Bài làm
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”
Trong bài thơ “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” của Đỗ Phủ, nhờ có năm dòng thơ cuối mà nỗi đau của một người đã trở thành tấm gương phản chiếu nỗi đau của muôn người, muôn nhà. Tình cảnh bi đát mà nhà thơ gặp phải không chỉ gặp ở một vài mảnh đời mà gặp ở muôn đời, muôn người. Kẻ sĩ nghèo rách bất hạnh trong thiên hạ nhiều không kể xiết, nếu có thể, phải dùng đến “nhà rộng muôn ngàn gian” che chắn. Hơn thế, năm dòng thơ ấy còn cho thấy tư tưởng nhân văn cao đẹp của nhà thơ khi đặt nỗi đau chung của đất nước, của muôn người lên trên nỗi đau riêng. Theo tâm lý thường tình, khi nghèo đói rách nát, nhìn những người khác yên ấm, no đủ con người thường có những cảm xúc tủi thân nếu không phải là ganh ghét, tị nạnh. Nhưng ở đây, Đỗ Phủ đã vượt lên trên những suy nghĩ thường tình, gạt đi nỗi đau riêng mà ước mơ cho nhân dân cần lao trong thiên hạ một mái nhà chung yên ấm. Ông đã dám đánh đổi hạnh phúc cá nhân lấy hạnh phúc của những cuộc đời chung: chỉ cần mọi người được yên ấm, ông chấp nhận riêng mình chịu khổ. Ước mơ của nhà thơ tuy ảo tưởng nhưng rất đẹp, bởi nó bắt nguồn từ khát khao về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no. Và như thế, khổ thơ cuối của bài thơ chứa chan một tấm lòng vị tha nhân đạo sâu sắc.