Bài làm
Tục ngữ, ca dao là tinh hoa của văn học dân gian Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng nhất của tục ngữ, ca dao là thể hiện tinh thần đoàn kết thương yêu nhau của người Việt. Nhiều câu tục ngữ ca dao vào loại hay nhất trong kho tàng tục ngữ ca dao của nhân dân ta mang nội dung này.
Thật vậy. Giữa cuộc đời đầy phong ba bão tố, tuy là một sinh vật có sự phát triển hoàn thiện nhất về bộ óc và bàn tay nhưng con người so với thiên nhiên vẫn vô cùng bé nhỏ, có biết bao nhiêu trở lực đến với con người từ cuộc sống ngàn xưa. Nào là sức phá hoại của thiên tai, nào là sự đè nén phũ phàng của địch họa. Để tồn tại và phát triển, con người không thể sống cô thân độc mã, một người, một ít người làm sao có thể chống được thú dữ, lại càng không thể một người, một ít người chống chọi với kẻ thù xâm lược. Yêu cầu tồn tại của cuộc sống tự nhiên đặt ra sự hợp quần, sự đoàn kết. Họ hiểu rằng đoàn kết chính là sự sống, chia rẽ là chết. Kinh nghiệm cuộc sống dạy cho con người như vậy. Tục ngữ, ca dao ra đời là để thể hiện ý chí và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sống ấy thể hiện phong phú trong tục ngữ, ca dao. Và như thế, một trong những nội dung hay nhất là nội dung phản ánh tinh thần đoàn kết.
Trước hết, người xưa hiểu rằng gia đình là cái nôi, là đơn vị nhỏ nhất mà họ phải thương yêu gắn bó:
“Lá lành đùm là rách”,
“Anh em như thể tay chân.
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”,
“Chị ngã em nâng”,
“Môi hở răng lạnh”,
Người xưa cũng nói:
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Thờ cha kính mẹ là cái nóc của gia đình. Từ lòng kính yêu cha mẹ, họ ý thức được:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Họ cũng hiểu rằng: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Cách nói phóng đại ấy là sự thể hiện cô đọng, súc tích nhất, hình ảnh nhất của mối quan hệ gia đình. Điều kì diệu để họ vượt qua khó khăn gian khổ là cơ sở tiến tới tình cảm gắn bó, hợp quần với xóm làng, là cơ sở của sức mạnh “tát bể Đông” dời non lấp biển mà con người có thể làm được một khi có tinh thần đoàn kết.
Người xưa sớm ý thức được rằng:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
“Một cây” là con nhân đơn lẻ làm sao có thể thành rừng, làm sao có thể đứng vững giữa bão tố. “Ba cây chụm lại” là cách nói hình ảnh của nhiều cây, khi gặp lại chúng sẽ thành một rừng cây xanh tốt sẽ tạo nên một hòn núi cao. Như vậy còn sợ gì bão táp mưa sa nữa. Và vậy là tinh thần “ăn một mình đau tức, ăn một mình cực thân” cái nghĩa lí “thà ăn bác họp đông vui còn hơn giàu có mồ côi một mình” đã dần nâng ý thức của con người lên tầm gắn bó với cộng đồng dân tộc:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Thật đẹp đẽ và đúng đắn tinh thần đoàn kết ấy. Hiểu rằng con người sống không thể có làng xóm, Tổ quốc khi xã hội đã phát triển thành quốc gia, họ bảo nhau hãy trân trọng hãy gìn giữ hãy thương yêu đùm bọc nhau như bầu bí “cùng chung một giàn”. Họ trân trọng sự yên lành sự trong sáng của giá gương nên đã dùng “nhiễu điều phủ lấy”. Như vậy là từ ý thức gia đình, làng xóm đã hình thành tinh thần quốc gia, dân tộc. Đoàn kết là sức mạnh giúp cộng đồng lập nên chiến công hiển hách. Tinh thần đoàn kết ấy được phản ánh vô cùng sinh động trong ca dao tục ngữ và những câu những bài hay nhất những viên ngọc tỏa hào quang lấp lánh phản ánh tâm hồn tư tưởng tình cảm con người tạo nên sức sống bền bỉ, tạo nên sự sâu sắc của tư tưởng mà tục ngữ ca dao phản ánh.
Những thế hệ trước, nhiều thế hệ mai sau vẫn còn được thừa hưởng bài học cuộc sống quý giá ấy, những tinh thần đẹp đẽ và sâu sắc ấy. Và chắc chắn tinh thần dân tộc ấy, những giá trị kinh nghiệm sống phong phú sẽ được phát huy để ngọc được mài mà sáng mãi đến mai sau.