I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ là Sài Gòn), nằm ở miền Nam Việt Nam, diện tích 2.095 km. Dân số gần 6 triệu người.

- Cách Thủ đô Hà Nội 1.730 km đường bộ về phía Bắc.

- Cách biển 50 km về phía Đông, có bờ biển dài 15 km.

2. Thân bài:

* Lịch sử:

- Cái tên Sài Gòn được ghi vào sổ sách của triều đình nhà Nguyễn từ năm 1698, đến nay là hơn 300 năm.

- Sài Gòn gắn liền với tên tuổi và công lao của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh. Theo lệnh chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, ông đã lập ra Phú Gia Định, xứ Đồng Nai, xứ Sài Gòn...

- Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định. Thống đốc người Pháp chia Gia Định làm 3 phủ, mỗi phủ 3 huyện, dưới huyện là tổng và xã. Sài Gòn là tỉnh lị của Gia Định.

- Cuối thế kỉ XIX, chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng Sài Gòn theo dáng dấp của một thành phố phương Tây. Các trục đường lớn đã hình thành. Các công sở, bệnh viện, trường học, bưu điện, công viên... lần lượt mọc lên. Sài Gòn đã trở thành nơi hội tụ, buôn bán của các thương nhân nước ngoài.

- Lịch sử Sài Gòn gắn liền với lịch sử oanh liệt chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam, là nơi mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ.

- Sài Gòn có rất nhiều di tích lịch sử gắn liền với những tên tuổi của các lãnh tụ cách mạng.

- Sau giải phóng miền Nam, Quốc hội khoá VI quyết định đổi tên Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh.

* Địa lí:

- Sài Gòn có địa thế vô cùng thuận lợi, là đầu mối giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không...

- Khí hậu chia 2 mùa mưa, nắng rõ rệt. Nhiệt độ trung bình 27°c.

- Thổ nhưỡng chủ yếu do phù sa bồi đắp mà thành.

- Có nhiều sông ngòi, kênh rạch, lớn nhất là sông Sài Gòn.

* Hành chính:

- Toàn thành phố có 24 quận huyện, tổng cộng 317 phường, xã, thị trấn.

- Nội thành gồm các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú.

- Các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

- Các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer...

* Kinh tế:

- Từ lâu, Sài Gòn đã là trung tâm kinh tế, thương mại của toàn miền Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

- Ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng nên phát triển rất nhanh, trở thành trung tâm kinh tế thương mại lớn và hiện đại nhất nước.

* Văn hoá:

- Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm văn hoá của toàn miền Nam. Các hoạt động văn hoá đa dạng, phong phú diễn ra thường xuyên, có tác động khá lớn đối với đời sống tinh thần dân chúng.

- Thành phố có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng: Cảng Ba Son, Bến Nhà Rồng, Thảo Cầm Viên, Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Đền thờ liệt sĩ Bến Dược, 18 thôn Vườn Trầu, các ngôi chùa cổ, nhà thờ cổ...

- Thành phố là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá: văn hoá bản địa, văn hoá phương Bắc và phương Tây.

3. Kết bài:

- Tiềm năng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn.

- Ảnh hưởng của thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước là rất quan trọng.

- Trong tương lai gần, thành phố sẽ phát triển ngang tầm với các thành phố hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

II. BÀI LÀM

Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ là Sài Gòn) cách Thủ đô Hà Nội 1.730 km (đường bộ) về phía Bắc; từ trung tâm thành phố cách biển Đông 50 km theo đường chim bay, có 15 km bờ biển, diện tích tự nhiên là 2.095 km2, dân số hơn 6 triệu người.

Tính từ khi địa danh Sài Gòn được ghi vào sổ sách của triều đình nhà Nguyễn năm 1698 cho đến nay thì vùng đất này đã được hơn 300 tuổi. Vào đầu năm Mậu Dần (1698), quan Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào mở mang vùng đất phía Nam. Ông đã thành lập phú Gia Định, lập xứ Đồng Nai, Sài Gòn, dựng dinh Trấn Biên... Vùng đất Nam Bộ lúc đó đất rộng người thưa. Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, số dân ở đây chỉ khoảng 500 ngàn người. Thống đốc quân sự người Pháp là Bonard chia tỉnh Gia Định thành 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Sài Gòn lúc bấy giờ là tỉnh lị của Gia Định. Năm 1864, Chợ Lớn được tách ra khỏi Sài Gòn vì đây là khu vực sinh sống của người Hoa đang trên đà làm ăn thịnh vượng.

Cuối thế kỉ XIX, Sài Gòn đã mang dáng dấp của một đô thị theo kiểu phương Tây. Trong nội thành đã xuất hiện những trục đường lớn có ngã tư, ngã năm, ngã bảy. Nhiều nhà tầng xây bằng gạch, xi măng cốt thép, quảng trường, bến cảng, công viên... lần lượt mọc lên.

