Bài làm
Giá trị hiện thực và nhân đạo của đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” (trích vở chèo “Quan Âm Thị Kính”) được thể hiện rất đậm nét qua các nhân vật chính.
Thông qua việc khắc họa sinh động hình ảnh nhân vật Sùng bà cùng Sùng ông và Thiện Sĩ, tác giả dân gian muốn tố cáo giai cấp địa chủ phong kiến với tư tưởng giai cấp bảo thủ hẹp hòi đã sinh ra bản chất ích kỉ, độc ác. Cố tình hiểu lầm hành động của Thị Kính, không cho nàng nói lời thanh minh, Sùng bà nói năng, hành động không chỉ như một mẹ chồng ác nghiệt mà còn như một kẻ đại diện cho tầng lớp trên của xã hội phong kiến trong gia đình. Hành động của mụ thật ghê gớm, thô bạo. Chưa nghe phải trái đã bù lu bù loa. Mụ bắt khoan bắt nhặt Thị Kính đủ điều "dúi đầu Thị Kính xuống", "bắt Thị Kính ngửa mặt lên". Hãy xem kẻ tự xưng là "giống phượng, giống công" (!) ăn nói, toàn những lời lẽ mắng nhiếc, xỉ vả Thị Kính: “con này”, “mày”, “tao”, “cái con mặt sứa gan lim”, “chém bỏ băm vằm”... Dường như mỗi lần mụ cất lời, mụ lại trút cho Thị Kính một tội: tội giết chồng, tội "say hoa đắm nguyệt", "dưới bộc trên dâu". Tất cả những gì là xấu xa nhất, mụ đều đổ vạ cho Thị Kính. Thiện Sĩ thì đớn hèn và nhu nhược. Hắn ta hoàn toàn bỏ mặc người vợ đã từng thương yêu, chăm chút, gắn bó với mình cho mụ hành hạ. Lúc này, y chỉ là một nhân vật thừa trên sân khấu, Sùng ông cũng vậy, không tham gia tích cực vào màn trò hành hạ Thị Kính nhưng lão thật độc ác khi đi báo tin trả Thị Kính về cho Mãng ông. Lão đến nhà thông gia và lớn tiếng từ xa:
- Ông Mãng ơi, ông sang mà ăn cữ cháu!
Mãng ông tưởng thật, đang nói giọng hoan hỉ thì bị dội ngay gáo nước lạnh: "Đây này! Đang nửa đêm nó cầm dao giết chồng đây này!". Không những thế, Sùng ông còn thẳng thừng cự tuyệt quan hệ thông gia với Mãng ông bằng cách dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào nhà.
Tố cáo sự độc ác, tàn nhẫn của tầng lớp địa chủ đồng thời đoạn trích này cũng ngợi ca phẩm hạnh của người dân lao động và bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của họ. Thị Kính hiện lên như một người vợ thương chồng rất mực: vá áo cho chồng, quan tâm đến chồng. Ngay cả khi bị Sùng bà nhiếc móc thậm tệ, nàng cũng thỉ một mực kêu oan không cãi vã nửa lời. Mãng ông hiện lên cũng là một người cha thương con, đồng cảm với nỗi đau khổ của con gái. Tình phụ tử ở ông thật đáng thương.
Nỗi đau khổ mà cha con Thị Kính phải gánh chịu thật oan khuất và quá lớn. Chỉ vì thân phận thấp hèn mà hành động yêu thương chồng của Thị Kính đã bị suy ra hành động giết chồng. Nàng bị mụ mẹ chồng hành hạ, nhiếc móc thậm tệ nhưng chỉ biết kêu oan và van xin. Năm lần Thị Kính kêu oan. Trong năm lần ấy thì bốn lần tiếng kêu oan hướng về mẹ chồng và chồng.
Lần thứ nhất kêu oan với mẹ chồng:
"Giời ơi, oan con lắm, mẹ ơi!”
Lần thứ hai, vẫn với mẹ chồng:
"Oan cho con lắm mẹ ơi!”
Lần thứ ba, kêu oan với chồng
"Oan cho thiếp lắm chàng ơi!"
Lần thứ tư, một lần nữa, lại kêu oan van xin mẹ chồng:
"Mẹ xét tình cho con, oan con lắm mẹ ơi!”
Bốn lần than khóc và van xin. Trông cậy chồng ư? Vô ích. Nàng chờ đợi điều gì ở gã chồng đớn hèn nhu nhược ấy? Mong mỏi Sùng bà xét tình ư? Lời van xin đẫm nước mắt của Thị Kính chỉ là thứ lửa đổ thêm dầu làm bùng thêm lên những lời đay nghiến vô lý, tàn nhẫn. Thị Kính càng kêu oan, nỗi oan càng dày, Giữa gia đình chồng, người phụ nữ đức hạnh ấy hoàn toàn cô độc. Chỉ đến lần thứ năm, lời kêu oan của Thị Kính mới nhận được sự cảm thông, nhưng đó lại chỉ là của Mãng ông: "Oan cho con lắm à?". Một sự cảm thông đau khổ và bất lực. Mãng ông biết con gái bị oan nhưng chỉ là một người nông dân nghèo, không có vị thế trong xã hội, ông không thể làm gì để giúp đỡ con gái. Tiếp đó, Thị Kính không những bị đẩy vào cảnh tan vỡ hạnh phúc vợ chồng, bị chửi mắng, hành hạ còn phải chứng kiến cảnh người cha già yếu bị chính bố chồng làm cho nhục nhã, khổ sở. Hình ảnh hai cha con ôm nhau khóc là hình ảnh của những người chịu oan, đau khổ mà hoàn toàn bất lực. Đó là bi kịch điển hình của những người dân nghèo, nhất là những người phụ nữ nông thôn trong xã hội cũ.
Giá trị hiện thực và nhân đạo của đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” nói riêng và toàn bộ vở chèo “Quan Âm Thị Kính” nói chung là một nội dung quan trọng, chính nó đã tạo nên sức sống bền bỉ cho vở chèo độc đáo này của văn học Việt Nam ta.