I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Ca dao là thể thơ truyền thống rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam.

- Dân ca là những sáng tác kết hợp giữa thơ với nhạc. Lời của dân ca chính là ca dao.

- Người bình dân thường dùng ca dao - dân ca để bày tỏ đời sống tình cảm phong phú, đa dạng và những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời.

2. Thân bài:

* Các chủ đề lớn trong ca dao - dân ca:

+ Những câu hát thổ lộ tâm tình:

- Những câu hát này gắn liền với các hình thức sinh hoạt lao động, gia đình và cộng đồng làng xã. Hình thức hát phù hợp với từng đối tượng, từng công việc: Hát thợ cấy, hát phường vải, hò chèo thuyền, hò giã gạo...

- Các làn điệu dân ca mang đậm tính chất địa phương: Hát xoan Phú Thọ, hát quan họ Bắc Ninh, hát phường vải Nghệ - Tĩnh; hò Huế ; lí Nam Bộ...

- Nội dung thể hiện tình yêu quê hương, đất nước; tình bạn; tình yêu nam nữ ; tình yêu cuộc sống...

+ Những câu hát than thân, phản kháng:

- Phản ánh tâm trạng buồn tủi, đắng cay của những người dân nghèo trước những bất công trong xã hội phong kiến áp bức, bóc lột.

- Phản ánh số phận phụ thuộc, thân phận nhỏ bé của người phụ nữ...

- Thể hiện ước mơ, khát vọng đổi đời của người lao động...

+ Những câu hát trào lộng, châm biếm:

- Chỉ trích, phê phán những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột với mục đích đả kích.

- Chế giễu, cười cợt những thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân với mục đích khuyên răn, nhắc nhở.

* Nghệ thuật của ca dao - dân ca.

- Hình thức chủ yếu là thơ lục bát có vần, có điệu, dễ nhớ, dễ thuộc.

- Một số là lục bát biến thể.

- Cách lập ý, diễn ý trong ca dao thường bằng những hình ảnh so sánh, tượng trưng, được lấy từ thực tế cuộc sống của người bình dân, từ khung cảnh thiên nhiên quen thuộc xung quanh.

- Ngôn ngữ ca dao - dân ca giản dị, hồn nhiên, in đậm dấu ấn của ngôn ngữ đời thường. Các thành ngữ, tục ngữ, nghệ thuật chơi chữ... được vận dụng khéo léo, hài hoà.

3. Kết bài:

- Ca dao - dân ca là tấm gương phản chiếu sinh động về cuộc sống muôn màu muôn vẻ của dân tộc Việt.

- Là nền tảng vững chắc để nền văn học viết kế thừa và phát triển.

- Là kho tàng vô giá mà tổ tiên để lại cho các thế hệ sau.

II. BÀI LÀM

Ca dao là loại thơ trữ tình xuất hiện từ lâu đời và rất phổ biến trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nội dung chính của nó là phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm phong phú của tầng lớp bình dân. Dân ca là những sáng tác kết hợp giữa ca dao với các làn điệu dân ca. Vì thế mà ca dao - dân ca thường sóng đôi, gắn bó như hình với bóng.

Người xưa hay dùng ca dao - dân ca để thổ lộ tâm tình và nói lên những suy nghĩ về cuộc sống. Trong giao tiếp hằng ngày, họ có thói quen mượn những câu ca dao hợp tình, hợp cảnh để diễn đạt thay cho lời nói, làm tăng sức biểu cảm của lời nói. Từ ca dao, người dân biến thành các làn điệu dân ca nhằm gửi gắm, bộc lộ đầy đủ hơn tâm tư, tình cảm của mình.

