BÀI LÀM
Sông Bạch Đằng là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân dân Đại Việt trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Năm 938, Ngô Quyền đã phá tan quân Nam Hán, giết chết tướng giặc Hoằng Thao. Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Mông - Nguyên, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi, đốt cháy nhiều chiến thuyền của chúng.
Năm mươi năm sau chiến thắng lẫy lừng ấy, tôi đã đến thăm nơi đây trên chiếc thuyền buồm căng gió, lướt nhẹ trên sóng nước. Thuyền qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều. Trước mắt tôi là dòng sông Bạch Đằng bát ngát sóng xô, mênh mang trời nước. Màu nước xanh hoà với màu trời xanh, tạo thành một không gian vô tận đặc trưng của mùa thu.
Hai bên bờ sông, lau lách mọc dày san sát, khung cảnh bến bãi đìu hiu. Tưởng như dưới mặt sông kia là tầng tầng giáo gãy, gươm chìm ; dưới gò hoang kia là lớp lớp xương khô của quân xâm lược. Tôi đứng lặng giờ lâu trước dòng sông, bồi hồi nhớ đến quá khứ oanh liệt thuở nào. Ôi! Dấu vết các trận đánh vẫn còn đây mà anh hùng đâu vắng?
Chợt có mấy vị bô lão đang tiến đến gần. Một cụ già tay chống cây gậy lê vái chào tôi rồi thưa rằng: “Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh (tức vua cha Trần Thánh Tông và vua con Trần Nhân Tông) bắt sống tướng giặc hung hãn Ô Mã Nhi trong trận Bạch Đằng vào năm 1288. Cũng là nơi thuở trước Ngô Quyền phá tan đạo quân của Hoằng Thao và giết chết hắn. Đương khi ấy, thế giặc rất mạnh, thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới. Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói. Trận giao chiến dữ dội kéo dài khiến nhật nguyệt cũng phải mờ, trời đất cũng phải đổi. Những tưởng quân cướp nước cậy có tướng giỏi, quân đông, chỉ cần gieo roi một lần là có thể quét sạch Nam bang bốn cõi. Thế nhưng Trời chẳng chiều ý lũ hung đồ nghịch tặc chuyên cướp nước người. Quân dân Đại Việt đã đánh cho chúng tan tác tro bay, chẳng khác chi Chu Du (thời Tam quốc bên Trung Hoa) đã dùng kế hoả công của Gia Cát Lượng đốt cháy bao chiến thuyền của Tào Tháo trên quãng sông Dương Tử gần núi Xích Bích. Hay giống như trận Hợp Phì, tướng Tạ Huyền đã đánh tan một trăm vạn quân giặc Bồ Kiên".
Nước sông Bạch Đằng vẫn mải miết chảy hoài mà mối nhục của quân thù khôn rửa nổi. Quả là kể từ khi có vũ trụ, giang san, Trời đã cho dân tộc Đại Việt thế đất hiểm yếu để có thể giữ gìn xã tắc. Các vua Trần đã một lần nữa lập nên chiến công hiển hách, làm rạng rỡ truyền thống oai hùng của tổ tiên. Tiếng thơm mãi mãi còn lưu trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Ngắm sông Bạch Đằng, lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả: vừa hổ thẹn là mình chưa xứng đáng với tiền nhân, vừa bâng khuâng nhớ người xưa. Tức cảnh sinh tình, tôi ngâm nga mấy vần thơ bày tỏ suy nghĩ của mình:
Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Mấy vị bô lão cũng hứng khởi tiếp rằng:
Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.
Quả là Trời đã cho đất nước ta địa thế núi cao, sông sâu để ngăn bước quân thù. Những địa danh như Quỷ Môn Quan ở biên giới phía Bắc mà thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (mười người đi chỉ có một người trở về); hay như dòng sông Bạch Đằng đang cuồn cuộn chảy trôi trước mắt còn ám ảnh quân xâm lược đến muôn đời. Tuy vậy, yếu tố quyết định chiến thắng vẫn là con người. Dân tộc Đại Việt có truyền thống yêu nước, bất khuất chống xâm lăng suốt mấy ngàn năm. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các đời vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, quân dân ta đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh to lớn không gì ngăn cản nổi, quét sạch lũ cướp nước ra khỏi bờ cõi, giữ vững chủ quyền độc lập thiêng liêng mà tổ tiên đã đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu. Trong tâm khảm tôi bất chợt vang lên tiếng ngâm thơ sang sảng đầy tự hào: Đằng Giang tự Cổ huyết do hồng.