I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Người xưa thường gửi gắm vào truyện ngụ ngôn những bài học có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

- Người đọc có thể rút ra nhiều bài học khác nhau từ một truyện ngụ ngôn.

- Ý nghĩa khái quát vẫn là tính chất nổi bật nhất của truyện ngụ ngôn.

2. Thân bài:

* Chứng minh bằng một số truyện ngụ ngôn đã học.

+ Truyện Ếch ngồi đáy giếng:

- Tóm tắt nội dung.

- Ý nghĩa: Mượn chuyện loài vật để kín đáo, bóng gió nói đến chuyện loài người. Phê phán cách nhìn đời thiển cận, chủ quan và nêu ra tác hại không thể tránh khỏi của cách nhìn ấy.

+ Truyện Thầy bói xem voi:

- Tóm tắt nội dung.

- Ý nghĩa: Không dừng ở mức chế giễu để chọc cười, mua vui mà chủ yếu là phê phản cách tìm hiểu, nhận thức về sự vật sơ sài, phiến diện, dẫn đến cách đánh giá chủ quan sai lầm. Đồng thời chỉ trích những kẻ hiểu biết nông cạn lại hay làm ra vẻ thông thái.

3. Kết bài:

- Truyện ngụ ngôn Việt Nam chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất thâm thuý.

- Đọc ngụ ngôn để soi mình và tự sửa mình cho hoàn thiện hơn.

II. BÀI LÀM

Người xưa thường gửi gắm vào truyện ngụ ngôn những bài học có ý nghĩa nhân sinh thiết thực và sâu sắc. Đọc một truyện ngụ ngôn nào đó, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học khác nhau, tuỳ theo trình độ cảm nhận và hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Tuy vậy, tính chất khái quát vẫn là đặc điểm nổi bật của truyện ngụ ngôn.

Nội dung truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng có thể tóm tắt như sau: Vì sống lâu trong một cái giếng hẹp nên con ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bằng cái vung. Xung quanh nó là một số loài vật nhỏ bé. Mỗi lần ếch cất tiếng kêu ồm ộp vang động cả giếng, mọi vật đều sợ hãi cho nên nó cảm thấy mình oai phong như một vị chúa tể. Một năm nọ, trời mưa to làm cho nước giếng tràn đầy, đẩy ếch ra ngoài. Nó nhảy nhót khắp nơi. Quen thói cũ, nó nhâng nháo đưa mắt nhìn lên bầu trời, chẳng thèm để ý gì đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.

Cốt truyện đơn giản nhưng có đủ diễn biến, tình tiết và nhân vật. Con ếch cũng có tâm lí giống như con người. Tại sao con ếch lại suy nghĩ thiển cận như vậy? Ấy là do nó sống lâu ngày dưới đáy một cái giếng nhỏ nên từ đó nhìn lên, nó chỉ thấy bầu trời bé tí như cái vung. Ngày nào cũng thế nên nó đinh ninh bầu trời chỉ to bằng ngần ấy mà thôi.

Ngoài cái đáy giếng quen thuộc ra, con ếch chưa biết đến một môi trường sống nào khác, một thế giới nào khác. Cho nên tầm nhìn, tầm hiểu biết của nó bị hạn chế là lẽ đương nhiên, không đáng trách. Điều đáng trách là thái độ chủ quan, kiêu ngạo, tự cho mình là giỏi giang hơn tất cả và nhận thức của mình là chân lí. Đến lúc rơi vào môi trường sống hoàn toàn mới lạ và rộng lớn, nó vẫn không thay đổi nhận thức, vẫn cho rằng mình là chúa tể, chẳng thèm để ý gì đến xung quanh. Rốt cục, ếch bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.

Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng mượn chuyện loài vật để bóng gió, kín đáo nói về chuyện của loài người. Từ cách nhìn nhận, đánh giá thế giới bên ngoài chỉ qua cái miệng giếng nhỏ hẹp của chú ếch, các tác giả dân gian ngầm phê phán những kẻ trình độ hiểu biết hạn hẹp, nông cạn nhưng lại hay tỏ vẻ ta đây. Đồng thời, truyện cũng ngầm khuyên nhủ mọi người nên cố gắng mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết ; không nên chủ quan, kiêu ngạo. Đừng để thiên hạ đánh giá mình là loại: Ếch ngồi đáy giếng.

Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi đề cập đến cách nhận thức sự vật trong thế giới xung quanh. Nội dung truyện như sau: Năm thầy bói mù ế khách ngồi tán gẫu. Thầy nào cũng phàn nàn là chưa được thấy voi bao giờ. Tình cờ lúc ấy nghe người ta nói voi sắp đi qua, năm thầy bàn nhau hùn tiền biếu quản tượng để được xem voi. Vì mù nên các thầy “xem” bằng tay. Mỗi thầy sờ vào một bộ phận của voi. Thầy sờ vòi; thầy sờ ngà; thầy sờ tai ; thầy sờ chân; thầy sờ đuôi.

Voi đi rồi, các thầy ngồi tranh luận về hình dáng con voi. Mỗi thầy nói lên cảm nhận riêng của mình. Thầy sờ vòi cho rằng voi sun sun giống như con đỉa. Thầy sờ ngà bảo voi chần chẫn như cái đòn càn. Thầy sờ tai khăng khăng voi bè bè giống cái quạt thóc. Thầy sờ chân thì dứt khoát là voi sừng sững như cái cột đình. Thầy sờ đuôi khẳng định voi tun tủn như cái chổi sể cùn. Càng tranh cãi càng hăng, không thầy nào chịu nhường thầy nào. Cuối cùng, họ lao vào đánh nhau đến toác đầu chảy máu.

Người xưa thật hóm hỉnh khi tạo ra tình huống năm thầy bói mù cùng xem một con vật khổng lồ là con voi. Các bộ phận của nó ở cách xa nhau (vòi, ngà, tai, chân, đuôi) ; mà mỗi thầy chỉ sở được có một thứ cho nên mới dẫn đến cuộc đấu khẩu bất phân thắng bại.

Tục ngữ có câu: Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một sờ. Ở đây, các thầy đều đã sờ với tận tay. Vậy thì còn sai vào đâu được?! Do vậy nên thầy nào cũng cho rằng nhận xét của mình là đúng nhất. Khổ nỗi, nó chỉ đúng với bộ phận mà mỗi thầy sờ được chứ không đúng với cả con voi. Sự vật thì chỉ có một (con voi), mà các thầy tưởng tượng ra tới năm hình dáng khác nhau xa. Điều đáng cười nhất là họ không nhận ra được bản chất của sự vật (yếu tố khách quan) mà cứ cố sống cố chết khẳng định nhận thức của mình mới là chân lí (chủ quan). Cả năm thầy đều chung một cách nhận xét về con voi rất phiến diện: dùng bộ phận để khái quát toàn thể sự vật.

Ý nghĩa của truyện không dừng ở mức hài hước, trào lộng để mua vui. Cao hơn thế, các tác giả dân gian muốn phê phán sự mù mờ trong nhận thức của không ít người. Bài học bổ ích chứa đựng trong truyện chính là : Trong cuộc sống, sự vật nào, vấn đề nào bản thân chưa hiểu biết tường tận, thấu đáo thì chỉ nên bày tỏ ý kiến một cách nông nổi, hồ đồ. Muốn có được một nhận xét chính xác thì phải tìm hiểu toàn diện, kĩ càng. Những hiểu biết sơ sài, nông cạn, những suy đoán chủ quan, thiếu thực tế chỉ dẫn đến nhận thức lệch lạc, sai lầm mà thôi. Ngoài ra, truyện còn ngầm chỉ trích loại người có trình độ hiểu biết thấp kém nhưng lại hay làm ra vẻ ta đây thông thái. Ý nghĩa này được gói gọn trong câu thành ngữ: Thầy bói xem voi.

Ý nghĩa của các truyện ngụ ngôn trong kho tàng ngụ ngôn Việt Nam vừa phong phú vừa thấm thía. Đọc truyện ngụ ngôn, suy ngẫm kĩ, ta sẽ thấy mình trong đó. Đọc để hiểu thêm về bản thân, về mọi người quanh ta, từ đấy có hướng sửa chữa những thói hư, tật xấu và tự hoàn thiện nhân cách nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.