Ca dao - dân ca xoay quanh mấy chủ đề lớn như:

* Những câu hát thổ lộ tâm tình:

Những câu hát này thường gắn liền với cuộc sống lao động, sinh hoạt gia đình và sinh hoạt cộng đồng. Hình thức hát cũng rất đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng công việc. Lứa tuổi trẻ thơ có những bài đồng dao hát khi chơi các trò chơi quen thuộc như: chi chi chành chành, chồng nụ chồng hoa, dung dăng dung dẻ, rồng rắn lên mây... Nông dân có hát phường cấy, hò giã gạo... ngư dân có hò chèo thuyền, hò kéo lưới... thợ dệt có hát phường vải... Từng vùng miền đều có những bài ca dao, những làn điệu dân ca mang tính chất đặc trưng cho con người và địa phương. Ví dụ như Phú Thọ có hát xoan, Bắc Ninh có dân ca quan họ, Nghệ - Tĩnh có hát dặm và nhiều điệu hò; Huế có ca Huế, hò Huế; vùng Ngũ Quảng có hát bài chòi; Nam Bộ có các điệu lí, điệu hò của vùng đồng bằng sông nước... Dù hình thức khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một nội dung phản ánh tâm tư tình cảm vui buồn và những ước mong, khát vọng của người dân lao động thuở xưa.

Một trong những tình cảm trong sáng và đẹp đẽ mà ca dao luôn nói tới là tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước. Non sông Việt Nam nơi nào cũng đẹp, cũng cuốn hút hồn người. Từ vùng địa đầu Tổ quốc:

Đồng Đăng có phố Kì Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh,

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.

Đến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?!

Đến dải đất miền Trung sơn thuỷ hữu tình:

Đường vô xứ Huế quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh hạa đồ.

Đến châu thổ đồng bằng miền Tây Nam Bộ phì nhiêu, màu mỡ:

Ruộng Cửu Long cò bay thẳng cánh,

Sông Cửu Long lấp lánh cá tôm.

Giang sơn gấm vóc ấy có được là do bao thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu xây đắp và bảo vệ. Chính vì thế mà truyền thống yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm, truyền thống cần cù lao động, truyền thống đoàn kết, nhân ái... của dân tộc Việt Nam là rất đáng tự hào.

Qua ca dao - dân ca, hình ảnh quê hương với luỹ tre, đồng lúa, cây đa, bến nước, sân đình cùng những mái rạ đơn sơ đã trở nên thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt. Cho nên dẫu đi đâu, về đâu, dẫu sống ở phương trời nào thì lòng người cũng thương, cũng nhớ:

Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Nhiều bài học đạo lí được nhân dân ta đưa vào trong ca dao - dân ca để dạy dỗ, giáo dục con cháu từ thuở ấu thơ, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:

Làm người có tổ có tông,

Như cây có cội như sông có nguồn.

Hoặc:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Khuyên anh em phải hoà thuận, thương yêu:

Anh em như thể tay chân,

Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần.

Khuyên nam nữ yêu nhau phải biết vượt qua mọi trở lực để đến với tình yêu đích thực:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,

Ngũ lục sống cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

Khuyên vợ chồng phải thuỷ chung, son sắt:

Rủ nhau xuống biển mò cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Ai ơi chua ngọt đã từng,

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau!

Khuyên bạn bè phải đối xử trân trọng, trước sau gắn bó:

Bạn bè là nghĩa tương tri,

Sao cho sau trước một bề mới yên.

Khuyên mọi người biết đùm bọc, sẻ chia lúc khó khăn, hoạn nạn:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

* Những câu hát than thân, phản kháng:

Bên cạnh những câu ca dao - dân ca nói về tình yêu quê hương, đất nước, con người... là những câu thể hiện tâm sự đắng cay, buồn tủi trước thân phận nghèo khó, bất hạnh của người lao động trong xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công. Đời sống vật chất thiếu thốn cộng với những nỗi cơ cực do giai cấp bóc lột gây ra là nguyên nhân phát sinh những câu hát được phổ biến rộng rãi trong dân gian:

Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi kiếm mồi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dẫu kêu ra máu có người nào nghe?!

Thương thay con hạc đầu đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay!

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn cho gầy cò con?!

Người phụ nữ phải chịu nhiều bất hạnh nhất trong xã hội trọng nam khinh nữ. Họ không thể thay đổi số phận, thay đổi hoàn cảnh sống nên cũng chỉ biết gửi gắm lòng mình vào những câu ca dao - dân ca chất chứa buồn thương:

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai?

Thân em như trái bần trôi,

Gió dập sóng dồi, biết tấp vào đâu?

Nhưng không phải người dân lao động chỉ biết cúi đầu chấp nhận thân phận bị đoạ đày, áp bức mà họ ý thức rất rõ về sự phân biệt giai cấp, phân biệt giàu nghèo:

Trời sao trời ở bất công,

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.

