Côn Sơn ca” là khúc ca ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp. Đọc bài thơ, người đọc chẳng những hiểu thêm về tâm hồn đẹp đẽ, thanh cao của nhà thơ mà còn thêm yêu, thêm quý thiên nhiên trù phú của non nước Việt Nam mình.