Bài làm
Cùng với ca dao, dân ca... tục ngữ trở thành tinh hoa của văn học dân tộc. Khác với những loại thể văn học khác, tục ngữ thể hiện tri thức của nhân dân về nhiều mặt đời sống, xã hội. Vì vậy, để chuyển tải nội dung ấy, tục ngữ sử dụng một số hình thức nghệ thuật đặc trưng.
Thứ nhất, tục ngữ rất ngắn gọn, hàm súc, mỗi câu tục ngữ chỉ có một số lượng từ không nhiều, thường dao động khoảng trên dưới mười từ mỗi câu. Cá biệt, có câu rất ngắn chỉ gồm bốn đến năm tiếng như Tấc đất, tấc vàng, Nhất thì, nhì thục, Người ta là hoa đất,...
Thứ hai, tục ngữ thường có vần, nhất là vần lưng. Đó là kiểu vẫn nằm ở giữa câu, nối hai vế câu với nhau tạo ra sự liên kết liền mạch. Hầu như câu tục ngữ nào cũng có vần. Ví dụ: Nhất thì, nhì thục; Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa; Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ,...
Các vế trong câu tục ngữ có sự đối xứng nhau cả về hình thức và nội dung. Chẳng hạn trong câu “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”, ta thấy có sự đối rất chỉnh: mau - vắng, nắng - mưa; mau sao - vắng sao, thì nắng - thì mưa. Hay trong câu:
“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.
Hai dòng đối với nhau rất cân: đêm – ngày, sáng - tối, đêm tháng năm - ngày tháng mười, chưa nằm đã tối – chưa cười đã sáng,...
Đặc biệt, trong tục ngữ, lập luận rất chặt chẽ và giàu hình ảnh. Dân gian có sử dụng các cấu trúc câu giàu sức thuyết phục như “... thì...”, “ là ”. Chẳng hạn:
“Trăng quầng thì hạn
Trăng tán thì mưa”
“Người ta là hoa đất”
“Cái răng cái tóc là góc con người”,..
Lời trong tục ngữ cô đọng, mỗi lời như dồn nén, không có từ thừa. Các hình ảnh ví von rất sinh động, các hình ảnh thiên nhiên cũng được sử dụng rất nhiều:
“Người sống, đống vàng”
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
“Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa”,...
Có thể nói, những hình thức nghệ thuật của tục ngữ là do nhu cầu tồn tại của loại hình văn học độc đáo này: Tục ngữ lưu truyền trong dân gian, thể hiện kinh nghiệm của dân gian nên phải giúp người lao động dễ nhớ, dễ thuộc và giàu sức thuyết phục.