Bài làm
Giờ đây, em đã là một học sinh lớp 7. Bước vào phòng học của em, bạn bè ai cũng trầm trồ vì những cuốn sách rất mới rất hay, vì những bức tranh, những cuốn truyện, những đĩa nhạc thật “teen”, thật “kool”... Nhưng ít ai để ý một ngăn tủ nhỏ trông đã cũ sờn, mộc mạc – nhìn đơn sơ vậy thôi nhưng đó là nơi cất giữ kho báu tuổi thơ của em đó. Trong số những đồ vật cũ kĩ ấy, em nhớ nhất những que tính số...
Đó là những que tính bằng tre được vót rất cẩn thận. Mở ngăn tủ ra, em bồi hồi nâng những que tính nhỏ nhắn. Chỉ còn hai mươi hai que tính, que nào que nấy dài đúng mười lăm phân, to bằng một phần ba chiếc đũa nhỏ ăn cơm. Và đặc biệt, que nào cũng nhẵn nhụi, trơn láng do đã được cầm nắm nhiều lần. Nhìn những que tính ấy, em lại rưng rưng nhớ ngày em vào lớp một, ngày bố hì hục đi xin tre để vót que tính cho em.
Ngày ấy chưa có những que tính làm nhựa có thể sẵn mua về như bây giờ. Em vào lớp một, ngày nào cũng líu lo đếm số: một, hai, ba, bốn... rồi ngọng nghịu tập cộng, trừ: hai cộng ba bằng năm, bốn trừ ba bằng một,... Những lúc rối trí, em giữ những ngón tay nhỏ xíu trước mặt rồi phồng miệng cộng trừ. Con số học cứ lớn dần lên, em phải sử dụng cả đến ngón chân, đốt ngón chân. Mỗi lần nhìn em học, bố lại ngồi xuống chăm chú nhìn em cười như có điều gì thích thú. Những lần như thế, em giận bố lắm, có gì đáng cười đâu cơ chứ! Đến khi học đến phạm vi số một trăm thì những đốt ngón tay cũng không thể giúp gì cho em. Một lần ngồi học bài, gặp phép tính lớn, em bị nhầm lẫn luôn, tủi thân quá, em bật khóc. Bố thấy vậy liền lại gần em nhưng không phải cười mà nhẹ ôm em vào lòng động viên, an ủi.
Buổi chiều hôm ấy, em thấy bố đi đâu đó khá lâu. Lúc trở về, bố vác theo một cây tre nhỏ. Thấy em, bố cười bảo: Bố chuẩn bị làm máy tính cho con đấy. Em không tin nhưng vẫn tò mò nhìn người làm. Bố lấy con dao lớn chặt tre thành từng đốt rồi lọc lượt vỏ xanh bên ngoài, lọc lượt lõi trắng bên trong, pha thành những thanh tre nhỏ. Nhìn những que tre trắng nõn, thô phác nằm xếp đống, em nghĩ bố định vót đũa ăn cho một bữa cỗ (Thế mà bố bảo làm máy tính cho em!). Tiếp đến, bố lấy con dao nhỏ chuốt từng que tre. Bố làm công việc ấy tỉ mỉ lắm, người đặt từng que tre ướm vào cái thước căn đúng mười lăm xen-ti-mét rồi chặt, lưỡi dao nhỏ cứ chạy đi chạy lại làm cho thân que nhẵn nhụi, tròn lẳn. Trán bố đã lấm tấm mồ hôi mà đôi mắt như hấp háy cười. “Tròn một trăm que con gái ạ!”. Những que tính nhỏ xinh ra đời từ đấy.
Buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên dùng đến những que tính rất lạ do bố làm (trong lớp em chưa ai có những que tính như thế), em vừa tò mò vừa thích thú. Những que tính mới tinh còn thơm mùi tre chuyền từ tay này sang tay khác trông thích mắt lắm! Tiếng que tính va vào nhau lách cách giống hệt khi em chơi chuyển. Chà! Tính bằng que tính mới tiện làm sao. Làm toán nhanh thật đấy! Học xong, em còn xuýt xoa, ngắm nghía đám que tính một lát rồi mới chịu lấy chiếc dây chun bó làm hai bó. Sáng hôm sau đến lớp, vào giờ học toán khi em rút những que tính của mình ra, cả lớp xôn xao. Cô giáo cũng đến chiêm ngưỡng rồi khen em sáng tạo. Nghe em kể về nguồn gốc của chúng, các bạn trong lớp hồ hởi: “Nhất định tớ cũng nhờ bố làm cho như thế!”.
Suốt năm lớp một, que tính đã giúp em học toán rất nhanh. Qua thời gian, chúng có thay đổi chút xíu. Chúng khô đi, trở thành màu nâu, và do cọ xát nhiều nên rất bóng nhẵn càng đẹp mắt. Lên đến lớp hai, em tính nhẩm đã rất nhanh không cần dùng đến que tính nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn mang que tính ra làm cho đỡ nhớ!
Còn lại với em đến bây giờ chỉ còn hai mươi hai que tính. Đó phần nhiều là em đem tặng bạn làm kỉ niệm, cũng có khi cho để giúp bạn học tính. Những que tính khiến em nhớ đến tấm lòng yêu thương của bố và cái buổi chiều bố tỉ mỉ chuốt từng que tính cho em. Chúng cũng gợi nhắc em đến một thời ngây thơ, đáng yêu nhất trong cuộc đời mình... Tất cả những điều ấy động viên em biết học tốt, học chăm thêm nữa.