Bài làm

Mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp đất nước ta lại nô nức với phong trào "Tết trồng cây" đầy sôi nổi. Trong không khí say mê, sôi nổi ấy, ta chợt nhớ đến lời thơ của Bác:

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Hoạt động trồng cây ngày Tết đầy ý nghĩa cũng bắt nguồn từ lời căn dặn ấy của Người. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Và vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Trong bốn mùa của đất nước, mùa xuân có khí hậu ấm áp, ôn hoà, có mưa xuân lất phất khiến đất đai tươi tốt, cây cối đâm chồi, nảy lộc xanh tươi. Do đó, mùa xuân là mùa thích hợp cho cây trồng phát triển. Trong lời dặn của mình, Bác viết “Mùa xuân là Tết trồng cây” còn mang ý nhắc nhở rằng việc trồng cây không phải việc ngày một, ngày hai mà đó là công việc lâu dài: cả mùa xuân là một dịp Tết, Tết trồng cây. Trong đời sống tinh thần của người Việt, nhắc đến “Tết” là nhắc đến niềm vui, nhắc đến công việc chung của toàn cộng đồng. Gọi là “Tết trồng cây” để khẳng định rằng công việc trồng cây mang lại lợi ích cho dân tộc, chẳng những thế, viết như vậy còn hàm ý nhắc nhở nhân dân phải xã hội hóa hoạt động đầy ý nghĩa này. Bên cạnh đó, mùa xuân bắt đầu một năm mới, trồng cây xanh để cổ vũ tinh thần làm việc của mỗi người, sức khỏe của con người, công việc của con người cũng sẽ dồi dào, phát triển như sức sống của cây mới đầu năm.

Vậy tại sao việc trồng cây lại giúp cho đất nước “càng ngày càng xuân”? Bản thân Bác Hồ là người yêu thiên nhiên, Người nhận thức rõ vai trò của thiên nhiên nói chung và cây xanh nói riêng đối với đời sống. Trồng thêm cây xanh chúng ta cũng góp phần khôi phục lại màu xanh của cây cối sau những vụ tàn phá rừng bừa bãi. Điều đó khiến cho khí hậu được trong lành, giảm thiểu tác hại của khí thải công nghiệp, của khí các-bô-níc mà đời sống tạo ra. Cây xanh cũng làm cho thiên nhiên tươi mát, cảnh quan đẹp đẽ. Đi giữa những hàng cây khiến tâm hồn ta thanh thản, khoáng đạt biết bao. Cây xanh góp phần làm giảm thảm họa xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp. Cây xanh cho con người những nguồn dược liệu quý giá. Cây xanh còn cung cấp cho chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng trong gia đình,...

Như vậy, nếu phong trào “Tết trồng cây” phát triển mạnh mẽ thì hẳn đất nước ta sẽ trời xuân xuân cả bốn mùa...

Qua hai câu thơ trên, Bác Hồ chẳng những khẳng định vai trò của cây xanh mà còn còn khuyên nhủ nhân dân trồng nhiều cây xanh. Bác đã phát động Tết trồng cây động viên nhân dân trồng cây vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Và cho đến hôm nay, truyền thống đẹp đẽ đó của dân tộc ta vẫn được duy trì.

Là những người học sinh, chúng em luôn ghi nhớ hai câu thơ cùng lời khuyên nhủ của Bác Hồ. Chúng em sẽ trồng và bảo vệ cây xanh. Cùng với việc phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, đó sẽ là việc để chúng em góp phần xây dựng quê hương, đất nước.