Kẻ thì mớ bảy mớ ba,

Người thì áo rách như là áo tơi.

Cũng có khi họ bộc lộ rõ thái độ phản kháng đối với giai cấp thống trị:

Quan có cần nhưng dân chưa vội,

Quan có vội quan lội quan sang.

Đối với bọn sâu dân mọt nước chuyên nhũng nhiễu dân lành, họ lên án:

Con ơi nhớ lấy câu này,

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Họ mong mỏi có một ngày nào đó, trật tự xã hội sẽ thay đổi:

Con vua thì lại làm vua,

Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Bao giờ dân nổi can qua,

Con vua thất thể lại ra quét chùa.

* Những câu ca dao trào lộng, châm biếm:

Có nhiều bài ca dao châm biếm, cười cợt những thói hư tật xấu trong nội bộ dân chúng như thói lười biếng, siêng ăn nhác làm:

Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa.

Ngày thì ước những ngày mưa,

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Hay thói đam mê cờ bạc:

Cờ bạc là bác thằng bần,

Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm.

Hoặc thói mê tín dị đoan, tin vào những lời nói quàng xiên của đám thầy bói, thầy cúng lừa đảo:

Số cô không giàu thì nghèo,

Ba mươi Tết có thịt treo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha,

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Có thể nói ca dao - dân ca là bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội của Việt Nam trong nhiều thế kỉ. Sở dĩ ca dao - dân ca có sức sống lâu bền chính là nhờ những đặc điểm nghệ thuật độc đáo của nó.

Trước hết phải nói đến thể thơ. Phần lớn ca dao sáng tác theo thể thơ lục bát (sáu - tám) và song thất lục bát (bảy - bảy - sáu - tám). Những thể thơ này có cách gieo vần dễ thuộc, dễ nhớ, dễ lưu truyền.

Ngoài ra còn có dạng lục bát biến thể, số lượng chữ trong câu thay đổi nhưng quy luật về vần và thanh điệu thì vẫn giữ nguyên. Ví dụ:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,

Về sông ăn cá về đồng ăn cua.

Ноặс:

Muối ba năm muối đang còn mặn,

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.

Đôi ta nghĩa nặng tình dày,

Có xa nhau ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

Đặc điểm thứ hai là cách diễn ý và lập ý trong ca dao - dân ca thường bằng các hình ảnh so sánh và ẩn dụ tượng trưng. Đặc điểm này rất phổ biến trong mảng nói về đời sống tình cảm, nhất là tình yêu của người lao động. Nhiều câu ca dao hay và đẹp có sức sống muôn đời:

Bây giờ mận mới hỏi đào:

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa:

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!

Hoặc:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!

Hoặc:

Đôi ta như thể con tằm,

Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.

Đôi ta như thể con ong,

Con quấn con quýt con trong con ngoài.

Hoặc:

Tình anh như nước dâng cao,

Tình em như dải lụa đào tẩm hương.

Những hình ảnh so sánh và ẩn dụ trong ca dao đều được lấy từ thực tế cuộc sống lao động của nông dân nơi đồng ruộng, xóm làng; từ phong cảnh thiên nhiên quen thuộc, hữu tình. Vì thế mà nó dễ đi vào lòng người và gây xúc động sâu xa.

Đặc điểm thứ ba là ngôn ngữ của ca dao - dân ca rất giản dị, hồn nhiên và đậm chất địa phương. Tuy gần với ngôn ngữ thơ ca nhưng ca dao, dân ca vẫn mang hơi hướng của lời nói thường ngày trong cách dùng từ, đặt câu, diễn ý. Những thành ngữ, tục ngữ, lối chơi chữ thông minh, dí dỏm cũng được đưa vào ca dao - dân ca một cách nhuần nhị và khéo léo.

Ca dao - dân ca là tấm gương phản chiếu đời sống muôn màu muôn vẻ của dân tộc Việt Nam; là nền tảng vững chắc để nền văn học viết kế thừa và phát triển. Ca dao - dân ca có tác dụng rất lớn trong việc khẳng định tính chất giàu và đẹp của tiếng Việt - sản phẩm tinh thần vô giá mà tổ tiên đã để lại cho con cháu đời đời.