Bài làm

Trái Đất đang nóng dần lên, băng tan ngày càng nhiều, nước biển dâng lên rất nhanh. Lũ lụt. Hạn hán. Vòi rồng,... Đã đến lúc mỗi chúng ta không thể dửng dưng trước những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt. Đã đến lúc chúng ta phải hành động để bảo vệ mình. Công việc quan trọng hàng đầu của nhân loại là cần biết bảo vệ rừng. Bởi trong lúc này đây, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Rừng là một quần thể cây cối mọc lâu năm trên một khu đất rộng lớn. Ta có thể kể đến nhiều khu rừng nổi tiếng của thế giới và Việt Nam như rừng tai-ga của Nga, rừng A-ma-dôn của châu Mĩ, rừng Cúc Phương, rừng Trường Sơn, rừng U Minh. Rừng có một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người.

Do những đặc tính sinh học đặc biệt của chất diệp lục trong lá cây mà rừng như một cỗ máy kỳ diệu, nó hấp thụ mọi chất khí độc, bụi bẩn và trả lại không khí sạch sẽ, trong lành. Bởi thế, rừng còn được mệnh danh là “lá phổi xanh của Trái Đất”. Rừng cũng giúp điều hoà khí hậu, làm cho khí hậu trở nên mát mẻ, trong lành. Điều đó ta có thể tận hưởng ở những nước nhiệt đới nơi rừng phát triển như châu Mĩ La-tinh, vùng Đông Nam Á,... ở những nơi không có rừng hay rừng bị tàn phá, khí hậu rất khô nóng, khắc nghiệt. Đơn cử có thể nhắc đến một số nước châu Phi.

Không chỉ vậy, rừng còn giúp giữ đất, bảo vệ đất. Mưa nguồn trút xuống rừng gặp tầng tầng lớp lớp những tán cây ngăn lại, vận tốc của nước mưa giảm đi, khi tiếp đất nó chậm rãi thấm vào lòng đất chứ không xối mạnh khiến đất bị bong, bị trôi. Khi gặp lũ cũng vậy. Những tán cây bụi, những rễ cây già rậm rịt làm giảm vận tốc dòng nước khiến nước lũ có đủ thời gian ngấm vào lòng đất chứ không vội vàng giận dữ cuốn lớp đất màu trôi đi. Bởi vậy, rừng giúp đất tránh bị xói mòn, rửa trôi.

Bên cạnh đó, rừng con mang lại những giá trị kinh tế rất lớn. Những cây trong rừng như đinh, lim, sến, táu, thông, tùng, bách,... là nguồn cung cấp gỗ rất lớn cho các hoạt động để làm ra những đồ dùng như bàn ghế, tủ, nhà cửa... Đặc biệt, có những loài cây giúp ta chữa bệnh, như thảo quả, linh chi, nấm,... Rừng cũng là nơi trú ngụ, là ngôi nhà thân thương của biết bao loài chim thú: cú, sẻ, sâu, gõ kiến, vẹt...rồi hổ, báo, sư tử, thằn lằn, voi, gấu,... và cả những loài thú hiếm như voọc, đười ươi, rắn chuông, khỉ đầu đỏ, gấu trúc, hổ trắng. Hệ thực - động vật phong phú là cơ sở để rừng còn phát triển ngành du lịch sinh thái. Rất nhiều quốc gia đã thành công với mô hình này. Có thể kể đến như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Mi-an-ma,... Việt Nam ta cũng đang có được những thành công bước đầu ở các khu rừng Cúc Phương, Bạch Mã,...

Độc đáo hơn cả, với đất nước ta, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng cũng tham gia đánh giặc. Rừng chẳng những là nơi trú ẩn của bộ đội ta mà rừng còn ngăn bước quân thù: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, với ta là “rừng vàng” với kẻ thù rừng lại là “rừng thiêng nước độc”. Rừng đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi của dân tộc.

Rừng mang lại cho chúng ta bao lợi ích như vậy nhưng rừng đang bị tàn phá một cách dã man. Ở các cánh rừng, nạn chặt phá cây lấy gỗ, săn bắt thú quý để kiếm lời vẫn còn nhiều, làm kiệt quệ tài nguyên rừng. Hay việc du canh, du cư của các dân tộc ít người cũng rất có hại. Họ đốt rừng làm rẫy, xong vài ba vụ canh tác, đất hết chất màu họ lại bỏ đến khu rừng khác. Hủ tục ấy chẳng những gây ra tình trạng đất trống đồi trọc mà còn làm hại đất rừng. Hậu quả của những việc làm ấy ta đã thấy rất rõ. Những vụ cháy rừng ở Ma-lai-xi-a, Ấn Độ,... vài năm trước còn khiến nhiều người kinh hoàng. Ở Việt Nam ta, vụ cháy rừng U Minh năm hai nghìn linh ba vừa qua do một số người đã đốt cây rừng khiến một phần lớn của khu rừng già vào bậc nhất của đất nước đã bị thiêu rụi. Hay vụ đàn voi ở Bình Thuận do bị mất chỗ ở, đã tức giận, kéo xuống phá bản làng của người dân, gây thiệt hại rất lớn về tiền của lẫn con người...

Tất cả những việc làm phá hoại rừng đều gây nguy hại trực tiếp đến sự sống của con người. Bởi vậy, bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống của chính chúng ta. Nhà nước ta đã có những biện pháp bảo vệ rừng nhưng chưa triệt để vì vẫn còn những đường dây lớn chặt phá, buôn bán gỗ rừng không thể kiểm soát. Vì vậy vấn đề bảo vệ rừng trách nhiệm lớn nhất thuộc về mỗi chúng ta.