Bài làm
Ánh trăng là một thi đề chưa bao giờ khuất sáng trên trang thơ của các thi nhân đông tây kim cổ. Là một người yêu thiên nhiên, Hồ Chí Minh không bao giờ để trăng vắng bóng trên trang thơ của mình. Hơn thế, Bác còn có một bài thơ thật hay về ánh trăng đêm rằm tròn đầy viên mãn: bài thơ “Nguyên tiêu”.
"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba, thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền".
Bài thơ được dịch là:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Hai câu thơ đầu vẽ nên cảnh đẹp tuyệt vời của đêm nguyên tiêu. Vầng trăng mùa xuân vừa đúng độ tròn, xinh tươi, soi sáng khắp không gian. Bầu trời cao rộng, trong trẻo, thoáng đãng. Đất trời quê hương bao la, vô tận hòa vào hơi thở mãnh liệt của mùa xuân. Bầu trời và vầng trăng tưởng như không có giới hạn, dòng sông mùa xuân, màu nước mùa xuân nối liền với bầu trời xuân: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Câu thơ dịch đáng tiếc đã không chuyển tải được cái ý tưởng diệu kì đó của nguyên tác. Ba từ “xuân” liên tiếp nối nhau vút lên trong một câu thơ mang âm điệu bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thảnh thơi, thanh bình, thú vị làm sao! Câu thơ cứ mở ra, mở ra như đến vô cùng, sông xuân - nước xuân - trời xuân, một mùa xuân, khí xuân lồng lộng, bát ngát. Chất liệu câu thơ là chất liệu cổ thi “nguyệt” nhưng tạo nên câu thơ lại là sự sáng tạo đặc biệt tài hoa của người nghệ sĩ. Điều đó đã làm nổi bật cái thần của bức tranh "nguyên tiêu": tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống của vạn vật, con người.
Trong hai câu thơ cuối bài, người đọc còn ngỡ ngàng hơn nữa trước sự hòa quyện tuyệt vời giữa sự cổ điển và hiện đại trong thơ Bác. Hai chữ “yên ba” - khói sóng gợi đến câu thơ Đường nổi tiếng “Yên ba tam nguyệt há Dương Châu”. Và bốn chữ “Dạ bán quy lai” gợi đến câu thơ của Trương Kế: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Hồ Chí Minh đã cố tình mượn câu chữ của cổ nhân để đưa vào đó những nội dung rất mới. Cũng là khói sóng trên sông nhưng người xưa vui với khói sóng tháng ba mờ ảo tĩnh lặng trên đất Dương Châu thì Người say với khói sóng giữa dòng sông để “đàm quân sự” bàn việc nước. Người xưa bồi hồi với tiếng chuông chùa nửa đêm thì Người ngây ngất với hình ảnh "nguyệt mãn thuyền” - “trăng ngân đầy thuyền”. Hình ảnh con thuyền cách mạng đã trở thành con thuyền chở trăng, vầng trăng của sự viên mãn, vầng trăng của thành công và thắng lợi. Hình ảnh thơ tươi sáng, chứa đựng cái nhìn lạc quan của Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng của toàn dân tộc. Hình ảnh cuối bài thơ mở ra cho ta một cánh cửa kỳ diệu khám phá con người Bác: nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng rất đỗi thiêng liêng, bí mật mà đẹp như trong huyền thoại, nơi bàn chuyện hệ trọng sống còn của đất nước, vậy mà Người vẫn đắm say tận hưởng một vầng trăng đẹp, một vầng trăng viên mãn. Ở đó, cái thực và cái ảo đan xen, hài hòa. Khói sóng hư ảo, vầng trăng lung linh đan xen với cái gấp gáp, hệ trọng của việc quân thần tốc. Đó chính là vẻ đẹp của con người Hồ Chí Minh: vừa mang phong cách, cốt cách thi sĩ vừa mang phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ thể hiện tinh thần thời đại, khỏe khoắn, trẻ trung.
Bằng tâm hồn người nghệ sĩ luôn gắn bó với thiên nhiên, yêu đắm say thiên nhiên, bằng tấm lòng luôn đau đáu lo về việc nước kết hợp với tài năng bậc thầy của một ngòi bút tả cảnh, cảm nhận tinh tế, độc đáo và sự sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu cổ thi, âm điệu cổ điển nhưng rất mới lạ, giàu sức sống, Hồ Chí Minh đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng “Nguyên tiêu” – “Rằm tháng Giêng” – để lại dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc xưa và nay.