Trên địa bàn Sài Gòn có tới hàng trăm sông ngòi, kênh rạch nhưng sông lớn không nhiều, lớn nhất là sông Sài Gòn mà đoạn chảy qua thành phố dài 106 km. Hệ thống đường sông từ thành phố lên miền Đông và xuống các tỉnh miền Tây, sang Cam-pu-chia đều thuận lợi.

Khí hậu ở đây chia ra làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình là 27°c. Thổ nhưỡng chủ yếu do phù sa cũ và phù sa mới bồi đắp mà thành.

Do vị trí địa lí và những yếu tố đất đai, khí hậu thuận lợi nên vùng đất này sớm trở thành nơi hội tụ của các thương nhân bốn biển, năm châu. Cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1862. Các tàu buôn của người phương Tây và các nước lân cận đã cập cảng Sài Gòn. Các địa danh như: chợ cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Bình Tây, chợ Rẫy, chợ Bến Thành... dần dần trở nên quen thuộc đối với thương nhân.

Cuối thế kỉ XIX (ngày 15/3/1874) Tổng thống nước Cộng hoà Pháp kí sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Từ đó, hàng loạt công trình được xây dựng: những công sở, trường học, bệnh viện, nhà thờ, trung tâm thương mại, công nghệ dịch vụ, giao thông vận tải, bưu điện... Đầu thế kỷ XX, Chợ Lớn lại sáp nhập vào Sài Gòn. Sài Gòn - Chợ Lớn trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương, được ca ngợi là Hòn ngọc Viễn Đông.

Sài Gòn được cả thế giới biết đến vì đây là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến anh dũng chống quân xâm lược Pháp và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Kì họp thứ nhất của Quốc hội khoá VI nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tổ chức vào ngày 2 tháng 7 năm 1976 đã quyết định đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn thành phố hiện nay có 24 quận, huyện. Nội thành có các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân và Tân Phú. Ngoại thành có các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Tổng cộng là 317 phường, xã, thị trấn. Các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer... cùng chung sống trên mảnh đất trù phú này.

Dân số của thành phố khoảng 6 triệu người, từ khắp đất nước tụ họp về đây làm ăn, sinh sống. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực sản xuất hàng hoá, kinh doanh và dịch vụ... nên thành phố đã có quy mô của một trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông của cả miền Nam, bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường không. Từ thành phố đi Hà Nội có quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất và quốc lộ 13 xuyên Đông Dương. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 7 km, là sân bay lớn nhất ở Việt Nam với hàng chục đường bay quốc tế.

Ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, mạng lưới giao thông tương đối thuận tiện, thành phố Hồ Chí Minh còn có tiềm năng du lịch rất lớn. Nơi đây là vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam và cũng là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước (1911). Gắn liền với sự kiện đó, Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh là di tích quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Các di tích cách mạng khác như Địa đạo Củ Chi, 18 thôn Vườn Trầu, Đền thờ liệt sĩ Bến Dược, các nhà bảo tàng, nhà hát lớn, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn. Gần đây, thành phố đã xây dựng thêm nhiều khu du lịch như Thanh Đa, Bình Quới, các khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Kì Hoà, Suối Tiên,... đã thu hút lượng du khách khá đông. Thành phố đang tiến hành tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc cổ... khôi phục nền văn hoá truyền thống kết hợp với tổ chức lễ hội, các tua du lịch sinh thái để khai thác tiềm năng và phát triển công nghệ du lịch của thành phố.

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Bến Nhà Rồng, Cảng Sài Gòn, Đền thờ Quốc Tổ, Dinh Xã Tây (Ủy ban Nhân dân Thành phố), Nhà hát lớn, Bưu điện Thành phố, các ngôi chùa cổ (chùa Giác Lâm, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Tổ Đình Giáo Viên...), các nhà thờ cổ như Đức Bà, Huyện Sĩ, Thông Tây Hội, Thủ Đức... Nhìn chung, Sài Gòn - Gia Định là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá và có một nền văn hoá kết hợp hài hoà giữa truyền thống của người Việt, người Chăm, người Khơme với những nét đặc sắc của văn hoá phương Bắc và phương Tây.

Có thể nói Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hoá, chính trị của miền Nam. Sự ra đời và phát triển khá sớm và phong phú của sách, báo, trường học, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, các hoạt động giao lưu văn hoá, văn học, nghệ thuật diễn ra thường xuyên khiến cho Sài Gòn từ lâu đã là một thành phố có ảnh hưởng về văn hoá đối với cả nước. Với tiềm năng to lớn, trong một tương lai không xa, chắc chắn thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển ngang tầm với các thành phố hiện đại, văn minh trong khu vực và trên thế giới.